|
“Nhắm mắt lại bạn sẽ thấy trái tim” - Đó là mong ước lớn nhất của những người viết ra dự án mang tên “Thấu hiểu của bạn, ánh sáng của tôi”.
Đây là dự án đoạt giải nhất của cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Thiên Ân (TP.HCM), do Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tổ chức nhân sự kiện “Giơ tay vì giáo dục” vào cuối tháng 8 vừa qua. Quỹ rút ngắn khoảng cách của trung tâm đã quyết định tài trợ 600 triệu đồng để thực hiện dự án.
Khiếm thị chỉ là một dạng khuyết tật nhẹ nhưng xã hội vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn nên người khiếm thị vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Ông Nguyễn Quốc Phong, Chủ nhiệm Mái ấm Thiên Ân, cho biết: “Dự án này mong muốn thay đổi định kiến của xã hội, bằng cách khuyến khích để các bạn trẻ sáng mắt trải nghiệm thực sự thế giới của người khiếm thị. Qua đó hy vọng bạn trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng và thay đổi cách giúp đỡ cũng như cộng tác giúp người khiếm thị tỏa sáng trong cuộc sống”.
|
Theo đó, dự án được bắt đầu từ ngày 1.10 bằng các hoạt động như tổ chức cho 500 học sinh, sinh viên tại TP.HCM trải nghiệm cuộc sống của người khiếm thị trong 1 ngày. Từ đó cùng với 200 người khiếm thị tập huấn về kiến thức và các chủ đề liên quan đến khuyết tật thị giác trong 20 buổi. Ngoài ra còn phát động cuộc thi “Sản phẩm truyền thông về khiếm thị” cho cộng đồng thông qua mạng xã hội. Trong thời gian này, cuốn cẩm nang Những khái niệm căn bản về khiếm thị cũng sẽ được biên soạn và phát hành.
Trước khi dự án ra mắt, đã có 2 bạn trẻ là Nguyễn Khánh Hùng và Nguyễn Thị Bích Phượng, sinh viên năm nhất ngành Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, được mời tham gia trải nghiệm này. Hùng và Phượng đã được học chữ nổi, học định hướng với gậy, học đàn bầu… do chính các bạn trẻ khiếm thị tại Mái ấm Thiên Ân đứng lớp.
Khánh Hùng chia sẻ cảm xúc sau khi được sống trong không khí đặc biệt này: “Tôi nhớ rõ trong phòng hôm đó, tôi nghe được thứ nhạc hay lắm, thứ nhạc tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Tôi thấy mình như đứa nhỏ mò mẫm bên Phước (một bạn trẻ khiếm thị - PV). Không phải vì tôi say mê âm nhạc (thiệt ra một chút thôi), mà tôi say mê cái cách Phước bước vào âm nhạc thanh thoát, nhẹ nhõm. Tự giật mình, tôi được quá nhiều trong một ngày”.
Mỹ Quyên
>> Nghị lực của chàng trai khiếm thị
>> Sân chơi chuyên biệt cho trẻ em khiếm thị
>> Ước mơ của cô gái khiếm thị
>> Trao tiền bạn đọc giúp sinh viên khiếm thị
Bình luận (0)