Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Đường dây môi giới của trọng tài

06/08/2014 03:00 GMT+7

Không phải từ khi sự cố trọng tài Lương Trung Việt bị bắt do tội môi giới hối lộ, sự hoen ố của đội ngũ trọng tài mới được phát hiện. Thật ra hành vi trên của trọng tài này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên quan đến đường dây môi giới, sắp xếp móc ngoặc vốn đã âm ỉ từ lâu của giới cầm còi.

Không phải từ khi sự cố trọng tài Lương Trung Việt bị bắt do tội môi giới hối lộ, sự hoen ố của đội ngũ trọng tài mới được phát hiện. Thật ra hành vi trên của trọng tài này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên quan đến đường dây môi giới, sắp xếp móc ngoặc vốn đã âm ỉ từ lâu của giới cầm còi. 

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Không thủng vì đạn mà thủng vì tiền !
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Dùng tiền bôi trơn chức vô địch
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải

 Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Đường dây môi giới của trọng tài
Trọng tài Trương Thế Toàn (trái) bị cầu thủ đội Vĩnh Long rượt đánh năm 1997 vì cho rằng đã thổi ép chủ nhà - Ảnh: Lê Trí 

Có thổi không, theo phương án cũ nhé !

Trong 22 trận đấu của đội Ngân hàng Đông Á - Thép Pomina (ĐATP) ở mùa giải hạng nhất năm 2005, nếu hệ thống lại những chiến thắng hoặc hòa của đội này ít nhiều đều thấy dấu hiệu bất thường từ công tác trọng tài. Ở lượt đi có 11 trận không hiểu phân công kiểu gì mà trọng tài Nguyễn Đức Vũ (Bình Thuận) được ưu ái làm nhiệm vụ đến 5 trận có đội ĐATP, nghĩa là chiếm đến một nửa số trận của đội này. Kết quả là ĐATP hòa 2 trận trên sân khách, 1 trận thắng, 1 trận hòa và 1 trận thua trên sân nhà. Đặc biệt, có 2 trận ông Vũ làm trọng tài chính trên sân khách ĐATP gặp Tiền Giang và An Giang thì đều có điểm. Trọng tài Nguyễn Hữu Thành (Khánh Hòa) cũng có mặt trong 2 trận thắng có nghi vấn của ĐATP trên sân Thống Nhất: thắng Thanh Hóa 4-3 và Huda Huế 2-1. Tương tự, 2 trọng tài Thái Thượng Triết (An Giang) và Vũ Bá Lâm (Thanh Hóa) ngoài trận ĐATP - Huế còn có mặt trong 3 trận đấu khác của ĐATP đều có điểm trên sân khách ở lượt đi là CT - ĐATP 1-1, An Giang - ĐATP 1-1 và Đá Mỹ Nghệ - ĐATP 1-1. Một trọng tài khác là Phạm Hữu Lộc (Bình Định) thổi trận Tôn Hoa Sen Cần Thơ hòa ĐATP 1-1 cũng bị phát hiện nhận được tin nhắn với nội dung đại loại: “Hôm nay có thổi không. Nếu có cố gắng thổi tốt như cũ nhé”.

Loại tin nhắn như thế đã xuất hiện nhan nhản trong máy của không ít trọng tài trước khi diễn ra trận đấu. Đứng trước tòa, các trọng tài ban đầu chối tội cho rằng đó chỉ là lời nhắn động viên khích lệ tinh thần của đồng nghiệp hoặc các ông vua sân cỏ do quá thân thiết. Nhưng giới áo đen sau đó chỉ biết gục đầu trước tòa khi bằng chứng được đưa ra, đó là các tin nhắn kiểu này lặp đi lặp lại nhiều lần trong mùa giải và chỉ liên quan chủ yếu đến đội ĐATP. Dĩ nhiên đó là điều không bình thường và như có người đã thừa nhận sau đó rằng, nó như mệnh lệnh được phát ra từ “kẻ môi giới” phải làm tròn phi vụ để được nhận tiền bồi dưỡng.

