(TNO) ĐH Quốc Gia Hà Nội vừa cho biết, với bài thi đánh giá năng lực mà ĐH này sử dụng để tuyển sinh đại học vào năm 2015, có thể áp dụng được vào kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tuy nhiên ĐH này chưa từng đề xuất ý kiến với Bộ GD-ĐT như thông tin một số báo đã đăng.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã trao đổi với PV Thanh Niên Online xung quanh vấn đề này.
Thưa ông có thông tin cho rằng phương án thi tuyển sinh riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ được đem ra áp dụng vào kỳ thi chung quốc gia. Với phương án này thì thí sinh sẽ thi chung bằng 1 bài thi đánh giá năng lực trong 1 buổi thi?
Tôi khẳng định rằng ĐH Quốc gia Hà Nội chưa đề xuất phương án này với Bộ GD-ĐT. Đây chỉ là phương án do ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị để tổ chức tuyển sinh riêng vào năm 2015. Tuy nhiên, chúng tôi thấy đề án này rất phù hợp với kỳ thi chung quốc gia cũng dự kiến tổ chức vào năm 2015. Nếu Bộ GD-ĐT và Chính phủ xem xét thì có thể đem ra áp dụng vào kỳ thi này.
Ông có thể nói rõ hơn về phương án mà ĐH Quốc gia đang thực hiện. Cụ thể là sự phù hợp đó như thế nào nếu như được dùng để vừa xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ?
Trước hết phương án thi này chỉ cần một bài thi duy nhất với một buổi thi nhưng đảm bảo được nhiều yêu cầu đang đặt ra với một kỳ thi chung. Thứ nhất, việc tổ chức thi bằng bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng sẽ đảm bảo việc tách “thi/đánh giá” ra khỏi “xét tốt nghiệp hay tuyển sinh”. Việc này giúp thí sinh tránh áp lực “đỗ/trượt”, cũng tạo điều kiện các thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường ĐH theo kết quả thi.
Thứ hai, bài thi đảm bảo thi tất cả các kiến thức mà học sinh đã được học, thi để khuyến khích, tạo động lực cho việc học toàn diện, học thực chất.
Với phương án thi này cũng đảm bảo đơn giản về tổ chức; tổng hợp và dần dần tiến đến tích hợp trong nội dung đánh giá; từng bước chuyển từ “đánh giá kiến thức” sang “đánh giá năng lực”; thuận tiện cho thí sinh trong việc xem đề mẫu, làm thử, luyện thi trên mạng, tránh hoàn toàn việc luyện thi phức tạp tốn kém.
Đặc biệt, đề thi trắc nghiệm được làm trên máy tính nên đảm bảo độ khách quan và đảm bảo độ tin cậy cao; công bằng; thí sinh được chọn ngày thi, thời điểm thi, số lần thi; coi thi đơn giản, dễ triển khai trên diện rộng, cho số đông.
|
Thưa ông, trong khi thí sinh đang học theo môn và theo chương trình phân ban thì liệu áp dụng thi theo kiểu tích hợp kiến thức trong 1 bài thi có “gây sốc” với các em hay không?
Bài thi này đã được ĐH Quốc gia Hà Nội nghiên cứu và cân nhắc đến việc học phổ thông của học sinh hiện nay. Cơ cấu câu hỏi theo nội dung trong bài thi sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi sẽ chỉ kiểm tra kiến thức phổ thông, không đánh đố cũng không chỉ kiểm tra trí nhớ, đảm bảo phù hợp với mọi đối tượng học phổ thông.
Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: (i) Toán; (ii) Ngữ văn; (iii) Khoa học Tự nhiên; và (iv) Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm khách quan. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.
Đáng lưu ý là bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao). Điều này sẽ giúp thí sinh có học lực trung bình có thể dễ dàng tốt nghiệp. Đồng thời đối với các trường ĐH, CĐ có thể lựa chọn kết quả 4 hợp phần mà học sinh dự thi để tuyển phù hợp với nhu cầu của trường mình.
Nhưng thưa ông, để tổ chức thi như vậy thì làm sao đáp ứng đủ máy tính cho thí sinh dự thi. Hơn nữa với những thí sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa, chưa có điều kiện tiếp xúc với máy tính thì thi như thế nào?
Tôi cho rằng công nghệ thông tin, truyền thông của nước ta đã tương đối phát triển, ngày càng có nhiều chuyên gia về công nghệ đo lường đánh giá hiện đại trong giáo dục đáp ứng tổ chức thành công các kỳ thi với quy mô lớn. Bên cạnh đó, học sinh đã được làm quen với hình thức thi trắc nghiệm khách quan đã được áp dụng cho các môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi “ba chung” giúp cho thí sinh và xã hội dễ dàng thích ứng với các loại đề thi này.
Nếu tổ chức thi, thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành và có thể thi làm nhiều đợt trong năm. Vì vậy, sẽ không gây áp lực với các đô thị lớn, tạo tính an sinh xã hội cao. Riêng đối với cán bộ tổ chức thi sẽ được tập huấn để sử dụng phần mềm tổ hợp đề thi. Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ được làm quen với máy tính để làm bài trước khi dự thi.
>> Bài thi năng lực là một trong tiêu chí xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP.HCM
>> Bộ GD-ĐT phân tích về 3 phương án cho một kỳ thi chung
>> Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố 3 phương án cho một kỳ thi chung
Vũ Thơ (thực hiện)
Bình luận (0)