>> Người trong cuộc kể về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
>> Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
|
Kỳ 1: Ý chí Hạ Long
Những ngày đầu tháng 8.2014, đi dọc các tỉnh Bắc Bộ tìm gặp lại những người lính từng tham gia cuộc chiến đấu 5.8.1964 đánh trả máy bay Mỹ tấn công các căn cứ Hải quân miền Bắc, tôi nhớ nhất lời nhắn của những người dân: “Các anh ấy đã chặt dây neo, di chuyển tàu ra ngoài khơi đánh trả máy bay Mỹ. Nếu không có hành động đó, sẽ có nhiều người dân bị chết, nhà cửa - trường học bị phá hủy!”.
Chính những người lính tàu săn ngầm, cơ yếu trên vùng biển Hạ Long mịt mù đạn bom, thắm đỏ máu xương 50 năm trước với tinh thần “vì nhân dân quên mình” cứ thầm lặng tỏa sáng...
Tàu săn ngầm bắn cháy máy bay
Ngày 5.8.1964, Biên đội các tàu săn ngầm mang ký hiệu T227, T229, T231 và T225 của Đoàn 200 đang neo đậu tại Quân cảng Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ngoài lực lượng tàu săn ngầm, còn có các tàu tuần tiễu của Đoàn 130.
|
Tàu T225 do trung úy Lê Văn Chừng làm thuyền trưởng đang trong phiên trực canh. Đây là một trong bốn con tàu săn ngầm hiện đại, mới được trang bị cho Hải quân lúc bấy giờ, với tải trọng 200 tấn, tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ.
14 giờ 40 phút, tốp 8 chiếc máy bay Mỹ ầm ầm từ biển lao vào phóng rocket xuống khu trú đậu tàu của Căn cứ 1 Hải quân. Cuộc tập kích bất ngờ làm ba tàu tuần tiễu của Đoàn 130 bị trúng đạn và sau hồi kẻng báo động chiến đấu, tất cả các tàu Hải quân nhanh chóng cơ động ra khỏi cảng.
|
Lúc này, tàu T225 nổ máy, chặt đứt dây neo, vừa rời khỏi khu neo đậu, vừa nổ súng đánh trả. Phát hiện mục tiêu ra khỏi cảng, đang ở Cửa Lục (nơi có luồng lạch hẹp), máy bay Mỹ xúm vào điên cuồng trút đạn xuống T225, nhằm nhấn chìm con tàu, bịt đường ra biển của những con tàu khác.
Giáng trả quyết liệt, hai khẩu 25 ly do hai pháo thủ Bùi Mạnh Hùng và Đoàn Ngọc Lâm căng những đường đạn xé nát đội hình tấn công của máy bay Mỹ.
Phát hiện một máy bay AD4 lượn vòng lên cao, rồi lao thẳng xuống mạn phải tàu T225 cắt bom, thuyền trưởng Lê Văn Chừng ra lệnh bắn áp đảo, khiến chiếc máy bay trúng đạn, bay loạng quạng ra xa rồi đâm đầu xuống biển. Trung úy Anvaret nhảy dù và bị bắt ngay sau đó. Đó là viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt sống trên miền Bắc.
Tiếp sức cho các pháo thủ là đồng đội ở làm nhiệm vụ Thủy vũ, Quân y, Hàng hải... mướt mải vác đạn phục vụ và sau này, khi kết thúc trận chiến, mới giật mình khi thấy “đạt kỷ lục”: bình thường trong huấn luyện, mỗi hòm đạn 45 kg phải hai người khiêng, nhưng lúc ấy chỉ cần một người vác chạy băng băng. Với pháo thủ Bùi Mạnh Hùng, băng đạn dài liên tục được pháo thủ Hùng được nạp. Nòng pháo 25 ly trước mặt anh nóng rực, khét lẹt, được làm nguội liên tục, có khi bằng tay không thay nòng pháo khác.
Cơ yếu bắt sống phi công
“Cứ bảo là người Mỹ to cao lắm, nhưng thực ra nó còn thấp hơn tôi cả một cái đầu”, ông Nguyễn Kim Bảo (nay 86 tuổi, nguyên cán bộ Tổ Cơ yếu đảo Cô Tô, ngụ P.Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cười sảng khoái khi nhắc lại chuyện bắt sống trung úy phi công Anvaret cách đây 50 năm.
|
Ông Bảo kể: Khoảng 14 giờ 30 chiều 5.8, thuyền chúng tôi ra ngang Hà Tu (thị xã Hòn Gai) thì thấy ầm ầm súng pháo từ tàu Hải quân, bộ đội phòng không trên bờ nhả đạn lên trời và một chiếc máy bay Mỹ bị cháy, phụt khói rơi ngay phía trước. Tôi giục hai đồng chí đi cùng chèo nhanh thuyền về phía đó. Đến chỗ dù rơi khoảng 50 mét thì phát hiện viên phi công đang sặc sụa dưới biển. Nếu tôi không đến kịp, chắc nó cũng chết đuối. Tôi ngồi bên mạn thuyền, một cánh tay ghì vào cột buồm, một tay thả xuống túm tóc phi công kéo lên và nhắc các anh em trên thuyền: “Trói tạm vào cột buồm, vì nó mặc quần áo bay!”.
