Báo Thanh Niên số ra ngày 12.9 có thông tin Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) đề xuất vận động phụ huynh gần 2 tỉ đồng để xây dựng nhà vệ sinh thông minh. Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục tại TP.HCM cho rằng việc dùng số tiền lớn như vậy chỉ để xây dựng nhà vệ sinh là khó chấp nhận.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, dù là công trình của phụ huynh nhưng có kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng thì lãnh đạo nhà trường phải báo cáo với phòng giáo dục, UBND quận xin chủ trương, nếu đồng ý mới được thực hiện. Chẳng hạn như ở Q.5, vào năm trước, Trường tiểu học Bàu Sen khi xây dựng nhà vệ sinh thông minh cho học sinh có kinh phí 300 triệu đồng đã có văn bản trình phòng giáo dục để xin ý kiến. Khi phòng giáo dục chấp nhận, trường mới cho thực hiện. Một trường tiểu học khác cũng tại quận này xây thư viện với kinh phí 100 triệu đồng (công trình của phụ huynh) nhưng vẫn phải có văn bản xin chủ trương. Ở Q.Gò Vấp, tất cả các trường thực hiện công trình phụ huynh nếu số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì đều phải trình và xin ý kiến từ cấp phòng giáo dục và UBND quận.
Lãnh đạo một phòng giáo dục tại TP.HCM cho rằng theo đúng trình tự, khi trường có nhu cầu sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tiên phải làm kế hoạch, dự toán kinh phí xin ngân sách hoặc nêu phương án thực hiện (có thể vận động thêm từ nguồn xã hội hóa). Sau đó, trường phải báo cáo lên phòng giáo dục để trình UBND quận xin chủ trương. Nếu quận đồng ý, trường mới được thực hiện chứ không thể làm theo quy trình ngược là lấy ý kiến phụ huynh trước mà không báo cáo gì với cấp quản lý. Khi liên hệ với một cán bộ Phòng Giáo dục Q.3, chúng tôi được biết lãnh đạo Trường THCS Colette không có báo cáo đề xuất xin sửa chữa nhà vệ sinh mà vẫn tiến hành họp chi hội phụ huynh lớp để lấy ý kiến.
Minh Luân
Bình luận (0)