Không chỉ cầu thủ ở cấp CLB mua bán độ dàn xếp tỷ số tại giải vô địch quốc gia, các giải trong khu vực, mà ngay đến đội tuyển, nơi mỗi tuyển thủ là đại diện cho màu cờ sắc áo Tổ quốc, cũng bán mình cho quỷ.
“Kẻ phản bội”
|
Nghi án đầu tiên liên quan đến các tuyển thủ chính là giải đấu giao hữu JVC Cup vào tháng 11.2003 ngay trước thềm SEA Games 22. Khi đó, với mong muốn trui rèn cho đội tuyển có thêm kinh nghiệm trận mạc trước khi bước vào trận đánh lớn, Liên đoàn Bóng đá VN đã mời 2 đội quốc tế là Perak (Malaysia) và Persik (Indonesia) cùng 4 đội bóng VN là U.23 Sông Lam Nghệ An, Thể Công và Ngân hàng Đông Á tham dự. 6 đội chia 2 bảng đá vòng tròn từ ngày 1 đến 5.11. Đội U.23 VN trận đầu hòa Persik 0-0, trận sau thắng Thể Công 3-0 lọt vào bán kết với ngôi đầu bảng. Ngày 7.11, U.23 VN bước vào trận bán kết với Perak và sớm ghi bàn mở tỷ số từ phút thứ 3 do công của Văn Quyến. Sau bàn thắng, lẽ ra U.23 VN thừa thắng xông lên để tiếp tục tạo ưu thế thì bỗng nhiên cả đội chơi chùng lại, một số vị trí có biểu hiện lơ là, mất tập trung. Chính Quyến phạm sai lầm để đối thủ cướp bóng gỡ hòa 1-1. Đến phút 83, Phan Thanh Bình trong một nỗ lực đã nâng lên 2-1. Thế nhưng U.23 VN đánh mất chiến thắng khi cặp trung vệ Như Thành - Huy Hoàng bỗng dưng lóng ngóng, không kèm người để đối thủ gỡ hòa 2-2, sau đó suy sụp tinh thần thua luôn 2/4 trong loạt đá luân lưu 11 m.
Ngay sau thất bại, BHL đội U.23 nhận được thông tin từ một cầu thủ trong đội cho biết vài vị trí ở hàng thủ và một ngôi sao ở hàng công đã rủ rê họ “bán mình cho quỷ”. Kết hợp với những nghi ngờ trước đó khi U.23 VN để thua Thân Hoa Thượng Hải (Trung Quốc) 1-2 trong trận đấu khánh thành sân Mỹ Đình ngày 2.9.2003 hay trận thua Iraq tại vòng loại Olympic Athens vào tháng 10.2003 cũng liên quan đến một số vị trí chơi dưới sức, có nhiều biểu hiện không bình thường, lập tức HLV Riedl yêu cầu trợ lý triệu tập cuộc họp để làm cho ra lẽ.
Trong cuộc họp này, ông Riedl rất giận dữ khi biết những sa sút bất thường là có “đường dây” mua bán độ với vài ngôi sao trong đội hình chính tham gia. Khi ông điểm mặt và gặp riêng từng người, ai cũng chối tội. Tức tối vì cầu thủ không thừa nhận hành vi sai trái, ông Riedl cho rằng trước hết phải xử người cầm đầu nhóm này là Như Thành, vì ông có thông tin chính Thành đã chỉ đạo “hàng công không được ghi bàn vào lưới Perak” và có nhiều biểu hiện cùng trung vệ Nguyễn Huy Hoàng cố tình nhiều lúc bỏ vị trí, không kèm người và sơ hở một cách lạ kỳ.
Ông Riedl lúc đó khẳng định với báo chí rằng biểu hiện “đá như buông” của Như Thành chắc chắn liên quan đến mua bán độ. Ông còn nói: “Tôi không tin một người có dáng vẻ hiền lành bên ngoài lại cam tâm làm việc tày đình như vậy. Những lời tố cáo của các cầu thủ khác đã quá đủ để kết tội anh ta. Tôi không nghĩ các cầu thủ dựng chuyện để hại Thành. Tôi luôn đối xử với Thành như một người đàn ông đã trưởng thành nhưng không ngờ Thành lại lừa gạt tôi. Không còn cách nào khác là phải loại anh ta khỏi đội U.23 trước khi anh ta lôi kéo và phá nát đội”. Sau đó, ông Riedl còn gọi Thành là kẻ phản bội.
“Phải đến nửa đội chứ đâu chỉ riêng tôi”
Khi vụ án xảy ra, thời điểm đó, chính VFF đã nhanh nhảu mời cơ quan điều tra vào cuộc, đồng thời tư vấn cho ông Rield và các trợ lý là sai đến đâu xử đến đó, ai có lỗi rõ ràng là xử, nhưng cũng phải đảm bảo nguyên tắc đừng để đội tuyển bị suy yếu. Nghĩa là nếu thành phần “ăn theo” mà không làm gì sai trái đến nỗi bán rẻ danh dự thì nên tha thứ tạo điều kiện cho họ tiếp tục “đoái công chuộc tội”, nếu có trảm thì chỉ nhắm người cầm đầu. Ông Riedl ban đầu nói rất thẳng là muốn xử hết những ai đã “nhúng chàm” nhưng sau khi suy nghĩ lại, ông đã quyết định chỉ trảm mỗi Như Thành, còn 3 ngôi sao gốc Nghệ An khác là Huy Hoàng, Văn Quyến và thủ môn Thế Anh cũng có những biểu hiện không bình thường tương tự đều bất ngờ thoát tội.
Sau đó, khi Liên đoàn Bóng đá VN đem vụ này ra xét xử, do chứng cứ buộc tội Như Thành chưa đầy đủ, nên quyết định chỉ treo giò Như Thành 5 năm, sau đó giảm xuống còn 2 năm rưỡi thay vì dự kiến treo vĩnh viễn. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN khi ấy là ông Mai Liêm Trực có nói: “Trường hợp của Như Thành là nỗi đau lớn của bóng đá VN trước thềm SEA Games. Các biểu hiện trên sân, băng hình trận đấu đã cho thấy rõ và đây không chỉ là sai phạm một lần trong một trận đấu cụ thể. Ghê gớm hơn khi nó còn tác động đến nhiều cầu thủ khác. Anh không chỉ vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp mà còn tổn hại danh dự của quốc gia khi SEA Games cận kề”.
Thất vọng khi bị xem là “chốt thí”, Như Thành nói thẳng trên báo: “Cách đây 3 - 4 tháng, tôi cũng từng bị phạt, nhưng bây giờ nếu lôi chuyện đó ra để đuổi tôi thì phải đến phân nửa đội hình đáng bị đuổi”. Phát biểu công khai này cho thấy hiện tượng sinh hoạt vô kỷ luật, rủ nhau “chích” các trận đấu của không chỉ một người mà là một nhóm tuyển thủ U.23 VN. Cũng chính vì Liên đoàn Bóng đá VN không dũng cảm “diệt tận gốc” nên sau này đã xảy ra vụ án còn đau lòng hơn ở SEA Games 23 tại Bacolod (Philippines).
Nhóm PV thể thao
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Người khác làm, tôi không làm tôi ngu sao
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Đường dây môi giới của trọng tài
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Không thủng vì đạn mà thủng vì tiền !
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Dùng tiền bôi trơn chức vô địch
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải
Bình luận (0)