Đừng để giáo viên là nỗi lo của học sinh

14/08/2014 03:00 GMT+7

Hầu hết những mong chờ của phụ huynh khi con bước vào năm học mới đều đặt trọng tâm vào vai trò của người thầy. Trong khi đó, ở nhiều quận đến giờ vẫn phải tìm nguồn tuyển cho đủ giáo viên.

Biết tạo hứng thú, đánh giá thật năng lực người học


Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trương Quyền (Q.3, TP.HCM) trong những ngày đầu đến trường  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Chị Nguyễn Ngọc Thụy Quân (Q.5, TP.HCM) cho biết trong hoạt động giao tiếp hằng ngày ngoài lớp học, bé nhà chị là một đứa trẻ năng động nhưng đến trường cháu hoàn toàn khác. “Mỗi lần đưa hay đón con ở trường mầm non tôi cứ thấy băn khoăn trước thái độ có phần sợ sệt của con với cô giáo. Nhiều khi ở nhà tôi khuyến khích cháu thể hiện hoặc chia sẻ mong muốn của mình với cô nhưng cháu đều nói: “Thôi mẹ nói đi”. Hoặc nhiều khi tôi hỏi dò thì cháu luôn nói: “Cô nào cũng dữ”… Vào đầu năm học mới, tôi chỉ mong với phương pháp sư phạm cùng những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, các cô hãy thể hiện mình “như mẹ hiền” để trong những năm tháng tuổi thơ các cháu có ấn tượng tốt đẹp về cô giáo mầm non, để cả phụ huynh cũng không còn suy nghĩ lấy giáo viên ra “dọa” con em của mình”, chị Quân thổ lộ.

Cũng quan tâm đến vấn đề giáo viên, anh Đỗ Hoàng An (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Trước mỗi năm học mới, tôi luôn mong con mình được học những giáo viên biết khơi dậy sự hứng thú của học sinh trong học tập, khuyến khích các cháu phát huy hết khả năng, tạo động lực cho trẻ và không áp đặt trong khuôn mẫu”.

Biết dạy thêm, học thêm là vấn đề nói hoài không dứt nhưng chị Nguyễn Thị Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn mong muốn giáo viên hãy luôn khách quan với học sinh dù có học thêm hay không. “Phụ huynh nào muốn con em học thì đăng ký còn không thì thôi, giáo viên không nên có thái độ hay cách hành xử phân biệt giữa các trẻ”.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh trông chờ giáo viên đánh giá thực chất trình độ của học sinh, đừng giả dối lẫn nhau để cuối năm học sinh nào cũng giỏi nhưng thực tế trình độ lại rất bình thường.

Vẫn thiếu giáo viên

Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều quận, huyện tại TP.HCM vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Chẳng hạn Q.Bình Tân hiện còn thiếu gần 200 người. Trong buổi làm việc với HĐND TP.HCM vào đầu tháng, UBND Q.Bình Tân đề nghị cho phép tuyển dụng giáo viên đợt 2 và kể cả đợt 3. Nếu cả 3 đợt tuyển dụng mà vẫn thiếu, quận có giải pháp tiếp tục hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu, dạy choàng lớp, thỉnh giảng… để cho đủ 100% giáo viên đứng lớp.

Tương tự, tại H.Nhà Bè có khoảng 800 giáo viên từ mầm non đến THCS trong khi huyện cần 902 mới đủ giảng dạy các lớp. Ông Nguyễn Trung Khánh, Trưởng phòng Giáo dục huyện, cho biết lượng giáo viên đang cần nhiều nhất là tiểu học (66 người) và THCS (35).

H.Củ Chi hiện vẫn còn thiếu 65 giáo viên mầm non, 128 tiểu học, 55 THCS. Tại H.Bình Chánh, trong đợt tuyển dụng vừa rồi, phòng giáo dục huyện tuyển được 233 người từ mầm non đến THCS. Hiện bậc mầm non vẫn thiếu hơn 50 giáo viên, tiểu học thiếu khoảng 30, THCS thiếu khoảng 50. “Chúng tôi đang xin thành phố cho phép tuyển thêm giáo viên, may ra mới đủ cho năm học mới”, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục H.Bình Chánh cho biết. 

Xem lại các khoản thu của hội phụ huynh

Năm nào tôi cũng thấy phụ huynh bức xúc về khoản thu hội phụ huynh. Thiết nghĩ, ban giám hiệu nhà trường cũng như giáo viên hãy mạnh dạn từ chối những gợi ý từ ban đại diện cha mẹ và suy nghĩ thấu đáo việc huy động như vậy có phù hợp với số đông hay không. Có những trường hợp ban đại diện phụ huynh muốn lấy lòng ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm nên tự đề xuất mà không hề thông qua đại đa số phụ huynh trong lớp. Ban giám hiệu, giáo viên đừng vì một chút quyền lợi mà tự làm xấu mình trong mắt phụ huynh và học sinh.

Nguyễn Thị Thơm
(một phụ huynh ở Q.5, TP.HCM)

Bích Thanh - Minh Luân

>> Hãy chăm sóc và giáo dục trẻ một cách chủ động hơn
>> Lỗ hổng trong giáo dục trẻ em

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.