Có người “sơ hở” một chút là dính bầu, nhưng cũng không ít đôi vợ chồng trục trặc đường sinh đẻ khiến họ rất khổ tâm.
|
Nỗi niềm
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, cho dù quê ở rất xa, mới đây cũng đã tranh thủ đến nghe các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tư vấn nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, hiếm muộn, vô sinh.
Chị N.H (27 tuổi) chia sẻ với các bác sĩ rằng chị lấy chồng đã mấy năm, vì khó có con nên đã làm thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần, nhưng cả hai lần đều thất bại. Lần đầu có thai được 18 tuần thì hư, lần sau thai đến 33 tuần thì bị sinh non, bác sĩ bảo do hở eo cổ tử cung. Trong khi chị H. rất cẩn thận, rất hạn chế đi lại. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Phó giám đốc BV Từ Dũ) cho rằng: “Sinh non có nhiều nguyên nhân, như mẹ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, hở eo cổ tử cung, do đa thai trong thụ tinh trong ống nghiệm... Nếu hở eo cổ tử cung, cần khám tầm soát trước, sau đó khâu eo cổ tử cung khi thai 16 tuần tuổi”.
Chị Th.Th (28 tuổi) lập gia đình hơn 4 năm, gần đây hai vợ chồng “canh” lắm mới có thai được, đang vui thì lại bị sẩy khi thai mới 5 tuần. Lần này chị Th. vào BV để hỏi về việc làm thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ nói, với các cặp vợ chồng bình thường, có thai bị sẩy 1 lần là bình thường (có thể do nhiều yếu tố tác động), nên chưa cần làm thụ tinh trong ống nghiệm, nếu sẩy 3 - 4 lần mới xem là bất thường.
Một cô khác khoảng ngoài 20 tuổi lo lắng hỏi bác sĩ: “Vợ chồng em đi xét nghiệm kiểm tra, cho thấy tinh trùng chồng em yếu, noãn (trứng) của em cũng yếu. Em không biết như thế thì tỷ lệ thành công được bao nhiêu nếu em làm thụ tinh trong ống nghiệm”. Sau khi nghe cô này cho biết thông số xét nghiệm, bác sĩ bảo “rất khó thành công”...
Tuổi tác làm giảm chất lượng tinh trùng, trứng
Theo các bác sĩ trình bày trong buổi tư vấn, nghiên cứu dịch tễ của Bộ Y tế, có 7,7% các cặp vợ chồng trục trặc đường sinh đẻ - hiếm muộn, vô sinh. Nhiều cặp vợ chồng trục trặc, người vợ rất khó thuyết phục chồng đi kiểm tra, vì các ông hay tự ái. Nhiều thanh niên nam nữ thành vợ thành chồng nhưng còn thiếu nhiều kiến thức liên quan đến sinh lý sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, những trục trặc, hiếm muộn... Một khảo sát về nhận thức sinh sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên 1.000 phụ nữ gần đây cho thấy trước khi có con, phần lớn các cặp vợ chồng thường tính đến chi phí nuôi con, ổn định cuộc sống, hơn là quan tâm đến sức khỏe sinh sản; 56% phụ nữ trong khảo sát không biết đàn ông có thể bị vô sinh mặc dù vẫn sản xuất tinh trùng...
Các bác sĩ khuyến cáo: Các cặp vợ chồng ở tuổi 35 đang cố gắng có con (quan hệ tự nhiên, đều đặn, không dùng biện pháp tránh thai) mà suốt một năm vẫn không có kết quả, hoặc cặp vợ chồng trên 35 tuổi cố gắng có con như trên trong 6 tháng mà không có kết quả thì có thể gặp vấn đề hiếm muộn, vô sinh, cần đi bác sĩ chuyên khoa kiểm tra. Đừng tỏ ra buồn chán hay xấu hổ mà không đi kiểm tra, kéo dài thời gian sẽ không thuận lợi, vì tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Cơ hội có thai cao nhất ở phụ nữ là từ 20 - 30 tuổi, càng lớn tuổi số lượng và chất lượng trứng đều giảm. Nam giới cũng vậy, ngoài chất lượng tinh trùng giảm, thì khi trên 40 tuổi, sinh con có nguy cơ bất thường di truyền cao hơn - đây là nguyên nhân khiến vợ của người đàn ông này dễ bị sẩy thai.
Thanh Tùng
>> Làm rõ trường hợp sản phụ hiếm muộn tử vong tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận
>> Chữa hiếm muộn theo cổ truyền
>> Những điều nên biết về hiếm muộn
>> Xét nghiệm đánh giá hiếm muộn
>> Niềm vui cho vợ chồng quân nhân hiếm muộn
>> Cần chi trả BHYT cho điều trị hiếm muộn và tật khúc xạ ở trẻ
Bình luận (0)