Chưa dám quy định người bị bắt có quyền giữ im lặng

24/09/2014 02:10 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thông tin như vậy khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “truy”: “Nếu không đảm bảo được nguyên tắc quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa và nguyên tắc tranh tụng tại tòa, thì có cho mở phiên tòa xét xử hay không”.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thông tin như vậy khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “truy”: “Nếu không đảm bảo được nguyên tắc quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa và nguyên tắc tranh tụng tại tòa, thì có cho mở phiên tòa xét xử hay không”.

 Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban TVQH - Ảnh: Ngọc Thắng

Sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận tiếp về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của luật Tổ chức TAND sửa đổi và luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi.

Góp ý đầu tiên về dự luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại đề nghị của Ủy ban Tư pháp trong phiên điều trần về chống bức cung, nhục hình gần đây, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về việc “bị can, bị cáo, người bị bắt giữ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư”, và đặt câu hỏi: “Trường hợp không đảm bảo được 2 nguyên tắc cơ bản là quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa của bị can và nguyên tắc tranh tụng tại tòa, thì tòa có được phép mở phiên xét xử hay không”.

Theo Chủ tịch QH, nguyên tắc xét xử tại tòa án là phải có tranh tụng. Nguyên tắc quan trọng khác là thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không chịu bất kỳ chỉ đạo nào. Vì nếu không đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tòa không thể là người bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng. Dẫn chứng vụ việc Chánh án TAND TP.Hà Nội có Quyết định 13 yêu cầu tất cả thẩm phán báo cáo nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính, Chủ tịch QH khẳng định việc làm này “vi phạm rất nặng” nguyên tắc xét xử của thẩm phán, của tòa án.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình khẳng định vấn đề tranh tụng sẽ được quy định nguyên tắc trong luật này, sau đó cụ thể hóa trong các luật về tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế.

Về tính độc lập của thẩm phán trong xét xử, theo ông Trương Hòa Bình, đây là nguyên tắc đã được hiến định và cụ thể hóa trong luật Tổ chức TAND sửa đổi. “Chúng tôi sẽ kiến nghị để có cơ chế pháp luật tiếp tục đảm bảo quyền này, tuy nhiên cũng có nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong xét xử, chúng tôi cũng sẽ chấp hành”, ông Trương Hòa Bình nói.

Liên quan đến xử lý Quyết định 13 của Chánh án TAND TP.Hà Nội, ông Trương Hòa Bình báo cáo TAND tối cao đang chỉ đạo kiểm tra, khi nào có kết luận sẽ báo cáo. Còn hiện tại, Chánh án TAND TP.Hà Nội đã rút quyết định này.

Còn tranh cãi về quyền im lặng

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình lý giải thêm: “Quyền im lặng của bị can, bị cáo là vấn đề lớn, thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, chúng tôi cũng còn lúng túng, cần có định hướng của Ủy ban TVQH về vấn đề này”. Lý do, theo ông Nguyễn Hòa Bình, cơ quan điều tra hoàn toàn không muốn quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo, trong khi phía luật sư thì rất muốn.

“Phải làm sao để khi bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không phát biểu, không khai, cho đến khi có luật sư. Còn trường hợp người ta đảm bảo tự bào chữa được thì người ta khai và chịu trách nhiệm về lời khai của mình trước tòa. Đây là một quyền rất lớn, nhưng hiện nay trong quá trình xây dựng dự thảo, đang có sự xung đột, ý kiến còn đang rất khác nhau cho nên chúng tôi không dám đưa quy định này vào”, ông Nguyễn Hòa Bình giãi bày.

Vấn đề khác là quy định thế nào về vai trò luật sư tại tòa để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện nay luật sư cho rằng chưa có sự công bằng giữa cơ quan tiến hành tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) với bên tham gia tố tụng là các luật sư. Trong quá trình sửa luật đã có báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp và Bộ Chính trị việc này, và đã có kết luận: mô hình tố tụng chúng ta là mô hình thẩm vấn, có kế thừa tinh hoa của tranh tụng. Vì vậy, bên buộc tội (cơ quan điều tra và cơ quan công tố) vẫn là cơ quan thay mặt nhà nước thực hiện quyền lực công để kết tội. Đó là lý do ban soạn thảo không đồng tình với phương án hai bên giữa luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng ngang bằng (thể hiện từ việc bố trí chỗ ngồi trong xét xử - PV).

“Về quyền tranh tụng, tôi không đồng ý cách giải thích của anh Bình (ông Nguyễn Hòa Bình - PV) rằng đây là đề nghị của luật sư, mà phải căn cứ quy định Hiến pháp 2013 để xác định quyền của luật sư, phải quy định để luật sư bào chữa ngay từ đầu. Người ta mới thu thập được chứng cứ, mới tìm hiểu được sự việc, nghe thân chủ, đi chứng minh, rồi đứng ra bào chữa được”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phản biện.

Chủ tịch QH nhấn mạnh nguyên tắc từ xưa tới nay, luật sư chỉ bào chữa, bác luận cứ buộc tội của viện kiểm sát và người quyết định là tòa án, nhân danh nhà nước pháp quyền, thay mặt quyền lực nhà nước tuyên án. “Có ai cho ông luật sư tuyên án đâu mà phải lo. Trước công lý, tất cả bình đẳng. Cho nên phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa, để có được tranh tụng tại tòa thì vai trò của luật sư phải được nhìn nhận thế nào. Phải rất suy nghĩ chỗ này. Nghị quyết Bộ Chính trị viết rất rõ: Căn cứ chủ yếu vào tranh tụng tại phiên tòa để quyết định bản án. Đó là nhiệm vụ của tòa án”, Chủ tịch QH nhắc nhở.

Số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử?

Nên đưa quy định “cứng” về tỷ lệ đại biểu nữ trong QH, HĐND các cấp để đảm bảo bình đẳng.

Đây là ý kiến nhận được nhiều sự đồng tình tại phiên thảo luận, cho ý kiến lần thứ 3 của Ủy ban TVQH tổ chức chiều qua 23.9 về dự án luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND.  

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ băn khoăn về nguyên tắc xác định người trúng cử. Theo điều 77 của dự thảo “trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử”. Bà Doan cho rằng quy định như vậy là thiếu bình đẳng. “Tại sao không đặt tiêu chí lựa chọn người có thành tích công tác, có sáng kiến sáng tạo? Trong bối cảnh chúng ta đang muốn trẻ hóa đội ngũ, nếu đưa quy định này ra e rằng sẽ có thắc mắc”, bà Doan nói. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội  “tha thiết đề nghị” cần đảm bảo công bằng về giới trong quá trình bầu cử. Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự luật chưa thể hiện được việc lồng ghép bình đẳng giới. Theo bà Ngân, ở nhiều quốc gia có quy định cụ thể về việc tỷ lệ mỗi giới trong QH không vượt quá 60% hoặc thấp hơn 40%. “Có những nước quy định tỷ lệ nếu có 20 bộ thì quy định tỷ lệ 10 bộ trưởng là nam, 10 bộ trưởng nữ”, bà Ngân nói.

Do đó, bà Ngân đề nghị nên có điều khoản “cứng” về việc tỷ lệ giới của đại biểu QH, đại biểu HĐND không được vượt quá 65% và điều này cần được thực hiện từ khâu hiệp thương.

Trường Sơn

Bảo Cầm

>> Quyền im lặng khi chưa có luật sư?
>> Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40%
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: 'Sờ vào đâu cũng lãng phí, thất thoát 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.