Được nhiều người biết đến với hình ảnh dùng yết hầu nâng vật nặng, song “chiêu độc” thực sự của võ sư kungfu Hoàng Long Tú (36 tuổi, hiện ngụ tỉnh Tiền Giang) chính là dùng dao xuyên qua da thịt của mình.
>> Kỳ nhân giữa đời thường: Đệ nhất nuốt kiếm
|
“Nghề quá nguy hiểm”
Bước vào căn nhà nhỏ tuềnh toàng của nghệ sĩ xiếc - võ sư Hoàng Long Tú ở miền quê Bình Đức (H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bức tranh lớn chụp một chàng trai trẻ đang dùng yết hầu nâng xô nước.
Chợt nhớ, cảnh ấn tượng Hoàng Long Tú biểu diễn gần đây trong chương trình Người bí ẩn 2014 cũng là dùng móc sắt móc vào cổ họng rồi nâng hai quả cầu nặng, xoay tới xoay lui, xoay vòng tròn trước ánh mắt kinh ngạc của những nghệ sĩ nổi tiếng. Lúc đó, nghệ sĩ Hoài Linh nhận xét: “Nhìn những vết thẹo trên người của Tú thì Linh cảm thấy bạn đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết cho một cái nghề quá nguy hiểm. Linh cảm thấy bạn là một con người rất nghị lực trong cuộc sống. Thay mặt anh em nghệ sĩ ngồi ở đây cũng như tất cả khán giả, cảm ơn bạn đã cống hiến một màn rất tuyệt vời!”.
Hoàng Long Tú cho biết, quê gốc của anh ở tỉnh Bình Dương. Hồi nhỏ, Tú được cha ruột (là võ sư) dạy cho một số bài quyền Việt võ đạo. Năm lên 10 tuổi, giữa hai cha con xảy ra sự cố nên Tú ở hẳn nhà võ sư Hoàng Long (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai) để theo học võ và xiếc. Anh tâm sự: “Cũng từ đó, tôi trở thành trẻ mồ côi do cha mẹ gần như biệt tăm biệt tích, không nhìn nhận vì ai cũng đã có gia đình riêng. Tên thật của tôi là Nguyễn Phước Tam, còn Hoàng Long Tú là nghệ danh thầy Hoàng Long đặt cho. Thầy tôi rất kỷ luật, nghiêm khắc. Chuyện tôi bị đánh 50 roi là thường xuyên. Có những khi bị đánh oan, tôi cũng tức lắm nhưng giờ ngẫm lại, thấy nhờ vậy mà nên người”.
Suốt 10 năm sống nhà thầy, ngoài việc tiếp tục luyện võ, Tú còn học nhiều kiểu xiếc, như: tung hứng chân, uốn dẻo trên thang, chồng ghế trên chai, chạy xe đạp một bánh, đế kiếm…
Được thầy cưới vợ cho ở tuổi 20 rồi ra riêng lập nghiệp, Tú chật vật tìm kế mưu sinh bằng nghề xiếc. Thấy không “ăn” nổi người khác, sau này anh tự học thêm và biểu diễn thuần thục một số tiết mục kungfu kèm ảo thuật: phun lửa, nhai than, nhai bóng đèn, móc đồng xu vào mí mắt để nâng những vật nặng, móc căm xe vào yết hầu để xách nước/quả cầu…
365 ngày đau nhức
Thật bất ngờ khi Tú khẳng định: “Đâm dao mới là ngón nghề nổi nhất của tôi. Tôi đã phải đổ máu rất nhiều vì nó!”.
Quả thật, tiết mục rùng rợn nhất và liều lĩnh nhất mà võ sư Hoàng Long Tú dày công khổ luyện là đâm dao xuyên qua da thịt của chính mình. Anh trầm ngâm: “Tôi quyết định tập chiêu này sau hơn 1 năm trời suy nghĩ”. “Lúc đó, anh nghĩ gì?”, chúng tôi hỏi. “Mình đi sau người ta, cái gì người ta cũng đã biết hết rồi. Mình cũng không có ai đỡ đầu, thân cô thế cô. Vì vậy, chỉ còn cách tự tạo cái lạ, cái độc cho riêng mình mới tồn tại được, dù điều đó phải đổi bằng máu”, Tú thổ lộ.
