Lao động Việt Nam 'làm việc như nô lệ' trong ngành điện tử Malaysia

19/09/2014 10:50 GMT+7

(TNO) Gần 1/3 trong tổng số 350.000 lao động ngành điện tử Malaysia, trong đó có nhiều người Việt, đang phải làm việc trong điều kiện giống như 'nô lệ thời hiện đại', theo báo cáo của một tổ chức Mỹ công bố hôm 17.9.

(TNO) Gần 1/3 trong tổng số 350.000 lao động ngành điện tử Malaysia, trong đó có nhiều lao động người Việt, đang phải làm việc trong điều kiện giống như "nô lệ thời hiện đại", theo báo cáo của một tổ chức Mỹ công bố hôm 17.9.

>> Bí ẩn vụ 3 lao động Việt Nam mất tích tại Libya


Một góc thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia - Ảnh: AFP

Ít nhất 28% nhân công làm việc tại các nhà máy điện tử Malaysia, đặc biệt là những người nước ngoài nhập cư từ các quốc gia lân cận, đang dần bị biến thành nô lệ nước ngoài khi không thể trả nổi phí tuyển dụng cao vô lý, AFP dẫn báo cáo của tổ chức Verite (Mỹ).

Đây là tổ chức nghiên cứu về điều kiện làm việc của người lao động, theo AFP.

Verite cũng cho biết tổ chức này đã được chính phủ Mỹ giao cho thực hiện báo cáo trên vì Mỹ cấm nhập hàng hóa do những người bị cưỡng bức lao động tạo ra.

Tổ chức Mỹ đã phát hiện “một số lượng rất lớn các lao động nước ngoài bị cưỡng ép làm việc, cả nam lẫn nữ, trên toàn bộ các khu sản xuất điện tử lớn tại Malaysia” sau khi tiến hành phỏng vấn 501 công nhân điện tử tại quốc gia châu Á này.

“Kết quả này cho thấy đang tồn tại lao động cưỡng bức trong ngành điện tử Malaysia, và vấn đề không chỉ xảy ra ở vài trường hợp cá biệt, mà có thể được xem như tràn lan”, Verite cho biết.

Ngành sản xuất điện tử đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Malaysia và nước này là một nhà cung cấp lớn chất bán dẫn, linh kiện máy tính, hàng điện tử gia dụng, thiết bị liên lạc... cho thị trường thế giới.

Các nhà máy điện tử Malaysia cung cấp hàng hóa cho rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, sự thành công của ngành mũi nhọn này đến từ các nhân công nước ngoài, phần lớn là người Indonesia, Nepal, Việt Nam, ́n Độ, Bangladesh và Myanmar, theo báo cáo của Verite.  

Tổ chức Mỹ cho hay yếu tố chính trong chuyện bóc lột lao động nước ngoài này là khoản phí tuyển dụng mà người lao động phải trả.

Khoản phí này được tính cả ở quê nhà của nhân công và ở Malaysia và “thường vượt quá mức tiền lương một tháng theo các quy định và tiêu chuẩn hợp pháp”. 

Nhân công được tuyển dụng thường bị lừa phỉnh về điều kiện làm việc, mức lương và các điều khoản xin nghỉ việc.

Họ thường chật vật trong việc trả nợ và phải đối mặt với các khoản phí mới nếu nghỉ việc sớm, Verite cho hay.

Nhiều người cho biết họ bị ép làm ngoài giờ và có đến 38% nhân công nước ngoài cho biết họ bị buộc phải ngủ trong những căn phòng chật hẹp với hơn 8 người và bị cấm đi lại.

Có đến 94% lao động nước ngoài nói họ phải nộp hộ chiếu cho chủ, trong khi 71% cho biết họ không thể lấy lại hộ chiếu.

“Giữ hộ chiếu của chúng tôi thì cũng giống như là bắt làm nô lệ thời hiện đại rồi”, Verite dẫn lời một lao động đến từ Myanmar cho hay.

AFP cho biết đã không liên lạc được với quan chức chính phủ Malaysia và đại diện hiệp hội các nhà sản xuất lớn tại nước này để bình luận về báo cáo nói trên.

Hoàng Uy

>> Nga truy tố 6 người Việt ép đồng hương làm 'nô lệ lao động
>> Brazil phát hiện băng đảng buôn "nô lệ lao động
>> Địa ngục nô lệ ăn xin
>> Phát hiện 3 phụ nữ bị bắt làm nô lệ hơn 30 năm tại Anh
>> Thế giới có gần 30 triệu nô lệ
>> Thân phận 'nô lệ cần sa' người Việt ở Anh - Kỳ 1: Những 'bóng ma' bị chối bỏ
>> Thân phận 'nô lệ cần sa' người Việt ở Anh - Kỳ 2: Bị xích bằng sợi dây vô hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.