Cải thiện hạ tầng để hàng không cất cánh

28/08/2014 05:35 GMT+7

Nhiều chuyên gia tại Hội nghị hàng không chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối VN với thế giới, tổ chức hôm qua 27.8 ở Hà Nội, có chung kiến nghị VN phải khẩn trương cải thiện hạ tầng hàng không để ngành này phát triển.

Nhiều chuyên gia tại Hội nghị hàng không chắp cánh tăng trưởng kinh tế và kết nối VN với thế giới, tổ chức hôm qua 27.8 ở Hà Nội, có chung kiến nghị VN phải khẩn trương cải thiện hạ tầng hàng không để ngành này phát triển.

 Cải thiện hạ tầng để hàng không cất cánh
Tăng năng lực phục vụ của sân bay là điều kiện quan trọng để phát triển hàng không - Ảnh: Khả Hòa

Giảm chi phí sân bay

Ông Joe Mannix, Giám đốc khu vực United Airlines, bày tỏ mong muốn các bộ, ngành phối hợp giải quyết khó khăn cho các hãng hàng không nước ngoài. “Chúng tôi đã phải mang sang rất nhiều thiết bị phục vụ cho hoạt động của hãng tại VN. Khi nhìn hóa đơn chi phí nhập khẩu tôi thấy con số rất lớn”, ông Mannix cho hay. Cũng theo đại diện United Airlines, dù đã có thỏa thuận VN - Mỹ về một số chính sách hỗ trợ hàng không, như miễn thuế nhập khẩu thiết bị trong ngành hàng không, nhưng mất vài năm sau hãng này mới được nhận lại một phần hoàn thuế.

 

VN vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng hàng không... Nhưng để thành công được cần nhiều điều kiện như năng lực đón tiếp hành khách phải đảm bảo, chi phí khai thác phải cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh...

Ông Tony Tyler, Tổng giám đốc IATA

Dẫn ra một ví dụ, các chuyến bay quốc tế mỗi lần hạ cánh sử dụng xe dẫn đường tốn đến 50 USD (các hãng nội địa như VNA được miễn phí), theo ông Mannix đây chỉ là vấn đề rất nhỏ nhưng ảnh hưởng đến chi phí, cảm nhận của các hãng bay quốc tế. Cũng theo ông Mannix, có nhiều vấn đề khác tưởng chừng rất nhỏ, nhưng không được giải quyết triệt để dẫn đến cảm nhận không tốt của hãng, của khách hàng. Đơn cử như khách quốc tế đến sân bay Tân Sơn Nhất, sau chuyến bay rất dài phải đợi trong khu vực lấy hành lý rất lâu, rồi lại phải xếp hàng đi qua cổng kiểm tra X-quang của hải quan, trong khi nhiều nước đã bỏ quy trình này.

Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc điều hành Vietravel, cho rằng việc đơn giản hóa các thủ tục, rào cản như cấp visa sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không cũng như du lịch. Việc cấp visa sang Nhật được cải thiện đã đưa Nhật lên thành một trong những tuyến du lịch ăn khách nhất hiện nay.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), để hàng không VN có thể phát triển ngang tầm các nước trong khu vực, cần tích cực cải thiện tình trạng quá tải về hạ tầng sân bay, đặc biệt là các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, cũng như phát triển hạ tầng du lịch và chính sách phát triển du lịch phù hợp…

Trong khi đó, ông Tony Tyler, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), khuyến cáo Chính phủ VN lưu ý vấn đề quản lý phí ở sân bay. Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy sau khi một số sân bay được nước này cổ phần hóa, dù đã mở rộng các ga, tạo thuận lợi cho các hãng nhưng việc Chính phủ không có cơ chế quản lý phí tại các sân bay dẫn đến các hãng hàng không phải chịu phí tăng gấp 3 lần, khiến sân bay Dehli hiện là một trong những sân bay đắt đỏ nhất khu vực và thế giới. “VN vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng hàng không, dự báo lưu lượng khách qua đường hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 37% vào năm 2017. Nhưng để thành công được cần nhiều điều kiện như năng lực đón tiếp hành khách phải đảm bảo, chi phí khai thác phải cạnh tranh, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh…”, ông Tyler đề xuất.

