|
IS tung đoạn video vào ngày 2.9, quay cảnh một thành viên của tổ chức này cắt đầu nhà báo Mỹ Sotloff ở một khu sa mạc, nhằm trả đũa những cuộc không kích của Mỹ nhắm vào IS ở Iraq, theo AFP. Ông Sotloff mất tích kể từ ngày 4.8.2013.
Trước đó, IS cũng tung ra một đoạn video tương tự quay cảnh cắt đầu nhà báo Foley. Nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Washington đã nỗ lực xác nhận tính chân thực của đoạn video “ghê tởm” này.
Kể từ năm 2002, đã xảy ra hàng loạt những công dân Mỹ, Ý, Pháp, Anh và Ba Lan bị các nhóm cực đoan, khủng bố bắt cóc và hành quyết.
Người Mỹ
23.1.2002: Nhà báo Mỹ Daniel Pearl, nhà báo của tờ The Wall Street Journal (Mỹ), bị bắt cóc ở thành phố Karachi, Pakistan và sau đó bị chặt đầu. Đoạn video cho thấy cảnh chặt đầu ông Pearl được gửi đến Lãnh sự quán Mỹ ở Pakistan một tháng sau đó.
28.10.2002: Nhà ngoại giao người Mỹ Laurence Foley, phụ trách cơ quan phát triển Mỹ (USAID), bị bắn chết ở cự ly gần bên ngoài căn nhà của ông ở thành phố Amman, Jordan. Abu Mussab Zarqawi, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq, bị tuyên án tử hình vắng mặt vào năm 2004 sau những vụ hành quyết công dân các nước phương Tây. Zarqawi bị giết vào năm 2006 khi Mỹ đột kích vào thủ đô Baghdad, Iraq.
11.5.2004: Một đoạn video trên một trang mạng có liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda cho thấy cảnh chặt đầu doanh nhân Mỹ Nicholas Berg, người bị bắt cóc hồi đầu tháng 4.2004 ở thủ đô Baghdad (Iraq). Theo lực lượng an ninh Mỹ, kẻ chặt đầu doanh nhân Berg chính là Zarqawi.
18.6.2004: Một trang mạng Hồi giáo cực đoan đã đăng tải những hình ảnh cho thấy vụ chặt đầu kỹ sư Mỹ Paul Marshall Johnson bị bắt cóc vài ngày trước đó ở Ả Rập Xê Út. Vào ngày 19.8.2014, một tòa án ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út tuyên án tử hình đối với một phần tử al-Qaeda và các án tù từ 4-30 năm đối 13 kẻ đồng phạm về nhiều tội khác nhau trong đó có vụ giết chết ông Johnson.
20.9.2004: Một nhóm cực đoan do Zarqawi đứng đầu tuyên bố đã hành quyết hai người Mỹ Eugene Armstrong, Jack Hensley sau khi hai người này cùng một kỹ sư người Anh bị bắt cóc.
19.8.2014: IS, đang hoàn hành ở khắp Iraq và Syria, tung lên mạng đoạn video có cảnh chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 11.2012. Một ngày sau đó, chính quyền Mỹ tuyên bố chiến dịch giải cứu các con tin Mỹ, trong đó có Foley, thất bại.
Người Anh
8.10.2004: Vụ hành quyết ky sư người Anh Kenneth Bigley được công bố ba tuần ba tuần sau khi ông bị nhóm cực đoan của Zarqawi bắt cóc.
3.6.2009: Nhóm khủng bố al-Qaeda nhánh ở Bắc Phi, AQIM, tuyên bố cắt cổ doanh nhân người Anh Edwin Dyer, vốn là một du khách bị bắt cóc tại khu vực biên giới giữa Mali và Niger hồi 22.1.2009.
Người Pháp
19.4.2010: AQIM bắt cóc ông Michel Germaneau, một kỹ sư nghỉ hưu người Pháp, ở miền bắc Niger và rồi giải ông đến Mali. AQIM ngày 25.7.2010 tuyên bố đã hành quyết ông Germaneau. Một chiến dịch giải cứu ông Germaneau đã thất bại.
24.11.2011: Một công dân Pháp tên Philippe Verdon bị bắt cóc khỏi khách sạn ở miền đông bắc Mali. Vào ngày 20.3.2013, AQIM tuyên bố đã hành quyết Verdon nhằm trả đũa việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali. Kết quả giám định pháp y cho thấy ông Verdon thiệt mạng vì bị bắn vào đầu.
Người Ý
14.4.2004: Nhân viên an ninh Ý Fabrizio Quattrocchi bị các phần tử cực đoan bắn chết ở cự ly gần, hai ngày sau khi bị bắt cóc, nhằm trả đũa việc Ý không chịu rút quân khỏi Iraq.
20.8.2004: Nhà báo Ý Enzo Baldoni bị bắt trên một con đường gần thủ đô Baghdad của Iraq. Một nhóm cực đoan tự xưng là Quân đội Hồi giáo ở Iraq ngày 26.8.2004 công bố đoạn video hành quyết nhà báo này.
Người Ba Lan
7.2.2009: Nhà địa chất học Ba Lan Piotr Stanczak bị chặt đầu sau khi bị các tay súng Hồi giáo cực đoan bắt cóc trên 4 tháng trước đó ở miền tây bắc Pakistan.
Phúc Duy
>> Tổng thống Pháp lên án vụ IS cắt đầu nhà báo Mỹ Steven Sotloff
>> Những nghi vấn 'video cắt đầu nhà báo Mỹ' là giả mạo
>> Báo Anh: Video cắt đầu nhà báo Mỹ chỉ là dàn dựng
>> Phóng viên Pháp kể lại thời gian bị giam chung với nhà báo Mỹ bị cắt đầu
>> Vụ cắt đầu nhà báo Mỹ James Foley: IS tàn bạo không kém al-Qaeda
>> Kẻ cắt đầu nhà báo Mỹ là cư dân London tên John
>> Thế giới phẫn nộ với video cắt đầu nhà báo Mỹ
Bình luận (0)