Công Phượng bị bắt bài, U.19 Việt Nam thử nghiệm chiến thuật mới

19/09/2014 10:24 GMT+7

(TNO) Nỗi lo bị đối phương bắt bài buộc HLV Guillaume Graechen phải tìm phương án tấn công mới cho U.19 Việt Nam.

(TNO) Nỗi lo bị đối phương bắt bài buộc HLV Guillaume Graechen phải tìm phương án tấn công mới cho U.19 Việt Nam.

>> Tuyển U.19 Việt Nam đã ổn định nhân sự
>> U.19 Việt Nam hăng say rèn sức mạnh
>> Trốn mưa bão, tuyển U.19 Việt Nam vào phòng tập thể lực

 
Những pha đột phá cá nhân của Công Phượng (10) không còn là vũ khí bí mật của U.19 Việt Nam - Ảnh: Bạch Dương

Trước thềm vòng chung kết U.19 châu Á 2014, U.19 Việt Nam đá đến 11 trận. Đây là điều rất tốt, giúp cầu thủ tăng cường kinh nghiệm trận mạc và quan trọng hơn giúp các học trò của HLV Guillaume gắn kết hơn.

Thế nhưng, đá nhiều cũng bộc lộ nhược điểm là chúng ta đã bị lộ bài. Qua 11 trận, gặp các đối thủ đủ các cấp độ như Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Indonesia, Brunei, Malayisa… khiến U.19 Việt Nam phơi bày lồ lộ tất cả nhưng "tử huyệt" của mình.

Mặt khác, người hâm mộ bóng đá Việt Nam quá nhiệt tình, nên chỉ cần lên youtube gõ U.19 Việt Nam, lập tức hiện ra hàng loạt trận đấu của thầy trò HLV Guillaume Graechen sau vài giây chờ đợi.

Chính vì thế, các đối thủ chung bảng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc chắc hẳn cũng biết khá tường tận về lối chơi của thầy trò HLV Guilllaume Graechen. Đó là chưa kể Nhật Bản - đối thủ đã gặp U.19 Việt Nam 3 lần từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, vị thuyền trưởng U.19 Việt Nam có rất ít thông tin về các đối thủ chung bảng. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, rõ ràng U.19 Việt Nam đã bất lợi khi vòng chung kết châu Á chưa diễn ra.

Để hóa giải điều này, U.19 Việt Nam cần thay đổi lối chơi để gây bất ngờ cho đối thủ, dù điều này rất khó.

Trước giờ, đội quân của HLV Guillaume quen thuộc với sơ đồ 4-4-1-1, mà Công Phượng đóng vai trò chủ đạo nhờ những pha bứt tốc từ giữa sân làm rối tung hàng thủ đối phương.

Nhưng bây giờ, Phượng mất đi vũ khi bí mật nên giảm bớt “tầm sát thương”. Chỉ cần đối thủ be kín trung lộ, như lối đá của Nhật Bản, thì Việt Nam sẽ rơi vào thế bế tắc. Đây là nguyên nhân chính khiến U.19 Việt Nam không có một cơ hội ăn bàn nào ở trận chung kết Giải U.19 Đông Nam Á vừa kết thúc.

 
HLV Guillaume Graechen đang tìm cách xếp Tuấn Tài (giữa) có thể cùng xuất trận với Văn Toàn - Ảnh: Bạch Dương

Bởi thế, tại phố núi Pleiku trong những ngày này, HLV Guillaume cho cầu thủ của mình làm quen với sơ đồ 4-4-2.

Trong trường hợp bế tắc, bị đối phương dẫn trước, buộc phải có bàn thắng thì U.19 Việt Nam sẽ phải chuyển qua 4-4-2 để có đủ cầu thủ trên hàng công gây sức ép lên hàng phòng ngự đối phương.

Đá với sơ đồ này, Công Phượng sẽ giạt sang cánh phải, hai cầu thủ tuyến trên là Văn Toàn và Tuấn Tài.

Ở hành lang phải, Phượng cũng rất nguy hiểm bởi những pha bứt tốc của mình. Nhưng bài toán khó mà HLV Guillaume chưa tìm ra lời giải là Tuấn Tài và Văn Toàn chưa hiểu ý nhau, nên di chuyển đôi khi giẫm chân nhau, khiến U.19 Việt Nam chưa thể phát huy hết sức mạnh khi đá với hai tiền đạo.

Điều này có thể thấy được qua trận thua Nhật Bản và trận thua Myanmar ở Brunei. Vì thế, HLV Guillaume đang bỏ công để chỉ dạy chiến thuật, giúp Văn Toàn và Tuấn Tài có thể hỗ trợ nhau một cách tốt nhất.

Nếu Toàn - Tài phát huy hết vai trò của mình, thì hàng công của U.19 Việt Nam đủ sức để đe dọa khung thành đối phương. Bởi Toàn di chuyển rất rộng lôi kéo hàng thủ, còn Tuấn Tài có sức rướn và dứt điểm tốt sẽ tận dụng các cơ hội có được.

Nếu đá 4-4-2, U.19 Việt Nam cũng sẽ dễ dàng chuyển sang 4-3-3 trong trường hợp được ăn cả ngã về không. Lúc này, Minh Vương vào sân, đế Tuấn Anh chuyển sang tiền vệ phải. Công Phượng được đẩy lên phía trên, hình thành 3 mũi giáp công: Phượng - Tài - Toàn để giúp hàng công U.19 Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Dĩ nhiên, với sơ đồ nào, thì để thành công cũng cần có những con người thực hiện thành thạo nhất. Vì thế, ưu tiên lúc này của HLV Guillaume Graechen là giúp Văn Toàn - Tuấn Tài tìm được tiếng nói chung.

Quang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.