Thủ tục “xin đất”
|
Nghệ nhân Thao La, người Brâu (ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) kể hơn 100 năm qua, làng Đăk Mế đã 11 lần dời đến nơi ở mới. Ông và cha của Thao La lần lượt từng là già làng nên ông biết nhiều nguyên tắc tìm vùng đất mới. Tất cả đều do già làng định đoạt, chọn những trai tráng và một số người lớn tuổi trung thực trong làng, kiêng cữ ba ngày không được giết con gì để đến ngày đẹp trời theo già làng ra đi. Trên vai đoàn người đi tìm đất mới lập làng là con gà, rượu cần và đồ ăn thức uống đầy đủ. Lội rừng băng suối, hễ nghe phía bên tay phải, con chim xu xi kêu lên thánh thót là điềm lành, được tổ tiên chỉ lối tìm ra đất cho làng. Khi tìm ra vùng đất bằng phẳng, cây xanh tốt, gần nguồn nước là già làng cùng đoàn người tìm đất dừng lại. Thủ tục “xin đất” bắt đầu…
Đầu tiên, già làng cầm con dao chặt xuống vùng đất trung tâm rồi cắm cây lồ ô xuống (nơi đây sau này là nhà rông của làng). Tiếp theo, cắt cổ cho tiết gà chảy xuống ống lồ ô đổ ra đất, bên cạnh đặt thêm một ghè rượu, một chén thuốc, một ít trấu lúa xuống đất. Già làng bắt đầu khấn vái, xin trời đất phù hộ cho dân làng, cho bà con làm được lúa tốt, bắt được con cá lớn ở dưới sông, con nai ở trên rừng, dân làng có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, không bị đau ốm, xui xẻo... Mời thần nước, thần đồi, thần gió, thần mưa… xuống uống ché rượu dân làng dâng lên. Sau lời khấn rất lâu, già làng hút rượu cần vào miệng phun xuống đất, rồi hút lần rượu thứ hai nuốt vào.
Theo chỉ bảo của già làng, lần lượt các cặp vợ chồng đến uống rượu cần và khấn vái. Cuối cùng, cả đoàn người cùng ngồi xung quanh uống rượu cần, đồng thanh khấn vái các Yang, các thần. Xong nghi lễ này, đoàn người tìm đất ăn uống trên đất mới, nhưng tất cả đồ ăn đều phải đổ vào nấu trong ống cây lồ ô. Đến khi ghè rượu cần đã nhạt, già làng sai đi chặt lá rừng (chủ yếu là lá lồ ô) trải xuống đất mới để ngủ, mơ giấc mơ tốt hay xấu để sáng mai già làng hỏi phải trả lời trung thực.
Sáng hôm sau, khi mặt trời xuyên qua tán rừng rọi vào mặt, già làng đánh thức những người đi tìm đất dậy, hỏi từng người: “Ô, tối qua mày mơ thấy gì?”. “Tao mơ thấy con suối nước trong veo, nhiều cá. Nhiều khách đến thăm làng”. “Tao thấy rẫy lúa chín vàng đồi núi. Thấy chiêng ché đầy làng, lúa gạo đầy chòi”. “Thế thì giấc mơ tốt đấy”, già làng tuyên bố với đoàn người quây tròn xung quanh. Hai thanh niên trong đoàn được cử về làng báo tin đã tìm được đất, còn lại tỏa vào rừng tìm cây làm nhà sàn (sau là nhà rông) và chọn cây đẹp, cao vút, không bọng thân, cụt ngọn để làm cây nêu.
Người Brâu tin rằng, nếu giấc mơ của lũ làng thấy lửa, nước suối đục, cá chết... là điềm xấu, đoàn người lại im lặng tiếp tục hành trình tìm miền đất khác. Còn nếu chọn đất có giấc mơ xấu lập làng, tai họa, dịch bệnh, bóng ma chết, ma rừng sẽ ập xuống làng sau đó.
|
Thanh sắt chặn cái xấu
Theo già làng A Dêu (74 tuổi, ở làng Đăk Mế), sau khi nghe tin báo của hai thanh niên, dân làng tấp nập giã gạo, rồi mang trấu để riêng, gạo để riêng, bỏ vào ống lồ ô đem đến nhà rông khấn vái, xin thần cho dời làng đi. Gạo sau đó nấu thành cơm, phơi ra từng cái nia, để khô, lấy men rải lên gạo, trộn đều cho vào ghè làm rượu cần. Một tuần sau, già làng hỏi: “Rượu ghè làng ta thế nào rồi?”, dân làng trả lời: “Đã ngon”. Già làng tuyên bố sáng mai dời làng về vùng đất mới.
Hôm sau, dân làng lũ lượt kéo đi, ban đầu mang chiêng ché, gia súc, sau đó về mang các vật dụng còn lại. Trước khi bước vào vùng đất lập làng mới, tất cả mọi người phải đạp qua thanh sắt đặt nằm ngang ở cổng làng. “Như vậy sẽ may mắn, hết xui xẻo. Những cái xấu sẽ bị thanh sắt chặn lại không cho vào làng”, già A Dêu giải thích.
Khi vào đất mới, người Brâu tổ chức dựng cây nêu lên rồi cùng nhau làm thịt dê, heo, gà… ăn mừng. Theo trưởng làng Đăk Mế Thao Lợi, có khi lễ mừng dựng làng mới kéo dài cả tuần.
Phục dựng lễ tìm đất mới “Hầu như đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều có tục “nằm mơ tìm đất mới cho làng” nhưng nghi thức thì mỗi dân tộc đều có nét riêng, trong đó người Brâu là phức tạp hơn cả. Trong hai ngày 13 và 14.1 vừa qua, Sở VH-TT-DL Kon Tum tổ chức phục dụng lễ tìm đất mới cho làng Brâu, thế nhưng dường như trúng ngày kiêng, đồng bào không chịu mang chiêng Tha ra làm lễ. Trong 10 bộ chiêng Tha ở làng Đăk Mế, dân chỉ mang ra 2 bộ”. Ông Trần Lâm, cán bộ nghiệp vụ văn hóa |
Phạm Anh
>> Những miền đất huyền sử - Kỳ 2: Những hòn đá linh thiêng
>> Những miền đất huyền sử: Truyền thuyết 7 hồ ở Măng Đen
>> Liên hoan nghệ thuật 4 quốc gia láng giềng
>> Già làng nổi tiếng ở Tây nguyên qua đời
>> Già làng và cột mốc biên cương
Bình luận (0)