“Nhìn viên phi công bị trói cũng thấy tội. Tôi móc bao thuốc, châm cho nó hút. Xong tôi móc trong túi ra tờ giấy, nó nhìn tôi rồi gật đầu ra hiệu trong túi nó, tôi lấy ra một chứng minh thư. Rồi tôi giơ tay nhìn mấy giờ, thì nó làm hiệu cho tôi thấy nó đeo cái đồng hồ thủy quân lục chiến. Tôi lại ra hiệu con dao găm của tôi đang đeo ở sườn. Nó cũng gật đầu và tôi là thu được 3 vật!”, ông Bảo rành mạch từng chi tiết vậy và nhớ lại: “Mãi mới thấy một đoàn tàu thuyền từ Hòn Gai chạy ra bắt phi công. Tôi bàn giao phi công cho các anh ấy, không có giấy tờ gì nên chỉ thông báo: Chúng tôi là tổ Cơ yếu Cô Tô”.
|
Năm 2001, thiếu tá Lò Thị Xuân, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang làm nhiệm vụ hướng dẫn khách thăm quan, chợt thấy rất nhiều khách nước ngoài tập trung tại Khu Trưng bày trận thắng ngày 5.8.1964 của quân dân miền Bắc, trong Bảo tàng và lặng nghe một người kể chuyện. Hỏi ra, người kể chuyện tự giới thiệu: “Tôi là người trong bức ảnh này. Hồi ấy tôi là Anvaret, trung úy phi công Mỹ” và lặng đi ít phút: “Ngày 5.8.1964, khi mới 21 tuổi, được giao nhiệm vụ bắn phá miền Bắc Việt Nam trên chiếc máy bay cực kỳ hiện đại, tôi không nghĩ rằng mình bị bắn rơi một cách nhanh chóng đến vậy. Rơi xuống biển, bị vướng vào dù, đang loay hoay trong đống bùng nhùng đó thì tôi được 3 người đến giúp đỡ, tháo dù và đưa lên thuyền!”.
Anvaret là viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, là vị khách không mời đầu tiên và cũng là người có thâm niên cao nhất trong số các tù binh Mỹ ở Việt Nam: gần 9 năm ở trong Hỏa Lò (còn được gọi là "khách sạn Hin-tơn" Hà Nội), đến 12.2.1973, Anvaret cùng số tù binh Mỹ ở đây đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ.
Sau khi về Mỹ, Anvaret tiếp tục phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ và đã viết cuốn tự truyện “Chim ó bị xiềng”, xuất bản năm 1978, kể về cuộc sống trong những ngày bị giam tại Hỏa Lò.
Trong mấy lần trở lại Việt Nam đầu những năm 2000, cựu trung úy phi công Anvaret đều dò tìm tin tức người bắt mình, cũng là người cứu mình ngày 5.8.1964. Tuy nhiên, thông tin về ông Nguyễn Kim Bảo không đầy đủ nên ý tưởng đó vẫn không thành. Chỉ đến thời điểm này, người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên ở miền Bắc mới lộ diện và cá nhân ông Bảo, cũng rất mong gặp lại người ở bên kia chiến tuyến, để xem con “chim ó bị xiềng” mà mình đã cứu, bây giờ còn “bay lượn” ra sao... (Còn tiếp)
Đêm 4.8.1964, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”: Cho tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy ở vùng biển quốc tế phát tín hiệu bị tấn công, vừa hành trình vừa đồng loạt bắn các loại pháo ra xung quanh, rồi ngay lập tức nhà cầm quyền Mỹ ở Lầu Năm Góc lu loa lên rằng: “Một cuộc tiến công cố ý thứ hai trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt Nam đã đánh vào hai tàu khu trục này trong khi hai khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở vịnh Bắc bộ trong hải phận quốc tế cách khoảng 65 dặm (gần 105 km) nơi gần bờ biển nhất”. 23 giờ 30 phút (giờ Mỹ) ngày 4.8.1964, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ về việc ra lệnh cho các lực lượng quân sự của Mỹ có “hành động trả lời...” đối với Bắc Việt Nam. |
Mai Thanh Hải - Văn Toàn - Thu Hương
>> Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
Bình luận (0)