Tịnh xá ký kết hợp đồng đúc chuông, nhưng chuông đúc ra không đúng yêu cầu nên từ chối nhận, người đúc chở chuông về rồi bặt luôn khiến nhà sư chịu nhiều điều tiếng.
|
Tháng 8.2013, tịnh xá Ngọc Tuyền (H.Hóc Môn, TP.HCM) ký hợp đồng đúc chuông với một cơ sở đúc chuông tại xã Tân Phước, H.Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu do ông Nguyễn Anh Tuấn làm chủ. Theo đó, chiếc chuông sẽ được ông Tuấn đúc với trọng lượng 1 tấn, trên 4 mặt chuông thể hiện tên tịnh xá Ngọc Tuyền và một số câu thơ. Chi phí đúc chuông là 330 triệu đồng, ông Tuấn nhận trước 200 triệu đồng.
Ngày 11.8.2013, trước sự chứng kiến của hàng trăm phật tử, ông Tuấn nổi lửa đúc chuông ngay tại sân tịnh xá. 10 ngày sau, chuông ra lò thì tịnh xá phát hiện trên chuông chỉ có dòng chữ "Họ Quách cúng dường" chứ không đúng theo thiết kế mà hai bên đã thỏa thuận. Ông Tuấn đồng ý sửa lại chuông nhưng yêu cầu tịnh xá phải đưa hết số tiền còn lại. Tịnh xá không đồng ý nên ông Tuấn chở chuông về cơ sở của mình và hứa đến ngày 24.10.2013 sẽ giao chuông.
Đến hẹn, không thấy ông Tuấn giao chuông, cũng không thể liên lạc được với ông Tuấn, ni sư Thích Nữ Độ Liên, trụ trì tịnh xá Ngọc Tuyền, đã xuống tận cơ sở của ông Tuấn để đòi chuông. Trong buổi làm việc có mặt đại diện Công an xã Tân Phước, ông Tuấn tuyên bố không làm chuông nữa và hẹn ngày 10.11.2013 sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, ông Tuấn lại tiếp tục thất hẹn. Đến ngày 20.11.2013, bất ngờ ông Tuấn dẫn theo một toán 5 - 6 người xông vào tịnh xá gây náo loạn cả khu vực. Sự việc phải có sự can thiệp của Công an xã Tân Thới Nhì mới tạm êm. Sau đó, ông Tuấn về và lơ luôn đến nay, chuông không đúc mà tiền cũng không chịu trả. Tịnh xá đã gửi đơn tố cáo đi khắp nơi nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết. Ni sư Thích Nữ Độ Liên than thở: "Toàn bộ số tiền đều do phật tử thập phương đóng góp, chuông cũng đã được đúc vậy mà bây giờ lại không có chuông, tôi phải chịu nhiều điều tiếng, bị phật tử nghi ngờ đã bán chuông chiếm tiền, thật là khổ sở".
Nhiều chùa tố cáo
Thiếu tá Nguyễn Đình Dương, Đội phó Đội CSĐT Công an H.Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết sau khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan CSĐT đã mời các bên làm việc và nhận thấy vụ việc mang tính dân sự, ông Tuấn không có dấu hiệu bỏ trốn nên chưa thể xử lý được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Quốc, Trưởng công an xã Tân Phước lại khẳng định dù ông Tuấn vẫn ở địa phương nhưng nhiều lần xã đã mời lên làm việc, ông đều không đến. Đáng lưu ý, ông Quốc cho biết trước đây xã đã từng nhận phản ánh của nhiều người khác, chủ yếu là các chùa (một chùa ở Đà Lạt, 2 chùa ở các địa phương khác) với nội dung vụ việc tương tự tịnh xá Ngọc Tuyền.
Theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Hiền Hà (Công ty luật Hiền Hà, Đoàn luật sư TP.HCM), vụ việc này cơ bản là vi phạm về trách nhiệm giao hàng, nên nếu tách riêng từng vụ thì chỉ mang tính dân sự. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng nhận tố cáo của nhiều người về nhiều vụ việc nhưng có cùng đối tượng và cùng tính chất thủ đoạn thì cần thẩm tra xem có dấu hiệu của hình sự hay không.
Hải Nam
Bình luận (0)