(TNO) Một gia đình êm ấm, hạnh phúc, rộn rã tiếng cười trẻ thơ, bất ngờ đau thương đổ xuống chỉ vì một cây xanh. Cây xanh góc Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) bất ngờ ngã đổ đã đè chết người mẹ của hai đứa trẻ. Một bé 9 tuổi, một bé 6 tuổi bất ngờ bơ vơ, mồ côi giữa tháng 7.
>> Ai chịu trách nhiệm khi cây đổ đè chết người?
“Cô ơi, mẹ con đâu rồi?”
|
|
Chị Trần Thị Hiền, là đồng nghiệp của chị Nhung, rớt nước mắt nói: Tối qua khi đang ở nhà xác bệnh viện, bé Mai Nguyễn Trúc Linh (9 tuổi, con đầu của chị Nhung) lấy số điện thoại của mẹ gọi, rồi hỏi chị: “Cô ơi, mẹ con đâu rồi?”. Tôi nghẹn ngào không biết nói sao với cháu. Lúc này, ngồi trong nhà xác, tôi vô cùng đau đớn. Nhung bị cây ngã đập vào người, dẫn tới bể phổi, máu tràn qua miệng và mũi, chết trên đường được đưa đến bệnh viện.
Chị Hiền cho biết thêm lúc trưa, cả công ty vừa tổ chức ăn liên hoan ở nhà bạn đồng nghiệp, sau đó thì vợ chồng chị Nhung chở hai cháu đi mua ba lô, sách vở cho bé 6 tuổi để hôm nay tựu trường. Giờ thì bé Mai Nguyễn Trúc An (6 tuổi) - con thứ hai của chị Nhung vẫn còn đang nằm trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 để theo dõi. Cháu bị vỡ xương trán và hiện vẫn chưa biết tin mẹ mình đã mất. Không ai dám báo tin cho cháu biết!
Ở công ty, chị Nhung là phụ nữ xinh đẹp, hiền lành và thường xuyên giúp đỡ bạn bè nên trước cái tin chị Nhung mất, ai cũng đau lòng. Sắp tới, chuẩn bị cho ngày lễ 2.9, công ty đang lên kế hoạch cho mọi người đi đảo Bình Ba chơi. Chị Nhung cũng muốn đi, nhưng chưa kịp đi thì giờ chị Nhung đã mất rồi!
Chị Nhung là nhân viên của Phòng Tài chính - Kế toán Công ty bảo hiểm AAA. Chồng của chị, anh Mai Xuân Ba (tên thường gọi là Bảo), là nhân viên Công ty bảo hiểm bưu điện Bảo Long.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Hai vợ chồng cùng hai cô con gái nhỏ đang có cuộc sống ấm êm, hạnh phúc thì bất ngờ tang thương ập đến. Nhất là chồng chị Nhung. Anh đau đớn đến lặng người, không nói thành lời, chỉ cúi đầu buồn bã tiếp người thân, bạn bè và đồng nghiệp đến viếng chị, không tiếp xúc nói chuyện với ai.
|
Bé Trúc Linh, may mắn chỉ bị thương nhẹ, có mặt trong tang lễ mẹ, nhưng không trò chuyện với ai mà chạy vào sâu trong nhà, tránh mặt mọi người.
Bà Nguyễn Thị Lực (quê ở Nha Trang) là mẹ chồng chị Nhung, lau nước mắt kể: "Nó là con dâu út, làm dâu được mười mấy năm rồi. Dù chủ yếu chỉ ở trong đây, không về ngoài đó, nhưng tính tình hiền ngoan nên ai cũng thương. Nó cũng biết lo cho chồng cho con, lại là thu nhập chính trong gia đình. Mỗi tuần, nó đều chuẩn bị một tủ lạnh thức ăn đầy ắp cho chồng, cho con. Hôm qua, trước khi mất, nó cũng chuẩn bị một tủ thức ăn. Mở tủ lạnh mà không cầm được nước mắt khi nghĩ về cái tính chu đáo, hay lo xa của nó…"!
Phóng viên Thanh Niên Online cũng đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM để làm rõ trách nhiệm trước sự mất mát quá lớn của gia đình chị Nhung. Phía công ty đã cam kết sẽ sớm phản hồi. Trong sáng nay, công ty cũng đã cử người đại diện đến đám tang của chị Nhung để chia buồn cùng gia đình.
Tuy nhiên, trước sự việc này, một lần nữa, trách nhiệm về những tai họa từ trên trời rơi xuống như thế này ở một thành phố lớn như TP.HCM cần phải được đặt ra nghiêm túc, thấu đáo.
Trước những tai họa bất ngờ, dẫn đến cái chết của những người vô tội như thế thì ai phải trả lời?
Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại Theo quy định tại điều 626 Bộ luật Dân sự - trong nội dung liên quan việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này, việc cây đổ không phải là sự kiện bất khả kháng và không do lỗi của người bị thiệt hại, vì sự kiện này hoàn toàn có thể lường trước và khắc phục phòng ngừa được. Chủ sở hữu cây xanh là người được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh, trong vụ việc này chính là Công ty TNNH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM. Cũng theo quy định của bộ luật này, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và những tổn thất về tinh thần. Nếu các bên không tự thỏa thuận được mức bồi thường, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện chủ sở hữu đến toà án có thẩm quyền để được giải quyết. Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Lê Cầm - Minh Tâm
>> Mưa to, cây đổ đè bẹp xe ô tô
>> Ai chịu trách nhiệm khi cây đổ đè chết người?
>> Mưa dông kinh hoàng, cây đổ đè chết một người
>> Vụ cây đổ đè 4 xe ô tô: Công ty cây xanh hỗ trợ một phần thiệt hại
>> Một chuyến bay bay sát MH17 đã cố gắng liên lạc với chiếc máy bay xấu số
Bình luận (0)