Tự tạo cơ hội - Kỳ 59: Thoát nghèo nhờ đan giỏ ni lông

09/09/2014 02:05 GMT+7

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống, nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, chị Kim Thị Ngọc Mai (34 tuổi, dân tộc Khmer, ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng) đã trở thành bà chủ và tạo việc làm cho hơn 200 phụ nữ nghèo tại địa phương.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, phải đi làm thuê khắp nơi kiếm sống, nhưng bằng nghị lực và ý chí vươn lên, chị Kim Thị Ngọc Mai (34 tuổi, dân tộc Khmer, ở ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú, H.Long Phú, Sóc Trăng) đã trở thành bà chủ và tạo việc làm cho hơn 200 phụ nữ nghèo tại địa phương.

 Đan giỏ ni lông
Chị Ngọc Mai (phải) đang dạy đan giỏ cho người mới vào nghề - Ảnh: Chanh Đa

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 58: Tính kế làm ăn lớn với cà phê chồn
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 57: Thu tiền tỉ trên cánh đồng năn

Chị Mai kể, vừa học xong lớp 8, chị phải nghỉ học để lên TP.HCM làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trong những ngày ở trọ đi làm thuê, chị tình cờ thấy một người dạy đan giỏ ni lông gần phòng trọ. Thấy việc này phù hợp với phụ nữ, vừa dễ làm, không phải tốn chi phí đầu tư nhiều nên chị đã xin học nghề, sau đó trở về quê nghèo Long Phú lập nghiệp.

Bước đầu, chị Mai dạy nghề đan giỏ ni lông cho bà con trong xóm, chủ yếu để biết cách làm giỏ sử dụng trong sinh hoạt gia đình. Đến năm 2008, Trung tâm dạy nghề H.Long Phú hợp đồng để chị đứng lớp dạy nghề đan giỏ cho chị em phụ nữ trong xã Long Phú. Từ đó, chị đã liên hệ với các cơ sở cung cấp dây đai và đứng ra thu mua giỏ do học viên đan để bán ra thị trường. Thấy nhu cầu sử dụng giỏ ni lông ngày càng nhiều, năm 2010, chị quyết định thành lập Cơ sở đan giỏ Ngọc Mai. Chị Ngọc Mai cho biết: “Lúc đầu, giỏ làm ra chủ yếu chỉ bán trong tỉnh. Nhưng sau một thời gian thấy giỏ bền, đẹp, nhiều người ở nơi khác đã đến đặt hàng”.

Đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, Cơ sở đan giỏ Ngọc Mai đã tạo được niềm tin và việc làm ổn định cho hơn 200 lao động nông thôn. Mỗi chiếc giỏ hoàn thành, người đan được trả công 15.000 - 25.000 đồng, tùy kích cỡ, mang đến thu nhập bình quân 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng/người, những người đan giỏi thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Hiện bình quân mỗi tháng cơ sở của chị cung cấp trên 20.000 giỏ ni lông ra thị trường các tỉnh, thành như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, TP.HCM…

Ông Nguyễn Hoàng Thơ, Chủ tịch UBND xã Long Phú, cho biết địa phương có trên 80% dân số là đồng bào Khmer, sản xuất độc canh cây lúa nên tình trạng thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Từ khi chị Mai mở cơ sở đan giỏ đến nay đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân, nhất là chị em phụ nữ dân tộc Khmer có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Chị Danh Thị Thài (ngụ ấp Nước Mặn 2, theo nghề đan giỏ hơn 4 năm nay) cho biết trước đây không có nghề, chị phải đi dặm lúa, cắt lúa, nhổ cỏ... ai thuê gì làm đó. Nhờ học nghề từ chị Mai mà mỗi ngày chị có thu nhập gần 100.000 đồng để lo cho gia đình, cuộc sống gia đình chị không còn khó khăn. Theo chị Thài, học đan giỏ rất đơn giản, chỉ cần chịu khó theo dõi ít ngày là đan được.

Chị Mai tâm sự, hầu hết chị em là lao động nông thôn nên khéo tay và học nghề đan giỏ rất nhanh. Học xong, chị em tham gia đan và có thu nhập mỗi ngày nên rất phấn khởi, yên tâm theo nghề.

Trần Thanh Phong - Chanh Đa

>> Người đàn ông nằm đan giỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.