Cháy nhà, chạy đi đâu ? - Nhà ở riêng lẻ cũng phải có thiết kế PCCC

20/09/2014 03:00 GMT+7

Hằng năm, số vụ cháy nhà ở chiếm tỷ lệ khá cao, gần 50% trên tổng số vụ cháy. Điều này cho thấy người dân thật sự chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC.

Hằng năm, số vụ cháy nhà ở chiếm tỷ lệ khá cao, gần 50% trên tổng số vụ cháy. Điều này cho thấy người dân thật sự chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC. 

 Cháy nhà, chạy đi đâu ? - Nhà ở riêng lẻ cũng phải có thiết kế PCCC
Nhiều nhà phố sử dụng mặt bằng kinh doanh hàng hóa dễ cháy - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo số liệu thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM tồn đọng nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra, hàng trăm ngàn nhà phố trên địa bàn dù không xếp vào danh sách “đen” nguy cơ cháy cao nhưng khả năng cháy vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do mua bán hàng hóa dễ cháy và đặc biệt lối thoát hiểm không đảm bảo.

Điều đáng nói, tình trạng này tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn chưa được cải tạo, khắc phục và xử lý. Theo ông Tống Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM, do đô thị hiện hữu vốn hình thành từ rất nhiều năm trước nên vẫn tồn tại nhiều khu dân cư cũ với mật độ xây dựng cao, lụp xụp, ngõ hẻm chật hẹp không đảm bảo công tác PCCC và thoát nạn; nhà ở chủ yếu vẫn là nhà ống nằm liền kề và đấu đuôi nhau nên phần lớn chỉ có duy nhất lối thoát hiểm là cửa chính của ngôi nhà. Không chỉ bất cập về kết cấu xây dựng, việc sử dụng sai công năng cũng là vấn đề nan giải và hiện cơ quan chức năng không kiểm soát được. 

Xử lý từ khâu cấp phép xây dựng

 

Nhiều hệ thống chữa cháy hiện đại

Anh Phạm Anh Tuấn, một người chuyên buôn bán, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC tại TP.HCM cho biết hiện nay có một số hệ thống chữa cháy tự động được cho là hiện đại, trong đó có hệ thống chữa cháy tự động bằng nước. Hệ thống này được thiết kế trên điểm cao nhất của căn phòng. Nước được nén lại trong hệ thống đường ống và giữ bằng một van gắn liền với ống thủy tinh. Khi nhiệt độ trong phòng tăng cao, ống thủy tinh vỡ ra thì hệ thống tự động phun nước để dập lửa. Hệ thống này có thể phun 120 lít nước/giây. Chi phí để lắp đặt hệ thống này khoảng 100 triệu đồng cho căn phòng 12 m2.

Bên cạnh đó có hệ thống chữa cháy bằng khí. Khi nhiệt độ trong phòng thay đổi, hệ thống này tự báo động và phun khí cacbon, nitơ ra để làm giảm ôxy trong phòng, lửa tự động tắt.

Công Nguyên

Theo quy định mới của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP đối với khu dân cư xây dựng mới phải có thiết kế và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đồng thời bắt buộc hộ gia đình phải trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp; sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt, sắp xếp vật tư, chất cháy phải đảm bảo an toàn PCCC... Như vậy, với quy định này, nhà xây mới ở khu dân cư cũ vẫn chưa được đưa vào diện cần phải thẩm duyệt thiết kế PCCC, trong khi đó số lượng nhà kiểu này rất nhiều và chưa có quy định nào để “điều chỉnh” nhằm khắc phục, cải tạo cho đảm bảo an toàn PCCC. Bên cạnh đó, dù có quy định nhà dân bắt buộc phải trang bị phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy) nhưng cơ quan chức năng không kiểm tra xử lý nên người dân chủ quan không trang bị.

Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề. Thứ nhất, phải kiểm soát, sắp xếp lại việc sử dụng nhà ở làm điểm kinh doanh; khi cấp phép hộ kinh doanh cá thể, buộc phải có phương án PCCC, thoát nạn. Thứ hai, phải có quy định về phê duyệt thiết kế PCCC đối với nhà ở riêng lẻ cho cả nhà mới và nhà cũ. Theo đó, đưa vào quy định buộc nhà dân trong quá trình cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, phải bố trí lối thoát hiểm, khu vực thoát hiểm. Nếu do vướng nhà liền kề không thể làm cửa sổ, cửa thoát hiểm phía sau nhà được thì phải có phương án trổ mái tôn... Thứ ba, bắt buộc nhà ở trang bị bình chữa cháy (kiểu như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm). Trước mắt, có thể tập trung trang bị cho các tổ dân phố để kịp thời tự ứng cứu, sau đó tiến tới từng nhà phải trang bị. Thứ tư, tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC; đầu tư hồ chứa nước trong khu dân cư để có nguồn nước đáp ứng ngay tại chỗ, lắp đặt đầy đủ trụ cứu hỏa...

Cũng theo vị cán bộ này, hiện việc quản lý khoảng lùi (cũng là lối thoát hiểm) ở các khu đô thị mới đang bị bỏ ngỏ nên nhiều nhà hàn khung sắt bít kín, rất nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Để đảm bảo an toàn trong PCCC thì buộc phải tháo dỡ.

Theo một cán bộ của Cảnh sát PCCC TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, các quận huyện, phường xã, khu phố đang thành lập lực lượng PCCC dân phòng tại địa phương. Lực lượng này sẽ được tập huấn về công tác PCCC để đủ khả năng chuyên môn đảm đương công tác tổ chức, hướng dẫn, xử lý những trường hợp người dân không trang bị thiết bị PCCC.

Đàm Huy - Đình Phú 

>> Cháy nhà, chạy đi đâu? - Mở lối thoát hiểm, sắm thiết bị PCCC
>> Cháy nhà chạy đi đâu?  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.