Nhà sư thì không được chạm vào công nghệ?

28/09/2014 17:45 GMT+7

Một nhà sư vui vẻ hí hoáy với chiếc iPhone 6 có thể là một hình ảnh lạ mắt đối với nhiều người. Điều này sẽ rõ ràng hơn nếu mọi người có được một sự giải thích cụ thể rằng đó có phải là điều cấm kỵ trong giáo lý nhà Phật hay không, cho dù là nhà sư chỉ sờ hay mua sử dụng nó.

Một nhà sư vui vẻ hí hoáy với chiếc iPhone 6 có thể là một hình ảnh lạ mắt đối với nhiều người. Điều này sẽ rõ ràng hơn nếu mọi người có được một sự giải thích cụ thể rằng đó có phải là điều cấm kỵ trong giáo lý nhà Phật hay không, cho dù là nhà sư chỉ sờ hay mua sử dụng nó.


Xã hội ngày càng tiến bộ, các thiết bị công nghệ cao đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống - Ảnh minh họa: AFP

Mấy ngày qua các báo mạng, trang mạng xã hội lần lượt đưa tin và hình ảnh một nhà sư đang vui vẻ hí hoáy bên chiếc iPhone 6. Thông qua hình ảnh nhà sư đang “đập hộp” chiếc iPhone 6, dư luận có thể chỉ võ đoán rằng nhà sư này mua về sử dụng. Vì theo một trang báo mạng đưa tin là nhà sư này lý giải ông “chỉ sờ lấy lộc cho cửa hàng”.

Xem ra không chỉ có giới trẻ và người hâm mộ thiết bị công nghệ cao ở Việt Nam mới quan tâm đến phiên bản mới của chiếc iPhone. Mà ngay cả nhà sư cũng đã thể hiện sự quan tâm của mình với chiếc iPhone 6 vừa mới xuất hiện tại Việt Nam.

Xã hội đang càng ngày càng tiến bộ, các thiết bị công nghệ cao đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống. Việc người tu hành sử dụng thiết bị công nghệ cao, cụ thể là iPad hay iPhone, trong công tác truyền đạo thì thật ra vẫn còn là một hình ảnh gây nhiều tranh cãi trong văn hóa và xã hội Việt Nam.

Không ai phủ nhận rằng chiếc iPhone hay iPad rất hữu dụng trong việc thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng người xuất gia thì không nên màng đến vật chất, nhất là những vật chất có giá trị cao và thể hiện vẻ phô trương. Tôi không phải là Phật tử nên không rõ rằng việc nhà sư nếu sử dụng thiết bị công nghệ cao thì có phải là điều cấm kỵ hay không. Và nếu việc nhà sư chỉ “sờ” vào iPhone 6 cho lô hàng mới về của cửa hàng để lấy may thì có phải là nghi thức hay nghi lễ được phép trong nhà Phật hay không.

Giả sử rằng nhà sư này dùng tiền lao động của chính mình để mua chiếc iPhone 6 phục vụ trong việc truyền đạo thì thử hỏi các nhà sư lao động hay kinh doanh bằng cách nào để có được số tiền mua sắm iPhone 6. Vì theo quan sát của tôi, các nhà sư khi xuất gia thường không kinh doanh, có thể là chỉ lao động quanh chùa bằng việc trồng trọt rau củ quả. Với thu nhập từ lao động làm vườn, để có một số tiền dành dụm đủ mua chiếc iPhone 6 thì quả là một quá trình lao động và dành dụm rất lâu dài.

Câu hỏi cuối tôi muốn đặt ra, liệu nhà sư có được phép dùng số tiền cúng dường của các Phật tử để mua thiết bị công nghệ cao đắt tiền hay không và các Phật tử nghĩ gì nếu biết được tiền cúng dường của mình được dùng để mua những thứ xa xỉ như vậy? Nếu nhà sư dùng tiền cúng dường để mua điện thoại đắt tiền phục vụ cho việc truyền đạo thì có được phép không và điều gì chắc chắn rằng nhà sư chỉ dùng nó trong việc truyền đạo.

Rất nhiều câu hỏi chưa được sáng tỏ đã khiến nhiều người "dị ứng" với việc như trên. Theo cá nhân tôi thiết nghĩ nếu minh bạch việc mua và dùng điện thoại nói riêng và các sản phẩm xa xỉ nói chung, việc nhà sư dùng gì sẽ không còn làm dư luận "dậy sóng".

Tidoo Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Những điều "cấm kỵ" khi đón năm mới ở Trung Quốc
>> Những cái tên "cấm kỵ" của người Do Thái
>> Vứt bỏ cấm kỵ
>> Mạng xã hội không tạo ra sự đa dạng về quan điểm
>> Góc riêng giữa mạng xã hội
>> Lấy ý kiến thanh niên qua mạng xã hội
>> Ứng phó scandal mạng xã hội  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.