Cải thiện về hạ tầng

Theo ông Dương Trí Thành, Phó tổng giám đốc VNA, sự tăng trưởng gần gấp đôi của tổng vận tải thị trường hàng không VN năm 2013 là nhờ sự tham gia của hai hãng hàng không giá rẻ là Vietjet Air và Jetstar Pacific. Nhưng để hàng không gần hơn nữa với khách hàng là thách thức rất lớn, vì đây là ngành đòi hỏi chi phí rất cao, mục tiêu an toàn tuyệt đối, nếu mức giá quá rẻ khó duy trì được hoạt động bền vững. Số liệu của IATA cho biết, năm 2013 lợi nhuận trên đầu hành khách với các hãng hàng không thế giới chỉ trên 1,9 USD/người. Ông Thành cho rằng, muốn giá thấp để tiếp cận sức mua của thị trường, các hãng cần được trợ lực từ phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ tốt để cắt ngắn thời gian bay, giảm chi phí…

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cũng chia sẻ: thị trường hàng không VN chưa thực sự phát triển, đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng con số tuyệt đối lượng khách qua cảng hàng không lại rất thấp. Dù diện tích nhỏ hơn VN rất nhiều, nhưng năm 2012 Singapore đã có tới 51 triệu lượt khách qua cảng, trong khi năm 2014 dự kiến VN mới đạt 50 triệu lượt khách. Vấn đề để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với hàng không, cũng như thúc đẩy tăng trưởng hàng không VN, theo ông Thanh vẫn là phát triển hạ tầng, tư nhân hóa cảng hàng không, vốn.

Phải tính thêm hiệu quả đường bay “vàng”

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép nghiên cứu, thiết lập đường hàng không thẳng Hà Nội - TP.HCM qua Lào, Campuchia. Theo Bộ GTVT, về góc độ kỹ thuật, công nghệ dẫn đường hiện nay đã cho phép thực hiện việc mở đường hàng không thẳng, sử dụng vệ tinh toàn cầu mà không phải đầu tư hàng loạt thiết bị dẫn đường trên mặt đất. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, các nước Lào, Campuchia và IATA khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hiện việc mở đường hàng không thẳng Hà Nội - TP.HCM. Bộ sẽ chỉ đạo VNA triển khai việc bay kiểm tra, đồng thời thống nhất với Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở đường hàng không thẳng trong thời gian sớm nhất.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Minh cho biết hiện VNA chưa có con số cụ thể để so sánh hiệu quả kinh tế của đường bay thẳng. “Không thể chỉ kẻ một đường thẳng từ Hà Nội - TP.HCM, mà phải tính toán từ lúc máy bay cất cánh theo hành lang bay như thế nào và đi qua các điểm cụ thể, đặc biệt là các điểm tiếp cận”, ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM không được coi là đường bay trục của Lào, Campuchia, nên sẽ không được giành mực bay ưu tiên. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM là đường bay trục của VN, nên mực bay trên 33.000 feet, tương ứng 10.000 km, nếu không được ưu tiên máy bay sẽ phải bay dưới 10.000 km, tốn thêm dầu, không đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Mai Hà

 >> Hàng không thế giới sắp thí điểm dự án cảnh báo máy bay về vùng chiến sự
>> Việt Nam cần phát triển 'hàng không chung
>> Chậm chuyến kéo dài, khách có thể được bồi thường
>> Các hãng hàng không né nghĩa vụ khi chậm chuyến
>> Nhiều hãng không xin lỗi, không nêu lý do khi chậm chuyến bay 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.