Có cần thiết phải đẩy thành vấn đề trọng đại?

08/09/2014 16:47 GMT+7

Chỉ vì một phép nhân để tính số gà của 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con mà báo chí và mạng xã hội khắp Việt Nam náo loạn trong hơn một tuần. Liệu có cần thiết phải 'đao to, búa lớn' đến vậy?

Chỉ vì một phép nhân để tính số gà của 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con mà báo chí và mạng xã hội khắp Việt Nam náo loạn trong hơn 1 tuần. Liệu có cần thiết phải "đao to, búa lớn" đến vậy?

Đã có rất nhiều giáo sư, tiến sỹ tên tuổi trong ngành giáo dục đăng đàn, người nói 4x8 đúng, người nói 8x4 mới đúng. Một số người thì bảo sách giáo khoa bên Mỹ viết thế này, sách Singapore dạy thế kia.

Về bản chất, những người có kiến thức cơ bản vững chắc đều có thể phân tích bài toán tính gà trên thành 8 là số bị nhân (tiếng Anh: multiplicand), 4 là số nhân (tiếng Anh: multiplier). Có điều khi trình bày phép nhân trên giấy theo chiều ngang, dạng A x B, số bị nhân phải viết trước hay viết sau thì là một vấn đề gây tranh cãi.

Khi tìm kiếm ảnh bằng google theo từ khóa "multiplicand", ta nhận được vô số kết quả, trong trang màn hình đầu tiên trên máy của tôi thì có 1/2 số kết quả cho rằng số bị nhân viết sau, 1/2 số kết quả cho rằng số bị nhân viết trước.

 

PGS Văn Như Cương, chuyên gia toán học, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, chớ vội bình luận và phê phán, phải hiểu bản chất của vấn đề”. Ông nói: “Dạy học sinh tiểu học hiểu được ý nghĩa của vấn đề cụ thể chứ không thể trừu tượng hóa vấn đề lên như tính chất giao hoán của phép nhân. Trước khi học sinh học trừu tượng hóa con số thì phải từ con số cụ thể rồi mới đến con số trừu tượng".

Điều tra rộng hơn sẽ thấy hiện trạng là cộng đồng giáo dục của Mỹ cũng không thống nhất được cách viết khi viết phép nhân theo chiều ngang. Như thế câu trả lời phù hợp là không có đáp án nào là chân lý. Vì 2 cách viết khác nhau đều phổ biến như nhau nên cả 2 cách viết đều phải được chấp nhận là hợp lệ.

Chuyện rắc rối phát sinh chẳng qua do hệ thống giáo dục Việt Nam mới đây tự đặt ra quy ước riêng là số bị nhân phải được viết trước, trong khi phần còn lại của xã hội thì không nắm được quy ước đó và cũng không có lý do gì phải chấp nhận quy ước đó. Thế nhưng, các nhà giáo dục lại khăng khăng nói chỉ có một phương án là đúng.

Có thể, vì thế giới nói chung và chính các thế hệ trước của Việt Nam nói riêng đang dùng song song cả hai phương án mà ta nên dạy cho trẻ em biết chấp nhận cả 2 phương án, nếu không sẽ gây ra những rắc rối sau này trong cuộc đời của trẻ khi tiếp xúc với người không cùng hệ quy ước.

Mặt khác, có những chuyên gia ngoài ngành lại khăng khăng là ngành giáo dục làm ngược, mà không ý thức được quy ước đó không xuôi cũng không ngược, mà cả 2 phương án đều phải được chấp nhận như nhau.

Giả sử về sau sẽ có cách để quyết định định đáp án nào trong 2 đán án là đúng, thiết nghĩ, lúc này các vị trí thức tên tuổi cũng không nên phản ứng quá gay gắt với những gì còn chưa ngã ngũ. Nhiều vấn đề nan giải muốn giải quyết một cách thỏa đáng không thể chỉ bằng cách chỉ trích, phê phán mà quan trọng là phải cùng nhau tìm ra được tiếng nói chung.

Đáp áp của một bài toán đố bậc tiểu học chưa phải lớn đến mức “đại sự quốc gia”, không nên đặt nó vào trong một trạng huống phức tạp để từ đó đẩy lên thành vấn đề lớn.

Vừa qua, một phụ huynh đã đăng tải trên mạng một bài kiểm tra toán tính con gà mà giáo viên đưa ra cho học sinh. Cụ thể như sau: Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Phép tính đúng là:

Với các phương án:

A. 4x8=32

B. 8x4=32

C. 4+8=12

D. 8:4=2

Trong bài toán này, em học sinh tiểu học lựa chọn đáp án A (4x8=32), tuy nhiên giáo viên lại cho rằng đây là đáp án sai và phương án B (8x4=32) mới là chính xác. Sau khi báo chí đăng tải bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng cô giáo bắt bẻ học sinh và phê phán cô giáo nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định đáp án của cô giáo là đúng.

 

 Nguyễn Đình Nam*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một trí thức sống và làm việc tại TP.HCM

>> Khó bình đẳng nếu Bộ vẫn biên soạn sách giáo khoa
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2017
>> Nên xã hội hóa việc làm sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.