Nhìn thấy hàng chục vết sẹo lồi sắp lớp trên ngực trái và hai cánh tay của Tú, chúng tôi không khỏi rùng mình. Đó là hệ quả của những ngày khổ luyện và biểu diễn dao đầy đau đớn. Bù lại, anh cảm thấy rất sung sướng trước những tràng pháo tay của khán giả.
Nhớ lại những ngày đầu tập đâm 5 lưỡi dao Thái Lan vào người cách đây hơn 4 năm, anh Tú kể: “Mình phải cân nhắc kỹ coi trúng mạch máu hay không, rồi vận khí công. Vậy mà bữa đầu tiên sơ suất, máu chảy từ 12 giờ trưa cho đến tối, bao nhiêu băng gạc đều ướt nhẹp, còn chiếc khăn tắm thì vắt ra máu…”. Nhưng những cơn đau không dừng lại ngày hôm đó, mà kéo dài suốt hơn 1 năm tiếp theo. “Một lưỡi dao đâm vô là một lần đổ máu. Đó là năm với 365 ngày máu mủ đau nhức, có khi tưởng chừng không vượt qua nổi. Vết thương cũ chưa lành, khi có sô diễn lại phải chấp nhận đâm dao xuyên vào chỗ mới”, Tú tâm sự.
Hoàng Long Tú cho hay, sau này, anh hạn chế những lần đâm dao “sống” (tức là đâm chỗ mới gây chảy nhiều máu).
“Ông xiếc bán gà” Đó là tên gọi mà nhiều người trong chợ Bình Đức đặt cho nghệ sĩ Hoàng Long Tú. Theo Tú, vào mùa mưa, anh có rất ít sô diễn nên phải làm thêm nhiều việc khác để nuôi thân và hai con nhỏ gửi bên ngoại ở tỉnh Trà Vinh (vợ anh mất vào năm 2012 - PV), kể cả việc buôn bán gà ở chợ Bình Đức. “Mình không giành giật của ai, làm ăn chính đáng nên không thấy ngại ngùng gì. Người ta cũng không chọc ghẹo, chỉ quen gọi mình là ông xiếc bán gà”, Tú bộc bạch. Nhắc đến kỷ niệm trong nghề, anh Tú kể, thời gian đầu khi biểu diễn kungfu và nhất là trò đâm dao vào người, một vài khán giả nữ đã không tiếc lời... mắng anh. Họ bảo anh ham tiền mới làm cái nghề tự hủy hoại thân thể mình như thế. “Người ta cũng có lý, họ thương mình nên mới nói vậy. Nhưng thực ra, phải có máu đam mê nghề nghiệp nữa. Nếu như hoàn toàn vì đồng tiền, tôi có thể đi làm việc khác kiếm sống. Chẳng hạn, chỉ cần cái lồng, cái cân bán gà là có thể kiếm được hơn 100.000 - 200.000 đồng/buổi chợ”, võ sư Tú bày tỏ. Được biết, vào năm 30 tuổi, Hoàng Long Tú gom hết vốn liếng dành dụm được lập gánh xiếc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tập hợp nhiều nghệ sĩ đi lưu diễn. Nhưng gánh xiếc của anh chỉ tồn tại chưa đầy 3 tháng là đổ nợ, rã đám. Sau đó, anh cố gắng làm lụng để gầy dựng lại gánh xiếc thêm hai lần nữa, rốt cuộc cũng đành từ giã giấc mộng làm chủ đổi đời. |
Như Lịch
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 8: Người có đôi mắt dị thường
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 7: Cõng đạn xuyên rừng với đôi mắt mù
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 6: Người xỏ kim bằng lưỡi
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 5: 20 năm làm “người rừng”
>> Kỳ nhân xứ Việt - Kỳ 4: Nhà thơ “quái”
Bình luận (0)