Ấn Độ bỏ lệnh cấm với các tập đoàn vũ khí nước ngoài đang bị điều tra

17/09/2014 17:00 GMT+7

(TNO) Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nới bỏ lệnh cấm 6 tập đoàn vũ khí nước ngoài đang bị cáo buộc hối lộ và cho phép nối lại các thương vụ bị đình chỉ.

(TNO) Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nới bỏ lệnh cấm 6 tập đoàn vũ khí nước ngoài đang bị cáo buộc hối lộ và cho phép nối lại các thương vụ bị đình chỉ. 

 

 Tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng INS Vikrant được hạ thủy tháng 8.2013. Chính quyền của tân Thủ tướng Narendra Modi đang tiến hành một loạt dự án hiện đại hóa quốc phòng, trong đó có việc nới bỏ lệnh cấm các tập đoàn vũ khí nước ngoài đang bị điều tra hối lộ - Ảnh: AFP
Tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ tự đóng INS Vikrant được hạ thủy tháng 8.2013. Chính quyền của tân Thủ tướng Narendra Modi đang tiến hành một loạt dự án hiện đại hóa quốc phòng, trong đó có việc nới bỏ lệnh cấm các tập đoàn vũ khí nước ngoài đang bị điều tra hối lộ - Ảnh: AFP

Phó tư lệnh không quân Ấn Độ R. K. Sharma trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Bloomberg cho hay lệnh cấm năm 2012 không cho phép các công ty này buôn bán với Bộ Quốc phòng Ấn trong thời hạn 10 năm đã được tạm bỏ, trong lúc chờ tòa án tối cao ra phán quyết về các nghi vấn hối lộ.

Sáu công ty bao gồm: nhà sản xuất động cơ máy bay nổi tiếng Rolls-Royce (Anh), nhà sản xuất máy bay  Finmeccanica (Ý), tổ hợp sản xuất thiết bị quốc phòng mặt đất Singapore Technologies Kinetics, Israel Military Industries, The Corporation Zashchita (Nga) và Rheinmetall Air Defence (Đức).

Hai công ty quốc phòng nội địa khác cũng bị cấm là T.S. Kisan và R.K. Machine Tools (còn gọi là Ludhiana).

Ông Sharma cũng cho hay những hợp đồng dang dở trước đây có thể nối lại, và “quyết định được đưa ra tùy từng trường hợp một”, trong đó mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc là một trong những yếu tố được xem xét.

Một trong các thương vụ lớn bị đình chỉ là hợp đồng Rolls-Royce sửa chữa và đại tu 6 loại máy bay cả quân sự lẫn dân sự của Ấn, gồm máy bay huấn luyện đời mới Hawk, máy bay huấn luyện Kiran, máy bay vận tải quân sự C-130J, chiến đấu cơ Jaguar, máy bay vận tải hành khách Avro và máy bay thương mại cỡ nhỏ Embraer Legacy.

Nhưng, “Chính phủ nay đã cho phép chúng tôi tiếp tục nhận hàng từ Rolls-Royce”, Tư lệnh không quân Ấn Arup Raha cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đó.

Rolls-Royce bị cấm do cáo buộc “một số quan chức không rõ danh tính” của hãng này đã hối lộ quan chức Ấn 188 triệu rupee (3,1 triệu USD) để có được hợp đồng cung cấp phụ tùng động cơ máy bay trực thăng, theo Cục điều tra chống tham nhũng Ấn Độ.

Tập đoàn Finmeccanica cũng đã được cho phép nối lại hợp đồng bán máy bay trực thăng trị giá 753 triệu USD cho Bộ Quốc phòng Ấn, vốn bị chính quyền trước đình chỉ.

Tuy nhiên, hiện tại Finmeccanica chưa được phép xúc tiến các thương thảo mới.

Các công ty con của Finmeccanica từng như cung cấp nhiều thiết bị quốc phòng cho New Delhi như hệ thống radar do thám, tên lửa cho tàu sân bay INS Vikrant (do Ấn Độ tự đóng).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Arun Jaitley hồi cuối tháng trước phát biểu tại New Delhi rằng lệnh cấm bảo đảm cho việc điều tra minh bạch, “Nhưng nó cũng hạn chế lựa chọn mua sắm vũ khí của chúng ta. Mà như vậy cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đảm bảo an ninh”.

Cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Amit Cowshish cho rằng nới bỏ lệnh cấm nói trên là hành động “thực tiễn”, bởi việc cấm đoán và hủy các hợp đồng là “bước lùi đối với các lực lượng vũ trang”.

Hiện đại hóa quốc phòng

Từ năm 2008 - 2012, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu các loại vũ khí thông dụng lớn nhất thế giới, theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển).

Tuy nhiên, những vụ bê bối tham nhũng trong bộ máy quốc phòng khiến quá trình ra quyết định bị kéo dài lê thê.

Tân Thủ tướng Modi kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo nhằm nâng cấp hệ thống quốc phòng của quốc gia đông dân thứ 2 và rộng lớn thứ 7 thế giới.

Bên cạnh việc ký quyết định cho nhiều dự án quân sự, trang bị vũ khí, ông Modi cũng cho phép đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ nhiều hơn.

Báo chí địa phương cũng cho hay ông Modi đang nhắm tới việc chốt hợp đồng mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp vào cuối năm nay.

Chiến lược hiện đại hóa quân sự của chính quyền Modi, theo đánh giá của giới quan sát, không gì khác hơn ngoài mục tiêu bảo vệ biên giới trước các láng giềng không mấy thuận hòa, như Trung Quốc, Pakistan, đồng thời khẳng định sức mạnh và bảo vệ lợi ích quốc gia ở Ấn Độ Dương rộng lớn vốn ngày càng trở nên quan trọng và được đặt trong sự tính toán chiến lược của nhiều cường quốc.

Hồi tháng trước, tại lễ hạ thủy chiến hạm có tên lửa dẫn đường lớn nhất do Ấn Độ tự đóng INS Kolkata, ông Modi tuyên bố việc tăng cường sức mạnh quân sự là nhằm để “không ai dám đảo cái nhìn gian tà vào Ấn Độ”.

Bên cạnh đó, theo cựu Thư ký quốc phòng Vinod Kumar Mishra, “bước đi logic kế tiếp trong khung chính sách của chính quyền Modi là áp dụng bộ luật lệ trong đấu thầu mua sắm trang bị quốc phòng vốn đang được bàn thảo và dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới”.

Thục Minh
 (Văn phòng Singapore)

>> Lính Trung Quốc, ́n Độ đụng độ ngay trước chuyến thăm của ông Tập
>> Ấn Độ dành cho VN gói tín dụng 100 triệu USD để mua sắm quốc phòng
>> Ấn Độ cắt điện nước để đuổi cựu quan chức
>> Tổng thống ́n Độ: Việt Nam là rường cột trong 'chiến lược hướng Đông
>> Al-Qaeda nhánh Ấn Độ thất bại trong vụ tấn công khủng bố ngày 11.9
>> Học giả ́n Độ: Chính phủ nên bắt tay với các nước để đối phó Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.