Nhiều thầy thuốc, nhà nghiên cứu vẫn dấn thân vào ổ dịch Ebola để cứu người và mở ra hướng phòng ngừa, điều trị căn bệnh này.
|
Ngày 28.8, website của chuyên san khoa học Science đăng tải bài viết của nhóm nghiên cứu do 2 giáo sư Stephen Gire và Pardis Sabeti (Đại học Harvard, Mỹ) đứng đầu về thông tin di truyền của loài vi rút Ebola đang hoành hành ở Tây Phi. Đây là một bài báo khoa học vô cùng đặc biệt vì có đến 5/58 đồng tác giả tử vong vì nhiễm vi rút này. Cả 5 người đều là thầy thuốc hoặc chuyên gia đang làm việc tại Bệnh viện Kenema (Sierra Leone): Sheik Humarr Khan, Mohamed Fullah, Mbalu Fonnie, Alex Moigboi, Alice Kovoma.
Những đồng tác giả khác đang làm việc tại Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Edimbourg (Scotland), Viện Sức khỏe Mỹ, Đại học Sierra Leone… cùng chia sẻ: “5 đồng nghiệp đã nhiễm bệnh trong lúc làm nhiệm vụ và qua đời khi bài chưa được đăng. Họ đã hy sinh để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và đóng góp to lớn cho nền khoa học của Sierra Leone”.
Sẵn sàng phục vụ nhân loại
Trong số 5 thầy thuốc nói trên, bác sĩ Khan là chuyên gia siêu vi học nổi tiếng thế giới. Theo báo Le Monde, ông đã toàn tâm cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm Ebola kể từ khi dịch bùng phát ở Sierra Leone từ nhiều tháng qua. Khi bác sĩ Khan qua đời vào ngày 29.7, Bộ Y tế nước này ca ngợi ông là “anh hùng dân tộc”. Một đồng tác giả khác, nữ tu Fonnie, y tá trưởng của Bệnh viện Kenema được UNICEF nhận định là “nguồn cảm hứng và tấm gương cho đồng nghiệp, không ngừng quan tâm đến mọi người ngay cả khi đã lâm trọng bệnh”.
Năm đồng tác giả của công trình nghiên cứu về vi rút Ebola đăng trên Science không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều bác sĩ, y tá, tình nguyện viên bản xứ và quốc tế bị nhiễm bệnh, thậm chí tử vong khi tham gia cứu chữa, phòng ngừa bệnh Ebola ở những điểm nóng của dịch như Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Liberia.
Tổ chức nhân đạo IRIN trực thuộc LHQ gần đây có một bài viết tưởng nhớ bác sĩ Samuel Brisbane, 74 tuổi, qua đời vì bệnh Ebola vào ngày 26.7. Trước khi về hưu, bác sĩ Brisbane là giáo sư y khoa và là người phụ trách chuyên môn của Trung tâm y khoa John F.Kennedy ở thủ đô Monrovia của Liberia. Khi đã hưu trí, thay vì chọn cuộc sống an nhàn, giàu có cùng gia đình ở Mỹ, ông quyết định trở về nước, tiếp tục làm việc ở Trung tâm John F.Kennedy và không ngại ngần cứu chữa, chăm sóc những bệnh nhân nhiễm Ebola. Bác sĩ Melvin Korkor, học trò của bác sĩ Brisbane, kể lại: “Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi rằng bác sĩ phải không ngừng học hỏi và sẵn sàng phục vụ nhân loại”.
Do nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc vì ngại bị lây và số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh không ngừng tăng lên, những thầy thuốc và tình nguyện viên chấp nhận tiếp tục làm việc tại các trung tâm đặc trị bệnh Ebola phải làm việc 12 giờ/ngày và hầu như không hề có ngày nghỉ kể từ 3 tháng qua, theo UNICEF. Làm việc quá tải, cộng với trang phục bảo hộ quá cồng kềnh và thời tiết nóng bức ở những nước bị dịch nên nhiều người trong số họ có nguy cơ mắc bệnh cao do lơ là việc phòng bệnh cho bản thân khi quá mệt mỏi. Bất chấp tất cả, các thầy thuốc, nhà nghiên cứu vẫn quyết tâm “chiến đấu” tới cùng với bệnh Ebola.
