Tiến sĩ ở Tây trượt kỳ thi công chức Việt

22/08/2014 19:00 GMT+7

(TNO) Đó là trường hợp của anh Đinh Trần Phương, đang là giáo viên hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ thi tuyển công chức vừa qua.

(TNO) Đây là trường hợp của anh Đinh Trần Phương đang là giáo viên hợp đồng tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong kỳ thi tuyển công chức vừa qua.

>> Vụ 'có thể lấy được bằng Tiến sĩ y khoa 200 triệu đồng': Phó giáo sư Đàm Khải Hoàn thừa nhận có nói
>> Xác minh việc phó giáo sư nhận ‘chạy’ bằng tiến sĩ
>> Tiến sĩ về công tác lâu dài được hỗ trợ 100 triệu đồng
>> Tuyển 1.200 tiến sĩ theo Đề án 911

chuyên Hà Nội - Amsterdam
Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam - Ảnh: Amsterdam

Báo cáo với HĐND TP.Hà Nội, bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết nhà trường có trường hợp một tiến sĩ vật lý ở Pháp về là Đinh Trần Phương bị trượt công chức trong kỳ thi vừa qua. Hiện giáo viên này vẫn giảng dạy theo diện hợp đồng lao động. Bà Oanh cũng cho hay, nhà trường đang rất muốn tuyển dụng vị tiến sĩ này để giảng dạy môn vật lý bằng tiếng Anh nhưng theo quy chế thì trường hợp này không thuộc diện ưu tiên.

Cũng theo bà Oanh, trong khi xét tuyển, tiến sĩ Phương cũng không nằm trong nhóm có điểm cao do hai nền giáo dục trong nước và nước ngoài khác nhau nhiều. Cụ thể, điểm vật lý ở Pháp của anh Phương đạt 8 điểm, trong khi không ít người khác ở trong nước đạt 9,5 điểm. Vậy là khi xét từ trên xuống, tiến sĩ Phương cũng không đạt.

Lãnh đạo trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng cho biết thêm, tại trường cũng có một trường hợp giáo viên là thạc sĩ ở Anh cũng rơi vào tình huống tương tự. Bà Oanh đề nghị cần có cơ chế riêng để thu hút người có năng lực như những trường hợp kể trên.

Đồng quan điểm đó, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội cho rằng cơ chế tuyển dụng như vậy là bất hợp lý, khó thu hút được nhân tài.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, giải thích trước đây một số ứng viên như thủ khoa đại học trong nước, bằng giỏi, xuất sắc ở nước ngoài về được tuyển thẳng vào công chức. Tuy nhiên, sau khi có quy định mới của Chính phủ thì các ứng viên trên đều phải qua thi sát hạch.

 chuyên Hà Nội - Amsterdam

chuyên Hà Nội - Amsterdam
Ngày khai giảng tại trường chuyên Hà Nội - Amsterdam - Ảnh: Phát Trần

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng xác nhận về trường hợp tiến sĩ vật lý được đào tạo ở Pháp về vẫn không vượt qua được kỳ tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục trong đợt tuyển dụng tháng 3.2014 vừa qua.

Ông Tuấn cho hay theo quy chế chung về tuyển dụng viên chức mà Chính phủ quy định thì dù tiến sĩ được đạo tạo ở nước ngoài có nguyện vọng về nước làm việc vẫn không thuộc diện xét đặc cách vào biên chế. Chỉ có ưu tiên là sau khi trúng tuyển vào biên chế, những người có trình độ tiến sĩ sẽ được hưởng ngay mức lương bậc 3.

Do vậy, dù là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài nhưng theo đúng quy định thì những người đăng ký tuyển dụng vào biên chế vẫn phải trải qua tất cả các khâu của kỳ thi biên chế: xét bảng điểm trong quá trình đào tạo và tham dự các kỳ thi theo đúng quy định hiện hành.

Theo quy định thì việc tuyển dụng sẽ phải xét kết quả từ cao xuống cho đến hết chỉ tiêu và điểm của vị tiến sĩ vật lý này không cao bằng những thí sinh học trong nước. Bảng điểm cũng không bằng bảng điểm của thí sinh được đào tạo trong nước.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, thực ra đây là trường hợp rất hiếm, việc tiến sĩ thi tuyển viên chức vào một trường THPT cũng rất hiếm, hơn nữa đây lại là trường hợp được đào tạo ở nước ngoài.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, sẽ rất khó đưa ra được cơ chế ưu tiên đặc thù nào đối với trường hợp của tiến sĩ Phương.

