Cải tạo chung cư cũ

11/09/2014 14:13 GMT+7

Rất đơn giản nhưng chúng ta không tìm cách tháo nút thắt, để suốt 5 năm án binh bất động trong khi chất lượng nhà chung cư cũ ngày một tồi tệ và nguy hiểm.

Rất đơn giản nhưng chúng ta không tìm cách tháo nút thắt, để suốt 5 năm án binh bất động trong khi chất lượng nhà chung cư cũ ngày một tồi tệ và nguy hiểm.

>> Cơ hội mới cho nhà chung cư cũ
>> Có thể cho xây cao tầng chung cư cũ khi cải tạo
>> Hà Nội kiến nghị cho nâng tầng cao khi cải tạo chung cư cũ
>> Hà Nội tiếp tục bàn cải tạo chung cư cũ
>> Tháo dỡ 25 chung cư cũ để xây mới

Đành rằng chủ trương giảm mật độ dân số 4 quận nội thành từ năm 2009 được đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội là cần thiết. Song sẽ trở thành bài toán khó cho các cơ quan thực thi trong khi tiền xây dựng, cải tạo chung cư cũ lại có hướng "đẩy quả bóng" sang các doanh nghiệp mà Nhà nước lại không muốn dùng ngân sách chi khoản này để rồi tiếp tục đeo đuổi quản lý, thu tiền thuê như trên 50 năm trước chúng ta đã làm.

Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng bởi lẽ tiền thu được từ cái gọi là nhà cho thuê, suốt cả chục năm, nếu gom hết lại, Nhà nước vẫn không thể đủ cho sửa chữa nhỏ khi có sự cố, nói gì tới chuyện dăm ba năm lại sơn phết lại mặt ngoài các chung cư đó cho đỡ nhếch nhác. Chính vì vậy, nhìn vào những chung cư như Kim Liên, Ngọc Khánh, Tân Mai hoặc Nguyễn Công Trứ tiều tụy mà thấy mủi lòng cho bộ mặt Thủ đô.

Được biết, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát toàn bộ các khu chung cư cũ đã được UBND thành phố giao cho các đơn vị nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại và báo cáo phương án xử lý với thành phố trong tháng 9. Theo tôi hiểu, đây là một sự chuyển động trở lại chứ không hề mới bởi câu chuyện này đã được Hà Nội đề cập cách đây nhiều năm, song bị vào ngõ cụt bởi các doanh nghiệp, hồi đầu còn hào hứng vào cuộc, sau do có quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về độ cao xây dựng thuộc 4 quận nội thành cũ ra đời khiến họ chào thua vì chẳng ai dại gì bỏ ra một đống tiền, lại đi từng nhà vận động, thương thuyết, cuối cùng chẳng được lợi lộc gì.

 Cải tạo chung cư cũ
Chung cư cũ ở phố Thái Hà (Hà Nội ) - Ảnh: Ngọc Thắng

Tôi cũng được thông tin, từ việc rà soát này, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ đề xuất phương án xử lý tiếp theo. Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang chờ một hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức. Dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 9, muốn được lắng nghe ý kiến từ nhiều phía về việc cải tạo chung cư cũ, những bất cập cần tháo gỡ. Có thể, từ những ý kiến trong hội thảo nói trên, Sở Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo “Quy định một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn thành phố”.

Theo con số tập hợp được, hiện toàn TP.Hà Nội có 1.155 nhà chung cư cũ (cao từ 4-6 tầng) và 10 khu nhà thấp tầng (từ 1-3 tầng). Phần lớn những khu nhà này cơ bản đều đã bán cho người dân sở hữu theo Nghị định 61 của Chính phủ, chỉ còn một số cực ít chưa mua vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Số nhà chung cư cũ tương đương với diện tích 1,7 triệu mét vuông đang cần được cải tạo hoặc xây dựng lại do xuống cấp nghiêm trọng, vì đã xây dựng từ 30 đến 50 năm.

Hôm 12.8 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội. Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mấu chốt nhất của việc chậm trễ cải cạo chung cư cũ là vướng quy hoạch chung Hà Nội, do hạn chế số tầng. Ông Thảo đề xuất Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp được nâng cao số tầng khi thực hiện dự án cải tạo nhà chung cư cũ đảm bảo bài toán lợi ích, bên cạnh đó, người dân cũng sẽ được nâng cao hệ số bồi thường, sẽ dễ nhất trí hơn với việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ.

Theo tôi, mấu chốt vấn đề chính là ở khâu này và sở dĩ lâu nay bế tắc cũng là từ đây. Quyền lợi của nhà đầu tư phải được chia sẻ, có vậy họ mới chấp nhận vào hợp tác cùng Nhà nước. Đành rằng, lợi ích của doanh nghiệp cũng cần trong giới hạn nhất định, không được quá ngưỡng, dễ bị hiểu lầm là vì lợi ích nhóm nên được chính quyền bật đèn xanh cho làm. Rất đơn giản như vậy mà sao chúng ta không tìm cách tháo nút thắt trên, để suốt 5 năm án binh bất động trong khi chất lượng nhà chung cư cũ ngày một tồi tệ và nguy hiểm hơn? Nếu như dăm năm vừa rồi, có chung cư nào không may bị sập gây tai nạn thì lúc đó, biết quy trách nhiệm cho ai?

Doanh nghiệp, dù họ là tư nhân hay Nhà nước, hoạt động là phải sinh lợi nhuận. Họ không thể nào khác được. Vậy tại sao, khi họ "chê" và "lảng" xa đề án này, chúng ta không khẩn trương tìm cách ngồi xích lại gần nhau hơn để cùng tháo gỡ? 5 năm, quả là một thời gian phí phạm và vô tình kéo dài sự nhếch nhác của một thành phố mang danh là một thủ đô thuộc loại lớn nhất thế giới. Quyết định của Chính phủ cũng do các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan tham mưu đề xuất, cớ gì lại không thể sửa hoặc điều chỉnh cho mềm hóa và phù hợp? Nếu vì sự phát triển bền vững và hài hòa của một thủ đô văn minh, tôi tin là chúng ta đều tìm được giải pháp xử lý tích cực nhất.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.