Báo động nạn lừa qua điện thoại

05/09/2014 09:00 GMT+7

Sau khi không ít nạn nhân ở TP.HCM đã mất nhiều tỉ đồng, hình thức lừa đảo này đang ngày càng lan rộng gây thiệt hại lớn cho cộng đồng.

Sau khi không ít nạn nhân ở TP.HCM đã mất nhiều tỉ đồng, hình thức lừa đảo này đang ngày càng lan rộng gây thiệt hại lớn cho cộng đồng.

Báo động nạn lừa qua điện thoại
Ông N.Đ.T (ngụ đường Hải Thượng, Đà Lạt) kể lại chuyện bị lừa qua điện thoại - Ảnh: Lâm Viên

Lừa cả cử nhân luật

Bà T.T.T (cán bộ về hưu), ngụ đường 3 Tháng 4 (TP.Đà Lạt), ấm ức kể lại: Khoảng 9 giờ ngày 28.8, điện thoại bàn reo, bà T. nhấc máy. Đầu dây bên kia, một giọng nữ xưng là nhân viên của công ty viễn thông (VNPT) báo bà T. đang nợ cước viễn thông. Bà T. khẳng định mình không nợ. “Nhân viên VNPT” liền đọc tiếp tên bà T.T.T, số CMND 250025…., thuê bao điện thoại số 0663.716320 tại địa chỉ khóm 2, TX.Tân Biên (Tây Ninh), từ ngày 14.4.2014 đang nợ cước 8,93 triệu đồng và yêu cầu bà T. phải thanh toán ngay, nếu không sẽ chuyển hồ sơ đến công an xử lý. Bà T. nói bà ở Đà Lạt đâu có nhà ở Tân Biên mà thuê bao điện thoại làm gì. “Nhân viên VNPT” nói: “Vậy là có ai sử dụng số CMND của chị đăng ký rồi, vậy chúng tôi sẽ nối máy với Công an Tây Ninh để chị trình báo, phối hợp điều tra xử lý”.

Báo động nạn lừa qua điện thoại
Bà T.T.T - nạn nhân của vụ lừa đảo qua điện thoại

Sau đó, điện thoại bàn nhà bà T. hiện lên số máy 0663.861555. Bà T. cẩn thận dùng ĐTDĐ gọi 1080 thì được trả lời số máy 0663.861555 đúng là của Công an Tây Ninh nên bà T. thành thật tường trình sự việc. Từ số máy 0663.861555, một giọng nam tự xưng là “trung úy Cường”, thông báo bà T. liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Dũng, bị can trong vụ mua bán ma túy, rửa tiền thông qua mua bán bất động sản. Quá trình khám xét nhà Dũng, công an thu được 1 thẻ ngân hàng ACB mang tên T.T.T có 1,65 tỉ đồng. “Trung úy Cường” lại chuyển máy cho bà T. gặp một người khác xưng là Lê Thị Tuyết Mai, kiểm sát viên điều tra về tội phạm kinh tế (Viện KSND Tây Ninh). Mai cũng nói tương tự “trung úy Cường” là bà T. liên quan đến vụ án trên và chất vấn bà T. đang gửi tiền ở ngân hàng nào để đối chiếu. Tiếp đó, Mai yêu cầu bà T. chuyển tiền vào tài khoản của Zhang Hua để “phối hợp điều tra”. Trong vòng 24 tiếng nếu xác minh được bà T. không liên quan đến vụ án thì sẽ trả lại tiền cho bà. Nếu bà T. không chuyển tiền thì sẽ bị niêm phong tất cả tài khoản trong 1 năm rưỡi.

Quá sợ hãi, 11 giờ ngày 28.8, bà T. chuyển 96 triệu đồng vào tài khoản của Zhang Hua. Khi nhận được tiền, “kiểm sát viên Mai” còn gọi điện cho bà T. hẹn đúng 11 giờ ngày 29.8 sẽ có người đến nhà bà làm việc cụ thể. Chiều cùng ngày, bà T. nhờ người quen từng làm việc ở Viện KSND tỉnh Lâm Đồng liên lạc với Viện KSND tỉnh Tây Ninh để hỏi thêm vụ việc trên thì mới biết bị lừa.

Bà T. đau xót: “Mình là cử nhân luật đấy chứ! Nhưng nghe trung úy Cường và kiểm sát viên Mai nói nhỏ nhẹ, thuyết phục hợp tác rất có lý, vả lại để chứng minh mình không liên quan gì đến vụ án nên mới đồng ý chuyển tiền”.

Báo động nạn lừa qua điện thoại

Báo động nạn lừa qua điện thoại
Chứng từ bà K.D chuyển tiền cho Shang Hua

Hù dọa bắt giam

Cũng với thủ đoạn tương tự, trưa 28.8, bà K.D (đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt) cũng bị “nhân viên VNPT” gọi điện từ số máy 0059.876654 báo nợ cước điện thoại 8,93 triệu đồng, nếu không trả sẽ báo công an bắt giam. Sau đó, bà D. cũng lần lượt nói chuyện với “trung úy Cường”, “kiểm sát viên Mai”. Bà D. cho biết: “Từ 12 giờ đến 17 giờ tôi liên tục bị Cường và Mai khủng bố tinh thần qua điện thoại bàn và di động, không buôn bán gì được”. Chưa hết, “trung úy Cường” nói bọn tội phạm ma túy mua thông tin gia cảnh của bà D. giá 2,5 triệu đồng, chúng biết rõ con bà D. đang học ở TP.HCM... Còn Mai hù dọa nếu không chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của Zhang Hua để “hợp tác điều tra” thì tính mạng chồng con bà D. sẽ bị đe dọa; bà D. “dính” vào vụ án rửa tiền sẽ bị tù 10 năm. Lo lắng cho gia đình và muốn yên thân, chiều 28.8, bà D. đến ngân hàng chuyển tổng cộng 200 triệu đồng vào 2 tài khoản của Zhang Hua. Đến tối cùng ngày, biết mình bị lừa, bà D. liên lạc với  2 ngân hàng trên đề nghị ngăn chặn việc rút tiền, nhưng một nửa trong số đó đã bị bọn lừa đảo rút mất. Cùng ngày 28.8, ông N.Đ.T ngụ đường Hải Thượng (Đà Lạt) bị nhóm lừa đảo trên gọi điện thoại hù dọa bắt giam nếu không chuyển vào tài khoản của chúng 240 triệu đồng. Rất may ông T. cảnh giác và kiên quyết nói không.

