Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán thắng để lấy 300 triệu đồng

02/08/2014 00:15 GMT+7

Không chỉ nhóm cầu thủ Hải quan bán độ ở giải bóng đá vô địch quốc gia năm 1997 bị lôi ra ánh sáng mà sau đó đến lượt một tượng đài khác của bóng đá TP.HCM là Cảng Sài Gòn cũng bán mình cho quỷ ở giải vô địch chuyên nghiệp đầu tiên năm 2000 - 2001.

Không chỉ nhóm cầu thủ Hải quan bán độ ở giải bóng đá vô địch quốc gia năm 1997 bị lôi ra ánh sáng mà sau đó đến lượt một tượng đài khác của bóng đá TP.HCM là Cảng Sài Gòn cũng bán mình cho quỷ ở giải vô địch chuyên nghiệp đầu tiên năm 2000 - 2001.

Rủ nhau cùng bán

 
Huỳnh Hồng Sơn và Hồ Văn Lợi (phải) - những cầu thủ CSG đã nhúng chàm trong vụ mua chức vô địch năm 2000 - 2001 - Ảnh: H.H

Ngày 12.5.2006, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã chính thức khởi tố vụ án nhận hối lộ của nhóm cầu thủ đội Cảng Sài Gòn (CSG), bắt tạm giam 2 cầu thủ trụ cột của đội này là tiền đạo Huỳnh Hồng Sơn và tiền vệ Hồ Văn Lợi, cho tại ngoại 2 cầu thủ khác là hậu vệ Nguyễn Phúc Nguyên Chương và thủ môn Nguyễn Văn Phụng. Nhóm cầu thủ này được cho là đã tham gia nhận tiền từ một cựu cầu thủ CSG khác là Trương Tấn Hải để đá thắng Nam Định trong trận đấu cuối cùng trên sân Thống Nhất ngày 27.5.2001 tại giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp đầu tiên của VN mùa bóng 2000 - 2001. Trước đó, chính Trương Tấn Hải sau khi bị bắt vào ngày 7.3.2006 đã khai nhận chia tiền cho các cầu thủ trên và một số cầu thủ khác của đội CSG với tổng cộng 300 triệu đồng. Cụ thể, theo Hải, 5 cầu thủ gồm anh ta, Huỳnh Hồng Sơn, Nguyên Chương, Văn Phụng và hậu vệ Bùi Xuân Thủy mỗi người nhận 30 triệu đồng, 6 cầu thủ khác trong đó có Hồ Văn Lợi nhận mỗi người 20 triệu đồng, 2 cầu thủ tiếp theo mỗi người nhận 8 triệu đồng, 1 cầu thủ khác và 1 lái xe nhận 4 triệu đồng/người, còn lại 6 triệu đồng cả bọn kéo nhau đi nhậu sau trận đấu. Toàn bộ số tiền này chỉ có cầu thủ biết với nhau, không liên quan đến Ban huấn luyện đội CSG khi đó.

Cũng theo lời khai của Trương Tấn Hải thì số tiền này Hải nhận được trực tiếp từ tay cựu hậu vệ Nguyễn Hữu Thắng của đội Sông Lam Nghệ An (SLNA). Chính Thắng đã bay từ Vinh vào TP.HCM để thực hiện phi vụ trên. Lần đầu, Hữu Thắng thỏa thuận với Hải nếu đội CSG thắng Nam Định để cản đường đội bóng thành Nam đăng quang thì Hải và các cầu thủ trụ cột của CSG sẽ nhận 100 triệu đồng. Nhưng Hải bảo phải hỏi ý kiến anh em. Sau đó, Hải liên lạc với Thắng yêu cầu phải chi 300 triệu đồng mới có thể đá thắng đối phương giúp cho SLNA. Hữu Thắng đã phải điện về “tổng hành dinh” xin ý kiến và sau khi được bật đèn xanh ngoài việc đưa trước cho nhóm của Tấn Hải 100 triệu đồng, cựu tuyển thủ quốc gia của SLNA đã chạy đôn chạy đáo nhờ những người bạn ở Sài Gòn giúp mượn thêm 200 triệu đồng để chồng đủ. Trên thực tế, từ nhiều lời khai của các cầu thủ “dính chàm” được xác minh lại từ phía cơ quan điều tra thì Hữu Thắng chỉ đưa cho nhóm của Trương Tấn Hải 250 triệu đồng, nhưng lời khai của phía SLNA cho biết Thắng báo về là đã chi đến 320 triệu đồng!

