Đừng bắt học sinh 'è cổ' học thêm

13/08/2014 02:20 GMT+7

Không dạy thêm học thêm và lạm thu tràn lan, đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT ngay từ năm học tới là những “đặt hàng” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với ngành giáo dục Hà Nội.

Không dạy thêm học thêm và lạm thu tràn lan, đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT ngay từ năm học tới là những “đặt hàng” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận với ngành giáo dục Hà Nội.

 Một lớp học thêm ở Hà Nội
Một lớp học thêm ở Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Hôm qua 12.8, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014 - 2015. Những chủ trương đổi mới về thi cử và dạy học được đón nhận nhưng với mong muốn không quá đột ngột và gây sốc cho học sinh và nhà trường.

Chấn chỉnh lạm thu, dạy thêm học thêm

Tham dự hội nghị, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị năm học tới ngành GD-ĐT phải bắt tay ngay vào việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT với những học sinh, giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành; giải quyết triệt để những vấn đề thường khiến dư luận bức xúc lâu nay, đó là nạn dạy thêm học thêm tràn lan và việc lạm thu. Đây là những vấn đề chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn, trong đó Hà Nội cũng là khu vực trọng điểm.

Cũng nỗi băn khoăn này, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng để chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm hay lạm thu, suy cho cùng phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. Cần phân biệt giữa nhu cầu học thêm thực sự của học sinh và phụ huynh với việc bắt ép con trẻ phải è cổ học thêm, biến việc dạy và học trở thành tệ nạn.

Trước những yêu cầu này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội hứa sẽ chỉ đạo sâu sát và tăng cường kiểm tra trong năm học tới, làm sao để việc dạy thêm phải xuất phát từ nhu cầu của người học chứ không phải từ nhu cầu của người dạy.

Ông Nguyễn Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội thì khẳng định sẽ tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào vấn đề thu chi, dạy thêm học thêm ngay từ đầu năm học.

Xung quanh vấn đề thu chi, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong năm 2015 Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính tổ chức đi khảo sát để xây dựng mức chi học phí mới và định mức ngân sách mới cho giai đoạn 2016 - 2020. Về các khoản thu khác, theo ông Cẩn, chủ yếu chỉ có một số khoản như: nước uống tinh khiết, đồng phục, thể dục thể thao, phù hiệu và một số trường có thêm khoản thu nội trú. Với những trường có khoản thu tự nguyện, Sở GD-ĐT đề nghị các trường phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định và quy trình với các khoản thu này. Trong tháng 8, các trường có thu các khoản thu khác phải báo cáo về Sở GD-ĐT dự kiến mức thu trên cơ sở dự toán chi tiết, phải có thỏa thuận với cha mẹ học sinh và thống nhất bằng văn bản với Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT sau đó mới công khai tổ chức thực hiện thu chi.

98% trường THPT chọn phương án 1 cho kỳ thi quốc gia

Ông Bùi Quang Thái, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 phương án cho một kỳ thi THPT quốc gia 2015, Sở

GD-ĐT đã đề nghị các trường THPT góp ý, chọn phương án thi phù hợp. Đến thời điểm này có 156 trường THPT gửi ý kiến về Sở GD-ĐT. Theo đó, có tới 98% ý kiến đồng ý chọn phương án thi số 1 mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nghĩa là hầu hết các trường mong muốn thí sinh sẽ thi theo môn và địa điểm thi, chấm thi đặt tại các cụm thi ở địa phương.

Để chuẩn bị cho việc đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay năm học tới sẽ tăng cường bồi dưỡng giáo viên về kỹ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình với các cấp độ: biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo. “Với các bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm sẽ dành tối thiểu 50% cho các nội dung thông hiểu, vận dụng sáng tạo” - ông Hoan nói.

Chỗ học nơi thiếu, nơi thừa

Năm nay, TP.HCM có 1.527 phòng học mới nhưng vẫn gặp áp lực về chỗ học.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho hay: “Năm học 2014 - 2015, ở Q.Tân Phú số trẻ 5 tuổi tăng hơn 1.000, bậc THCS tăng khoảng 2.000 học sinh. Điều này dẫn đến sĩ số trung bình các trường tăng lên thành 47 học sinh/lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngân sách quận đã chi 63 tỉ đồng xây mới Trường mầm non Bông Sen và Trường THCS Võ Thành Trang, gần 3 tỉ đồng cải tạo, sửa chữa trường lớp và hơn 2 tỉ đồng phục vụ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học... Tuy nhiên, thực tế số lượng trường lớp như hiện nay khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu học tập”. Còn ở Q.12, một phường có gần 1.000 học sinh vào lớp 6 trong khi trường THCS của phường đó chỉ đủ khả năng tiếp nhận 50% số lượng nói trên.

Trong khi đó, có địa phương trường mới khang trang mà lại không có học sinh. Năm nay, H.Nhà Bè có 6 công trình mới được đưa vào sử dụng. Cụ thể, đến đầu tháng 8, hai trường THCS được đầu tư cơ sở vật chất khang trang là Lê Văn Hưu và Hai Bà Trưng vẫn còn trống từ 1 đến 2 phòng mỗi trường. Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng Giáo dục H.Nhà Bè, giải thích: “Một bộ phận phụ huynh có tâm lý muốn cho con học ở khu thị trấn, thị tứ, nội thành. Chẳng hạn ở xã Long Thới, Hiệp Phước, dù có trường chuẩn quốc gia nhưng cha mẹ vẫn muốn xin cho con lên khu thị trấn Nhà Bè hay xã giáp ranh Phú Xuân để học. Bên cạnh đó, có nhiều gia đình, cha mẹ làm việc ở quận nội thành lại muốn chuyển con lên đó học cho tiện đưa đón”. 

Bích Thanh

Tuệ Nguyễn

>> Không được ép buộc học sinh học thêm
>> Quản lý dạy thêm học thêm chưa chặt chẽ
>> Ít học thêm vẫn đạt kết quả cao
>> Cà Mau quy định về dạy thêm, học thêm
>> Quy định mức phí dạy thêm, học thêm
>> Hà Nội quy định khung phí dạy thêm, học thêm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.