Báo động nạn lừa qua điện thoại
Các số điện thoại bọn tội phạm gọi đến cho bà T.T.T

Thượng tá Nguyễn Tấn Vũ, Trưởng công an TP.Đà Lạt cảnh báo: “Khi nhận được những cuộc điện thoại báo nợ cước viễn thông tốt nhất không nên nghe, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Những hộ nào là nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự sớm trình báo để Công an TP.Đà Lạt tập hợp phục vụ công tác điều tra tội phạm”.

Kẻ gian dùng phần mềm giả mạo số điện thoại gọi đến

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty BKAV, nhận định về mặt kỹ thuật kẻ gian có thể sử dụng tổng đài mini đấu nối trung gian vào đường dây điện thoại cố định của nạn nhân. Tổng đài trung gian này sẽ được cài đặt chế độ để các cuộc gọi đi gọi đến hoàn toàn bình thường nhưng khi nạn nhân gọi đến một số điện thoại mà kẻ xấu định sẵn (ví dụ như số 113 hoặc số của một cơ quan công an địa phương), tổng đài mini này sẽ chuyển cuộc gọi đến số máy theo ý định của kẻ lừa đảo. Nạn nhân sẽ bị lừa rằng mình đang nói chuyện với cơ quan công an.

Bên cạnh đó, kẻ gian còn sử dụng công cụ điện thoại gọi qua internet (VoIP) và dùng phần mềm giả mạo số điện thoại gọi đến. Khi kẻ gian dùng VoIP gọi vào mạng điện thoại ở VN thì đầu số hiển thị sẽ có dạng 00+xxxxx. Trong đó xxxxx là dãy số mà tội phạm có thể điều chỉnh khi hiển thị trên máy bàn hoặc máy di động của nạn nhân. Nhiều trường hợp nạn nhân đã gọi dịch vụ 1080 hoặc gọi trực tiếp đến để kiểm tra thì sẽ thấy đó là số điện thoại thật.

Ông Trần Thành Nam, Giám đốc viễn thông Lâm Đồng (VNPT Lâm Đồng), khuyến cáo khi nhận điện thoại yêu cầu thanh toán cước thì không làm theo hướng dẫn và thông báo cho VNPT Lâm Đồng theo số 0633.800126 về nội dung và số điện thoại của đối tượng lừa đảo để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Tr.Sơn - Lâm Viên

Giả nhà mạng thông báo nợ cước

Trả lời Thanh Niên, đại diện VNPT cho biết từ đầu 2013 trên địa bàn Hà Nội nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định phản hồi về việc bị các số máy lạ gọi đến, sau đó thông qua hệ thống băng ghi âm tự động, tự xưng là VNPT và giả mạo thông báo nhắc nợ với số tiền rất lớn lên tới hơn 8 triệu đồng. Sau khi thông báo, hệ thống lạ có hướng dẫn khách hàng nhấm phím số 9 để liên hệ. Nếu khách hàng nhấn số 9, ngay lập tức khách hàng được kết nối tới tổng đài bị tính cước phát sinh. 

VNPT Hà Nội cho biết không áp dụng hình thức nhắc nợ tự động tới các khách hàng qua hộp thư ghi âm tự động nào như trên. VNPT Hà Nội chỉ sử dụng các hình thức nhắn tin qua tổng đài 800126 hoặc nhân viên VNPT Hà Nội trực tiếp gọi điện gặp và tư vấn cho khách hàng.

Tại TP.HCM, khách hàng của VNPT thường nhận được các cuộc gọi nhắc nợ cước tự động từ các đầu số 0013xxx, 00886xxx, 96111, các số di động (sim rác), hoặc thậm chí giả mạo số 18001090 với nội dung thuê bao của khách hàng đang nợ cước với số tiền hơn 8 triệu đồng. Nếu không thanh toán trong 2 giờ sẽ bị khóa. Sau đó hướng dẫn khách hàng bấm phím 9 để liên hệ. Nếu khách hàng nhấn số 9, ngay lập tức khách hàng được kết nối tới tổng đài bị tính cước phát sinh. 

VNPT TP.HCM cho biết đây là hành vi lừa đảo của kẻ gian. VNPT TP.HCM khuyến cáo khách hàng có thể tra cước qua giấy báo cước hằng tháng; website tra cứu cước http://ebill.hcmtelecom.vn hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng (08) 800126.

Trường Sơn

Lâm Viên

>> Đề nghị truy tố cặp vợ chồng lừa đảo
>> Triệt phá băng lừa đảo qua điện thoại
>> Lừa đảo tiền tỉ, lãnh án chung thân
>> Bắt nghi can lừa đảo chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng
>> Điều tra hai kẻ mạo danh cảnh sát để lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.