Biết sai vẫn làm

Cần nhắc lại trước trận đấu này, Nam Định đang có 34 điểm (11 trận thắng, 1 trận hòa và 5 trận thua) dẫn đầu giải hơn SLNA xếp thứ nhì chỉ có 33 điểm (10 trận thắng, 3 trận hòa và 4 trận thua). Nếu Nam Định thắng trên sân Thống Nhất trước CSG ở lượt đấu cuối cùng (vòng thứ 18 vì giải vô địch quốc gia năm 2000 - 2001 là giải chuyên nghiệp đầu tiên của bóng đá VN có 10 đội tham gia, đá vòng tròn 2 lượt), bất kể việc cùng lúc SLNA có giành chiến thắng tại Vinh trước Công an TP.HCM với tỷ số bao nhiêu thì đội bóng thành Nam cũng lên ngôi. Khi đó, CSG và Công an TP.HCM là 2 đội đã đủ điểm an toàn trụ hạng và cũng không còn khả năng tranh chấp vào các vị trí đầu, nên xét về lý đều không còn động lực để thi đấu. Do vậy, phía lãnh đạo đội SLNA đánh giá nếu không kịp thời “bồi dưỡng” cho cầu thủ đội CSG thì rất dễ xảy ra tâm lý buông xuôi thế trận cho Nam Định giành cúp nên SLNA đã thực hiện phi vụ dùng tiền mua chuộc cầu thủ đội Cảng. Hữu Thắng chính là người đã nhận trách nhiệm đàm phán trót lọt này.

Chính cầu thủ CSG khi đó cũng đang trong tâm trạng muốn đá trận cuối cho xong để nghỉ khỏe. Trước đó, ở vòng thứ 17 do thua Thể Công 2-3 để xổng mất chiếc huy chương đồng, nhiều cầu thủ CSG hiểu rằng dù có cố gắng thắng trận cuối trên sân nhà cũng chẳng có ý nghĩa gì vì đang kém Thể Công 2 điểm và trận cuối Thể Công lại hưởng lợi thế khi gặp Đồng Tháp, đội trước đó đã chính thức xuống hạng nên chắc chắn sẽ bỏ túi thêm 3 điểm để bảo đảm ngôi thứ ba chung cuộc. Chính vì vậy, các trụ cột CSG đều xác định trận gặp Nam Định chỉ là trận thủ tục để chia tay giải nên không cần cố gắng. Nhưng khi bất ngờ nhận được tiền từ Trương Tấn Hải và Nguyễn Hữu Thắng, tâm lý các cầu thủ CSG quay ngoắt 180 độ. Từ chỗ hờ hững với trận đấu này, bỗng chốc nhiều cầu thủ CSG chơi như lên đồng, ào ạt tấn công từ đầu trận để đè bẹp đội bóng thành Nam đến 5-0, trong đó 3 bàn thắng thuộc về Huỳnh Hồng Sơn và 2 bàn của Hồ Văn Lợi.

Tại cơ quan điều tra, các cầu thủ Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương và Nguyễn Văn Phụng đã thành khẩn khai báo, nộp lại tiền và thừa nhận sai lầm của mình. Họ đều có chung một “đáp số” khi thời điểm đó chỉ nghĩ rằng đây là tiền bồi dưỡng để động viên tinh thần toàn đội đá hăng hơn, vì đó là chiến thắng chứ nào có làm gì bậy bạ và cũng không nghĩ rằng điều đó là phạm pháp. Nhưng đó chỉ là sự ngụy biện vì trước đó họ thừa biết vụ án của nhóm cầu thủ đội Hải quan liên quan đến Sơn “cao” và Nghĩa “vé số” cũng có những trận bán thắng và lấy tiền bồi dưỡng kiểu này. Ngay trong số các cầu thủ CSG cũng có một người từng ra tòa trong vụ án của nhóm cầu thủ làm độ của đội Hải quan là Nguyễn Phúc Nguyên Chương.

Nhóm PV thể thao

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Cơn nghiện' hủy hoại tương lai
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Chơi dao có ngày đứt tay
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán độ được trận này sẽ bán tiếp trận khác 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.