Chính Lương Trung Việt ban đầu trước tòa luôn cho rằng mình không chủ động nhờ trọng tài khác thổi thiên vị cho ĐATP nhưng cũng đã lúng túng nhìn nhận đã không ít lần thực hiện việc nhắn tin như vậy. Khi nhắm đến trận của ĐATP, Lương Trung Việt luôn tìm cách lân la dò hỏi rồi nhắn tin cho trọng tài sẽ thổi, ru ngủ họ bằng các chiêu trò, bằng những lời hứa có cánh. Khi nhận được “tín hiệu” từ Việt, ngay lập tức Giám đốc điều hành ĐATP Nguyễn Tiến Huy sẽ tiến hành các thủ tục “chuyển quà” đến, bảo đảm đối tượng được mua chuộc sẽ nhận ngay “thóc tươi” trong thời gian sớm nhất. 

Lờn thuốc do không nghiêm

Vụ 14 trọng tài bị phát hiện môi giới hối lộ và nhận hối lộ còn lộ ra một mảng tối của bóng đá VN thời điểm đó. Đó chính là sự tha hóa về đạo đức khi cứ tụ họp lại là nhậu nhẹt, chơi bời, đánh bài thâu đêm của một bộ phận trọng tài. Bởi một khi kiếm tiền quá dễ dàng, họ xài tiền cũng như nước lã. Hết là lại tìm cách móc nối làm độ tiếp.

Chính Liên đoàn Bóng đá VN khóa 4 và Hội đồng trọng tài quốc gia cũng từng nhìn thấy điều này và trong phạm vi quyền hạn của mình đã từng mạnh dạn xử treo còi vĩnh viễn 6 trọng tài gạo cội vì chuyện thổi bậy, kiếm tiền bằng cách nhận hối lộ và làm “cò”. Nhưng cũng chính những người có trách nhiệm đó nhiều lúc lại không đủ dũng khí, không mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực trong giới trọng tài, không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nên xử xong thì gần như ngay lập tức lại xóa hoặc giảm án. Vì vậy giới trọng tài lại tiếp tục nảy sinh ra nhiều con sâu khác còn tinh vi, đáo để hơn, môi giới trắng trợn hơn suốt một thời gian dài mà không hề có sự nghiêm trị.

Tiêu biểu cho câu chuyện dung túng của Liên đoàn Bóng đá VN về sự môi giới này là việc trọng tài Dương Mạnh Hùng từng lên tiếng tố cáo đồng nghiệp Phùng Đình Dũng (cũng của đơn vị Hà Nội) đã nhận và chuyển tiền bồi dưỡng của đội Quảng Ninh cho ông. Ông Dương Mạnh Hùng kể rằng ông đã không ít lần báo cáo với liên đoàn về vụ việc này, cụ thể là trọng tài Phùng Đình Dũng đã từng đưa tiền cho ông vào ngày 7.7.2000 khi ông đang làm nhiệm vụ ở giải hạng nhì tại sân Yên Bái và nói rằng đó là tiền do đội Quảng Ninh gửi bồi dưỡng trọng tài. Ông Dương Mạnh Hùng còn cho biết chính ông Trần Duy Ly, lúc đó là phó chủ tịch, có nói rằng đã có chỉ đạo cho ông Vũ Hạng là Trưởng ban Thi đua - khen thưởng - kỷ luật của liên đoàn và Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Ngọc Vinh xem xét làm rõ. Nhưng sau một thời gian mọi chuyện đã trôi qua trong im lặng.

Chính thái độ không nghiêm đó của nhiều quan chức liên đoàn thời đó và kể cả sau này đã giúp cho nhiều trọng tài có chỗ dựa và trở nên lờn thuốc.

Nhóm PV thể thao

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Không thủng vì đạn mà thủng vì tiền !
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Dùng tiền bôi trơn chức vô địch
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán thắng để lấy 300 triệu đồng
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Cơn nghiện' hủy hoại tương lai
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Chơi dao có ngày đứt tay
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán độ được trận này sẽ bán tiếp trận khác 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.