“Hiện cơ chế chính sách chung đối với thi tuyển công chức là áp dụng chung cho tất cả mọi người, không phân biệt tiến sĩ tốt nghiệp ở trong nước hay ngoài nước. Đây cũng là điểm thiệt thòi cho các tiến sĩ ở nước ngoài về do có thể ở hệ thống tiêu chí đánh giá tiến sĩ ở nước ngoài khắt khe hơn trong nước”, ông Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, điểm thu hút người tài duy nhất của cơ chế tuyển dụng công chức là nếu là tiến sĩ thì ngay khi vào biên chế sẽ được hưởng mức lương bậc 3 thay vì bậc 1 như trình độ đại học. Nhưng quy định ưu tiên này vẫn không có gì phân biệt tiến sĩ “ngoại” với tiến sĩ “nội” để thu hút người tài về nước làm việc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đã đến lúc cần có cơ chế để thu hút những trường hợp như tiến sĩ “ngoại” về nước làm việc, cụ thể là trường hợp anh Phương.

Ông Phúc cũng chỉ ra, hiện nay, rất ít người Việt có trình độ giỏi làm việc trong nước, do nhiều nguyên nhân, nhưng quy định về tuyển công chức không có sự ưu tiên, phân biệt như vậy sẽ gây trở ngại trong việc thu hút nhân tài.

Phải đổi mới tiêu chí, phương pháp thi tuyển

 Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Về hiện tượng một tiến sĩ, một thạc sĩ ở trường Amsterdam thi trượt viên chức vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm: Bây giờ muốn có những công chức, viên chức giỏi, có năng lực, phẩm chất, có trình độ cao hoặc hiểu biết công việc ở vị trí cần tuyển, buộc phải đổi mới cách thức thi cử, bằng cách là đưa ra những đề bài thực tế xử lý những công việc thực tế mà cuộc sống đặt ra, hoặc đúng yêu cầu cần tuyển của đơn vị đó. Tức là không nên có một đề thi chung cho tất cả mọi người, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học, rồi thuộc quy định về luật viên chức, công chức… cho tất cả vị trí, công việc ứng tuyển, mà cần có đề bài chuyên biệt, tiêu chí thi tuyển chuyên biệt với từng công việc, nhiệm vụ.

Phải thay đổi tư duy về thi tuyển công chức, viên chức theo cách đó.

Vấn đề bất cập thứ 2 trong thi tuyển công chức, viên chức hiện nay là đôi khi việc thi tuyển chỉ là hình thức thôi, chứ còn người ta đã sắp đặt trước hết rồi, dẫn đến chuyện người có tài năng thực sự lại trượt, còn con ông cháu cha có khi lại đỗ. Cho nên phương pháp thi tuyển phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Nếu như người học ở Anh, Pháp về mà bị trượt thì có mấy vấn đề phải xem lại: một là bằng đó có đúng thực chất không; hai là có tiêu cực trong thi cử không; ba là tiêu chí thi đặt ra có phù hợp hay không.

Để trọng dụng người tài, người có thành tích học tập xuất sắc, nhiều nơi cũng đã có cơ chế chính sách đãi ngộ, đã trải thảm đỏ để thu hút người tài cho cơ quan, đơn vị mình. Tại sao chúng ta không có cơ chế để thu hút người tài một cách rộng rãi, vì chính sách là do con người quy định? Với những người đã có thời gian kiểm nghiệm năng lực trên thực tế ở một đơn vị cụ thể đó rồi, mà vẫn thi trượt viên chức vào đơn vị đó, thì rõ ràng khâu thi tuyển của đơn vị đó có vấn đề: Hoặc thi kiểu đánh đố, hoặc thi không vào kiến thức chuyên môn để cần phục vụ lâu dài; hoặc tuyển chọn thiếu minh bạch.

Hội đồng thi tuyển viên chức, công chức của các cơ quan, đơn vị cũng phải là hội đồng độc lập, chứ còn chính vị đứng đầu cơ quan đó mà cũng đứng đầu hội đồng thi thì chắn chắn khó khách quan minh bạch.

Bảo Cầm (ghi)

Tuệ Nguyễn - Đan Hạ

>> Tiến sĩ Việt được vinh danh trên thế giới
>> Tiến sĩ Nguyễn Nhã: 'Sẽ không có chuyện cá lớn nuốt cá bé
>> Trao bằng tiến sĩ danh dự cho nhà khoa học Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.