Sống chung với… nước ngập

26/09/2014 09:05 GMT+7

Dù đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn còn đến 88 điểm ngập, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Sống chung với… nước ngập
 Mưa ngập Đại lộ Bình Dương, đoạn qua P.Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) làm nhiều xe mô tô bị chết máy - Ảnh: Tuệ Phương

Dân kêu vì ngập

Tại Đại lộ Bình Dương, đoạn từ TP.Thủ Dầu Một về TX.Bến Cát mỗi khi xuất hiện những cơn mưa lớn thường bị ngập nước. Anh Lê Văn Cầu (ngụ thị trấn Mỹ Phước, TX.Bến Cát) cho biết: “Tôi đi làm trên TP.Thủ Dầu Một nên sáng đi chiều về nhà mỗi ngày. Khi gặp mưa lớn, Đại lộ Bình Dương có nhiều đoạn nước chảy xiết làm tắt máy, có khi còn bị ngã cả xe ra đường. Vì vậy, khi gặp mưa lớn, tôi phải nán lại TP.Thủ Dầu Một trú ẩn mà không dám về. Do đó, các ngành chức năng xem xét để khai thông cống rãnh, giúp thoát nước nhanh, để người dân yên tâm khi lưu thông trên tuyến đường này”.

Trong khi đó, địa bàn TX.Thuận An có đến 14 điểm ngập, trong đó những xã phường ven sông Sài Gòn thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi của người dân, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân. Bà Nguyễn Thị Kiều Vy (ngụ P.Thuận Giao, TX.Thuận An) nói: “Mỗi lần mưa lớn cả đoạn đường trước nhà ngập trong “biển nước”. Lượng nước mưa cao gần 1m, tràn vào nhà người dân 2 bên đường, đồng thời cản trở giao thông đi lại và đời sống sinh hoạt của người dân. Mưa lớn, các cửa hàng phải trên tuyến đường phải đóng cửa sợ nước tràn vào làm hư đồ”. Ông Hồ Quang Điệp, Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, với các điểm ngập cục bộ thuộc địa phương quản lý, UBND thị xã đã và đang tiến hành nạo vét, khai thông cống thoát nước, nâng cao độ mặt đường để giải quyết thoát nước tạm thời. Với những điểm ngập do các đơn vị đầu tư quản lý, UBND thị xã cũng đề nghị tiến hành xử lý các điểm ngập để bảo đảm an toàn, thuận tiện đi lại cho người dân trong mùa mưa bão.

Tương tự, tại TX.Tân Uyên, vùng đất khá cao của tỉnh cũng xuất hiện nhiều điểm ngập làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt chung.

Do tốc độ đô thị hóa

Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, dù đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng theo tính đến tháng 8.2014 trên địa bàn vẫn còn đến 88 điểm ngập. Các điểm ngập thường xảy ra cục bộ khi có mưa lớn và triều cường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. “Nguyên nhân dẫn đến ngập được xác định, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh làm giảm diện tích thoát nước và thấm tự nhiên. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (như cống thoát nước dọc, cống thoát nước ngang) chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của đô thị. Một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước, hoặc có nhưng khẩu độ quá nhỏ không bảo đảm thoát nước gây ngập. Ngoài ra, kinh phí phân bổ vốn đầu tư hệ thống thoát nước cho toàn đô thị chưa bảo đảm nguồn lực và kịp thời; công tác nạo vét, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước chưa thường xuyên…”, ông Tài cho biết.

 Sống chung với… nước ngập 2
Ngập cao tại P.Thuận Giao, TX.Thuận An - Ảnh: Tuệ Phương

Tại buổi giám sát các dự án thoát nước đô thị, xử lý các điểm ngập trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước lớn, trọng điểm phục vụ tiêu thoát nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chỉnh trang đô thị, tập trung giải quyết phần gốc của vấn đề là công tác quy hoạch thoát nước tổng thể, nhằm kiểm soát, giảm thiểu tối đa tình trạng ngập nước, góp phần phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh trong hiện tại và trương lai.

Trong năm 2014, Sở NN-PTNT được giao thực hiện 3 dự án thoát nước: hệ thống thoát nước Dĩ An - KCN Tân Đông Hiệp, hệ thống tiêu nước KCN Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận, trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn. Các công trình trên đã hoàn thành một số gói thầu và đang tiếp tục thi công các gói thầu còn lại. Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương cũng đang triển khai các dự án: cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, nạo vét Suối Chợ (Tân Uyên), hệ thống thoát nước bên ngoài các KCN An Tây, Mai Trung và Việt Hương 2, đấu nối thoát nước cho KCN An Tây, đầu tư xây dựng, cải tạo kênh Ba Bò.

Tuệ Phương

>> Làm gì để giảm ngập?
>> Tỉ đô vẫn khó thoát ngập
>> Ngập do quy hoạch không đồng bộ
>> Mưa lớn ngập tầng hầm chung cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.