Không giới hạn số trường ĐH tự chủ

28/08/2014 05:35 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ không giới hạn số trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sẽ không giới hạn số trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ nếu đáp ứng đủ điều kiện.

 Không giới hạn số trường ĐH tự chủ
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Đây là một trong 4 trường sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tự chủ nguồn thu là quan trọng nhất

 

4 trường ĐH này chỉ là những trường đi đầu do đề án đã được xây dựng từ trước đó. Các trường ĐH khác nếu có đủ điều kiện có thể làm đề án để đăng ký tham gia

Ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Theo ông Bùi Văn Ga, Chính phủ đang xem xét và sẽ sớm có kết luận chính thức về đề án tự chủ của 4 trường ĐH gồm: ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Theo những đề án này, các trường đã đề xuất được tự chủ trong việc thu học phí và lệ phí nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Họ được phép thu học phí theo mức riêng, cao hơn trần học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ. Ngược lại, các trường này sẽ không được cấp kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Ông Ga nhấn mạnh tự chủ nguồn thu là một trong những tự chủ quan trọng nhất từ đề án của các trường. Bởi lẽ, từ Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các đơn vị sự nghiệp công lập, trường ĐH đã được giao nhiều quyền tự chủ. Cho đến năm 2013 khi luật Giáo dục ĐH chính thức có hiệu lực, các trường có thêm quyền tự chủ về tuyển sinh. Để tiến tới cho phép trường ĐH chính thức hoạt động theo cơ chế tự chủ, trước đó Bộ GD-ĐT đã cho phép 6 trường (ngoài 4 trường trên còn có Trường ĐH Mở TP.HCM và Viện ĐH Mở Hà Nội) được hoạt động thí điểm. Tuy nhiên các trường này chỉ được tự chủ trong hoạt động chi thường xuyên nhưng vẫn phải xác định mức thu học phí trong khung trần quy định.

Được quyết định lương giảng viên để thu hút người tài

 

Có thể tăng học phí gấp 3 lần

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, nếu được Chính phủ thông qua đề án tự chủ tài chính giai đoạn 2014 - 2017, 4 trường: ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội và ĐH Kinh tế TP.HCM có thể sẽ tăng học phí lên mức tối đa gấp 3 lần so với trần quy định. Mức tăng học phí này chỉ áp dụng với sinh viên khóa mới kể từ khi đề án được duyệt.

Sắp tới, từ việc tự chủ nguồn thu, theo ông Ga, các trường sẽ được phép cân đối mức lương giảng viên để thu hút người giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường cũng có thể là chủ đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất mà không cần phải trải qua các thủ tục như hiện nay. Đặc biệt, hiệu trưởng một trường ĐH tự chủ còn được phép quyết định việc mở ngành theo đúng quy định của Bộ và do Bộ giám sát, đồng thời chủ động trong việc in phôi bằng tốt nghiệp. Bộ cũng không  kiểm duyệt việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài của những trường này.

“Thực ra, ngoài tự chủ thu học phí và lệ phí, các hoạt động tự chủ khác như đã nói Bộ đã giao cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thí điểm nhiều năm rồi và thấy hoàn toàn ổn. Với trường tự chủ, Hội đồng trường có nhiệm vụ quan trọng và đủ mạnh để tự giám sát các hoạt động của trường, chứ không chỉ hiệu trưởng. Vì vậy, nếu Chính phủ thông qua thì đề án của 4 trường ĐH trên sẽ được triển khai ngay trong năm học này”, ông Ga nói thêm.

Nói về lộ trình tự chủ ĐH, ông Ga cho biết: “4 trường ĐH này chỉ là những trường đi đầu do đề án đã được xây dựng từ trước đó. Các trường ĐH khác nếu có đủ điều kiện có thể làm đề án để đăng ký tham gia, sẽ không giới hạn số lượng trường hoạt động theo mô hình này”.

Rối tự chủ tài chính

Theo Bộ GD-ĐT, đến nay Bộ chưa cho phép bất kỳ trường ĐH nào được chính thức hoạt động theo mô hình tự chủ. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua vẫn có một số trường ĐH dù là công lập nhưng mức thu học phí cao hơn trần quy định. Phần lớn các trường đều khẳng định trường có cơ chế tự chủ tài chính riêng.

Lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết trường đã được cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính cho phép hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Trường không nhận bất kỳ nguồn tiền nào cho các hoạt động chi thường xuyên ngoài sự đầu tư cơ bản từ ngân sách nhà nước. Trường tự cân đối thu chi trên cơ sở các hoạt động, bù lại trường được quyền xác định mức học phí không bị ràng buộc vào khung trần học phí của Chính phủ.

Đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM giải thích năm 2014 Bộ Công thương có quyết định cho phép trường tự chủ hoàn toàn trong các hoạt động chi và sẽ không còn nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước. “Nói tự chủ nhưng gần như chưa vì trường không được phép thu học phí cao hơn khung mà chi phí cho hoạt động thường xuyên còn bị cắt giảm. Vì bị bó buộc nguồn thu nên nhiều khi trường phải vận dụng linh hoạt một số cách để tăng nguồn thu cho trường”, một lãnh đạo trường này cho biết.

Ông Bùi Văn Ga khẳng định: “Tất cả các trường ĐH công lập, dù trực thuộc bộ ngành hay địa phương nào cũng đều phải xác định mức học phí các ngành đào tạo tập trung chính quy theo khung quy định của Chính phủ trong Nghị định 49. Điều này có nghĩa, trường ĐH công lập nào thu học phí vượt khung trên đều vi phạm nghị định”.

H.A

Hà Ánh

>> Tự chủ học phí với ngành có nhu cầu xã hội cao
>> Thêm hai trường THPT được tự chủ tài chính
>> Thí điểm giao quyền tự chủ cho ĐH Bách khoa Hà Nội 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.