Dán 12 con tem vẫn sợ hàng giả

01/09/2014 09:00 GMT+7

Trên mặt trận chống hàng giả, nhiều doanh nghiệp cảm thấy đơn độc và thậm chí bất lực, còn giới chuyên gia thì khẳng định “con người” vẫn là yếu tố then chốt.

Những viên thuốc có màu trắng sữa là hàng thật của Công ty Phú Long, những viên to hơn màu đậm là hàng giả - Ảnh: Chí Nhân

Văn phòng Công ty CP XNK TM dược phẩm Phú Long (Q.10, TP.HCM) trở thành một “phân xưởng” nho nhỏ với hơn chục nhân công đang ngồi dán tem chống hàng giả lên từng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hồng Lan, Giám đốc công ty, cho biết trên mỗi hộp sản phẩm phải sử dụng đến 12 con tem chống hàng giả. Kèm theo đó còn có thêm một thư ngỏ về việc dán tem chống hàng giả gửi đến người tiêu dùng.

Doanh số bị sụt giảm 1/3

 

Không sản xuất vẫn bị mạo nhận

Bà Trần Hồng Nguyên, Trưởng phòng Truyền thông của Hội DN hàng VN chất lượng cao, cho biết có trường hợp rất điển hình là nhựa Duy Tân. Công ty không sản xuất mũ bảo hiểm nhưng trên thị trường vẫn có mũ bảo hiểm mang thương hiệu Duy Tân. Thời điểm đó, Duy Tân phải ra thông báo tuyên bố rằng “Chúng tôi không sản xuất mũ bảo hiểm” để cảnh báo người tiêu dùng.

Phú Long nhập khẩu độc quyền thuốc trị viêm loét dạ dày từ Công ty Cipla (Ấn Độ) về VN phân phối gần 20 năm qua. Thế nhưng, vài năm gần đây sản phẩm bị làm giả, doanh số bị sụt giảm đến khoảng 1/3. Chỉ tính riêng chi phí in tem, thư ngỏ, thuê mướn nhân công để dán tem cũng làm giá thành đội lên khoảng 10.000 đồng cho mỗi hộp thuốc, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), nhưng họ không còn cách nào khác.

“Một thời gian dài chúng tôi cảm thấy cô độc và bất lực trên mặt trận chống hàng giả. Gần đây chúng tôi quyết định chọn giải pháp dùng tem chống hàng giả và sử dụng hai công nghệ trên cùng một con tem, nhưng thật lòng là vẫn còn rất lo”, chị Lan tâm sự. Theo chị Lan, đã có không ít DN sản xuất do bị làm giả quá nhiều, chịu không nổi, đành chuyển sang ngành khác.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, nhận xét: Người làm hàng giả vẫn sống khỏe vì có một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích xài hàng giả vì giá rẻ. Những năm qua nền kinh tế đang khó khăn là điều kiện thuận lợi cho hàng giả phát triển mạnh mẽ. Gần như ngành hàng nào cũng bị làm giả, nhưng hiện nay mỹ phẩm và dược phẩm là hai đối được bị làm giả nhiều nhất vì lợi nhuận cao. Việc hàng giả hoành hành có phần do DN chưa có ý thức tốt trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông trong việc chống hàng giả. Họ thường chọn giải pháp im lặng vì sợ khi công bố sản phẩm bị làm giả sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay luôn sản phẩm thật.

Không ai chịu trách nhiệm

 

Một thời gian dài chúng tôi cảm thấy cô độc và bất lực trên mặt trận chống hàng giả. Gần đây chúng tôi quyết định chọn giải pháp dùng tem chống hàng giả và sử dụng hai công nghệ trên cùng một con tem, nhưng thật lòng là vẫn còn rất lo

Bà Nguyễn Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty CP XNK TM dược phẩm Phú Long

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN, cho rằng: “Phải đánh mạnh vào các ổ nhóm buôn lậu, kinh doanh, vận chuyền hàng giả”. Nạn làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gia tăng và diễn biến phức tạp đặc biệt trong dịp cuối năm này. Nhưng nhiều năm qua, công tác chống nạn hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh nên đã gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của DN và sức khỏe người dân. Trong vòng 1 - 2 tháng trở lại đây, liên tiếp những vụ buôn lậu; sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng bắt giữ, phanh phui là do có hoạt động tăng cường từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Vì vậy, trong thời gian tới, để công tác chống gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái hiệu quả thì những người giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 phải rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình, tham mưu hiệu quả. Bên cạnh đó, nơi nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra tràn lan trên địa bàn thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan nơi đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và nhân dân.

“Nhằm hạn chế tình trạng che chắn cho DN, sau khi bắt được vụ việc, cần đăng tải ngay lên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân giám sát, theo dõi và hạn chế xin xỏ. Mặt khác, cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến nhân dân qua phương tiện thông tin đại chúng kiến thức về hàng giả, hàng nhái để người dân có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả và những ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng giả  hàng nhái xâm nhập thị trường trong nước”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng cho rằng đối với việc chống hàng giả, yếu tố con người là hàng đầu. Theo ông, một thực tế là hàng giả, hàng nhái nhập lậu, bày bán ngang nhiên nhưng không ai chịu trách nhiệm từ các ngành đến người đứng đầu các địa phương.

“Thậm chí, tôi cho rằng, có những nơi còn nhắm mắt làm ngơ cho buôn bán hàng giả mà không có ai bị cách chức. Vì vậy để chống nạn buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay thì 90% giải pháp cần làm là yếu tố con người, chống tiêu cực ngay trong đội ngũ, lực lượng chống buôn lậu, chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Chỉ 10% là các giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật như tăng cường lực lượng, mua sắm, đầu tư thiết bị… Vì chính lực lượng chống buôn bán hàng giả, hàng lậu bị tha hóa, mua chuộc thì không thể nào làm việc được. Trong khi, DN họ cũng phải tập trung làm ăn, sự phối hợp được với cơ quan chức năng chỉ có mức độ, hơn nữa, đó không phải công việc chính của họ", ông Phú bức xúc.

 Chí Nhân - Mạnh Quân

>> Hợp lực chống hàng giả
>> Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
>> Cứ thấy hàng giả là bắt, tịch thu, tiêu hủy
>> Hàng giả đầy đường
>> Chống hàng lậu, hàng giả ồ ạt từ Trung Quốc tràn sang
>> Hàng giả, hàng gian diễn biến phức tạp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.