Bỗng dưng bị người làm công... giành con

10/08/2014 09:00 GMT+7

Vợ vừa qua đời, đang nén nỗi đau để chăm sóc cô con gái còn bé thì bỗng dưng có người đàn ông khác nhảy vào bảo 'con ông đang nuôi là con gái của tôi', rồi còn yêu cầu tòa xử…

Vợ vừa qua đời, đang nén nỗi đau để chăm sóc cô con gái còn bé thì bỗng dưng có người đàn ông khác nhảy vào bảo “con ông đang nuôi là con gái của tôi”, rồi còn yêu cầu tòa xử…

Bỗng dưng bị người làm công... giành con
Minh họa: DAD

Ông Đặng Văn L. và vợ là Nguyễn Thị Bích N., ngụ Q.4, TP.HCM, có con gái tên Đặng Nhã Q. sinh năm 2010. Khai sinh cháu Q. cũng ghi đầy đủ, rõ ràng như vậy.

Sau khi bà N. chết vào năm 2012, ông Nguyễn Phúc V. (ngụ  P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, từng làm công cho gia đình ông L. và bà N.) đến nói với ông L. rằng: “Cháu Q. là con tôi” và sau đó ông này đưa vụ việc ra TAND Q.4, TP.HCM phân xử.

Đã bức xúc, đau đớn vì bị giành con, ông L. còn ấm ức hơn khi bị tòa án, thi hành án Q.4 buộc ông phải đưa cháu Q. đi lấy mẫu xét nghiệm ADN cùng ông V., nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành, xử lý hình sự…

Ông L. cương quyết nói: “Sao kỳ vậy? Ông V. nói con tôi là con ổng thì ổng tự chứng minh, tại sao tôi phải có nghĩa vụ đi chứng minh con của tôi là con của người ta? Tôi sẽ không đưa cháu đi xét nghiệm ADN”.

Giới luật tranh cãi

Xung quanh câu chuyện này, giới luật sư, luật gia, thẩm phán có những ý kiến khác nhau.

Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trình tự, thủ tục của TAND Q.4 và Chi cục Thi hành án dân sự Q.4 buộc ông L. đưa cháu Q. đi lấy mẫu vật xét nghiệm ADN là đúng. “Về phương diện đạo đức, ông L. vừa mới mất vợ lại bị người khác giành con, điều đó có thể nói là khó chấp nhận, gây tổn thương về tinh thần rất lớn cho cha con ông. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ông V. hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án xác định cha cho con theo quy định tại điều 64 luật Hôn nhân gia đình. Ông L. nếu muốn chứng minh mình là cha của cháu Q. thì cần phải cung cấp mẫu giám định để giải quyết dứt điểm vụ án. Trường hợp cháu Q. không phải là con ông V. thì ông L. có quyền khởi kiện ông V. đòi bồi thường vì gây tổn thất tinh thần cho ông và cháu Q., cũng như xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà N.”, luật sư Mạnh nói.

Trong khi đó, luật gia Nguyễn Thanh Lương, Hội Luật gia Q.9, TP.HCM, lại cho rằng vụ việc sẽ rơi vào bế tắc nếu như ông L. nhất quyết không chịu đưa cháu Q. đi xét nghiệm ADN. “Nếu ông L. bị xử lý hình sự do không đưa cháu Q. đi xét nghiệm ADN thì cháu Q. phải có người giám hộ. Lúc ấy, người giám hộ có quyền từ chối, không thi hành các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định cưỡng chế thi hành án bởi không có quy định nào bắt buộc người giám hộ phải có nghĩa vụ chấp hành, cụ thể là cung cấp mẫu vật của trẻ. Và vụ án lúc này xem như bế tắc”.

Một thẩm phán đang công tác tại TP.HCM nói thêm, nếu ông V. muốn xác định ông là cha cháu Q., trước hết ông V. phải cung cấp các chứng cứ để chứng minh quan hệ tình cảm lẫn tình dục giữa ông ta và bà N. Ví dụ ngày quan hệ tình dục để mang thai cháu Q. là ngày nào, ở đâu, nếu ở khách sạn là khách sạn nào, số phòng, sổ lưu trú của khách sạn có ghi tên ông V. hay bà N.? Quan hệ tình cảm, hẹn hò giữa ông V. và bà N. có ai biết không? Có gì chứng minh hai người yêu nhau như tin nhắn điện thoại, thư từ… Những chứng cứ đó nếu thuyết phục thì thụ lý vụ án và giải pháp cuối cùng mới xét nghiệm ADN. Trong các trường hợp buộc phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì không có quy định buộc phải xét nghiệm ADN nên việc ông L. từ chối là có cơ sở.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.