Vi rút đột biến siêu tốc
Nhờ sự dấn thân của những “anh hùng chống dịch”, bài báo trên chuyên san Science của nhóm Gire - Sabeti đã cung cấp nhiều khám phá quan trọng về thông tin di truyền của chủng vi rút Ebola đang làm mưa làm gió ở Tây Phi. Nhóm nghiên cứu đã giải mã bộ gien của 99 vi rút Ebola lấy từ 78 bệnh nhân ở Sierra Leone cùng với 3 mẫu vi rút Ebola lấy từ 3 bệnh nhân ở Guinea. Các nhà khoa học nhận thấy số vi rút này có đến 340 đột biến so với bộ gien của 20 vi rút Ebola được lưu giữ từ những đợt dịch trước đây. Bên cạnh đó, các vi rút “thế hệ mới” còn có tỷ lệ đột biến cao gấp đôi. Báo Le Devoir dẫn lời Giáo sư vi sinh vật học Eric Frost, Đại học Sherbrooke (Canada) cho biết: “Qua những đột biến, vi rút Ebola tăng khả năng thích nghi với vật chủ. Hiện chúng không lây truyền qua không khí nhưng nếu tiếp tục đột biến nhanh chóng như hiện nay, có nguy cơ chúng đạt khả năng này, với độc tính ngày càng cao hơn”.
Kết quả giải mã gien cũng xác nhận giả thuyết dịch Ebola ở Tây Phi khởi phát từ một bệnh nhân bị dơi ăn quả truyền bệnh. Bệnh nhân này có thể là em bé 2 tuổi ở miền nam Guinea. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đặc biệt quan tâm đến trường hợp một thầy lang sống ở khu vực biên giới Sierra Leone - Guinea qua đời vì bệnh Ebola. Có 13 bệnh nhân nhiễm bệnh này ở Sierra Leone từng đến dự đám tang của thầy lang. Người dân Sierra Leone lại có tập quán chạm vào thi hài người đã khuất trong tang lễ.
Công trình nghiên cứu của nhóm Gire - Sabeti là một dữ liệu quan trọng cho những nỗ lực phòng chống và điều trị Ebola. Cho đến nay, vẫn chưa có dược phẩm nào đặc trị vi rút này được thử nghiệm đúng quy trình trên người. Le Monde dẫn lời Giám đốc Viện Vi sinh vật học và bệnh truyền nhiễm Pháp (Inserm) Bernadette Murgue cho biết hiện có 3 hướng nghiên cứu điều trị bệnh Ebola: điều trị triệu chứng (xuất huyết, nhiễm trùng...); ngăn chặn sự sinh sôi của vi rút qua việc tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch; hạn chế sự lây lan của vi rút trong máu bằng các kháng thể đơn dòng hoặc đa dòng. Do tình hình phức tạp của dịch Ebola, hiện WHO đã cho phép điều trị bệnh này bằng các loại dược phẩm còn đang thử nghiệm.
Hồi cuối tháng 7, bác sĩ Kent Brantly và tình nguyện viên Nancy Writebol (đều quốc tịch Mỹ) bị nhiễm Ebola khi làm việc cho tổ chức nhân đạo Samaritan’s Purse tại Liberia. Cả hai đã được điều trị bằng huyết thanh chưa từng thử trên người ZMapp (là hỗn hợp các kháng thể đơn dòng) của Tập đoàn công nghệ sinh học Mapp Biopharmaceutical (Mỹ). Hiện ông Brantly và bà Writebol đã lành bệnh và được xuất viện. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn rất thận trọng khi đánh giá hiệu quả của ZMapp vì linh mục người Tây Ban Nha Miguel Pajares và bác sĩ người Liberia Abraham Borbor đều tử vong sau khi nhiễm Ebola dù đã được tiêm huyết thanh này.
Bên cạnh đó, nhiều loại vắc xin phòng ngừa bệnh Ebola cũng đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Theo tờ Le Figaro, loại vắc xin do chính phủ Anh, hãng dược GlaxoSmithKline (GSK, Anh) và tổ chức nhân đạo Wellcome Trust tài trợ nghiên cứu sẽ được thử nghiệm trên 60 người tình nguyện ở Anh vào tháng 9. Nếu kết quả khả quan, vắc xin của hãng GSK có thể được WHO cấp phép lưu hành vào năm 2015.
20.000 người có thể nhiễm Ebola Theo báo Courrier International, WHO cảnh báo phải mất khoảng 3 tháng nữa dịch Ebola ở Tây Phi mới kết thúc và đến lúc đó, có thể 20.000 người đã nhiễm vi rút này. Số liệu mới nhất cho thấy hiện đã có 1.552 người tử vong trong số 3.069 bệnh nhân nhiễm Ebola. Ngày 29.8, Senegal chính thức xác nhận có một bệnh nhân dương tính với siêu vi này đang bị cách ly ở Dakar. Bệnh nhân nói trên người Guinea, bị nhiễm bệnh trước khi nhập cảnh vào Senegal. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Hiện có khoảng 120 công dân Việt Nam đang ở vùng có dịch Ebola
>> Bộ Y tế tìm hiểu bệnh lạ giống Ebola ở Congo
>> Dịch bệnh Ebola: Nhật sẵn sàng cung cấp thuốc thử nghiệm
>> Xuất hiện căn bệnh mới, giống với Ebola?
Bình luận (0)