Nếu Metro có thể hoàn tất thương vụ chuyển nhượng hệ thống bán sỉ lớn nhất VN cho tỉ phú Thái Lan và "ôm" gần 900 triệu USD rời khỏi thị trường VN ngay trong nghi án chuyển giá chưa được làm rõ, không chỉ thất thoát thuế, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy sau đó.
Đầu tiên là danh sách các "đại gia" dính nghi án chuyển giá cùng Metro, họ hoàn toàn có thể sẽ học cách của Metro, bán lại hệ thống nhà xưởng, công ty kèm theo các ưu đãi đang được hưởng sang đối tác nước ngoài rồi ôm tiền ra đi. Khi đó, chúng ta sẽ phải xem lại toàn bộ chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để trả lời cho người dân biết, VN được lợi gì khi cấp phép cho các "ông lớn" này? Chúng ta sẽ phải có câu trả lời cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) nội đã bị chèn lấn, thậm chí phá sản bởi các nhà đầu tư ngoại mạnh về tài chính, nổi tiếng về thương hiệu, dày về kinh nghiệm thôn tính lại được trang bị đầy đủ các ưu đãi về thuế, giá thuê đất...? Chúng ta phải lên kịch bản đối phó với rủi ro khi nhiều ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh nội địa đang dần phụ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại mà mục đích cuối cùng của họ là kiếm lợi nhuận rồi mang về nước.
Việc sang nhượng này sẽ tạo tiền lệ cho các vụ mua bán DN đầy rủi ro cho VN sau này. Chúng ta sẽ phải đối mặt với các vụ sang mua bán liên quan đến đất đai của ta, các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu và nhạy cảm của chúng ta nhưng lại được thực hiện bí mật giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Lấy ngay phân phối làm ví dụ.
Hàng chục năm trước, các nhà đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của VN đã phải đấu tranh quyết liệt để "kìm chân" các công ty nước ngoài thôn tính thị trường bán lẻ nội địa với điều kiện, muốn mở cái thứ 2 phải dựa trên nhu cầu thị trường, quy hoạch của địa phương... Tại sao chúng ta phải làm như vậy? Đó là vì đằng sau hệ thống bán lẻ (không chỉ là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà còn hàng ngàn cơ sở bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa của các hộ gia đình) là nền sản xuất trong nước, là công ăn việc làm của hàng triệu lao động từ công nhân đến nông dân.
Thực tế đã cho thấy, theo chân các nhà phân phối ngoại là sự đổ bộ của hàng hóa các nước này vào thị trường nội. Hãy nhìn hàng Thái ngập trong B’smart khi hệ thống cửa hàng tiện lợi Family Mart của VN được người Thái mua lại; trong các trung tâm mua sắm Aeone có mặt rất nhiều hàng đến từ Nhật; sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc cũng đầy trong Lotte...
Cứ thêm một siêu thị ngoại mọc lên là thêm những hàng hóa ngoại và cũng đồng nghĩa với không ít sản phẩm đồng dạng của các DN trong nước có thể sẽ phải rời bỏ cuộc chơi. Nói thế để thấy tầm quan trọng của thị trường phân phối nội. Bảo vệ thị trường này cũng chính là bảo vệ các nhà sản xuất nội, xây dựng hàng hóa thương hiệu Việt và giữ công ăn việc làm cho người lao động trong nước. Vì lẽ đó, các nhà đàm phán của chúng ta đã lao tâm khổ tứ để giữ. Tất nhiên, mở cửa và cạnh tranh là vấn đề tất yếu của hội nhập. Nhưng nó phải dựa trên sự minh bạch, bình đẳng và chúng ta hoàn toàn có quyền bảo vệ thị trường trong nước một cách hợp pháp.
Nếu tiếp cận vấn đề từ góc độ như vậy, chúng ta sẽ thấy, vụ chuyển nhượng của Metro cho tỉ phú Thái Lan không đơn thuần chúng ta mất trắng nếu để công ty này "kết đẹp" nghi án chuyển giá, trốn thuế mà còn kéo theo các hệ lụy lớn cho nền kinh tế trong nước. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc một cách quyết liệt để làm rõ những khuất tất xung quanh chuyện thua lỗ 11 năm liên tục, chuyện sang nhượng bí ẩn và khuất tất của Metro để trả lời những bức xúc của dư luận lâu nay. Nếu để "con voi chui qua lỗ kim", dư luận sẽ đặt câu hỏi về động cơ đằng sau sự buông lỏng này.
Không thể và nhất thiết không để vụ việc bị đẩy vào thế "đã rồi" như cách mà Metro đang dẫn câu chuyện theo chiều hướng này.
Nguyên Khanh
>> Kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển nhượng
>> Bí mật đến phút 89
>> 870 triệu USD và phi vụ ma mãnh của METRO
>> Được xây dựng công trình trên hành lang metro
>> Metro 'sụp đổ', không hẳn vì người Việt không thích mua sỉ
Bình luận (0)