>> Hội An cổ sự: Duyên tình nàng công nữ
|
Gặp tiền nhân ở phố Hội
Đứng trước mộ của 3 thương nhân Nhật Bản ngoài vùng ven Hội An, kiến trúc sư Ando Katshuhiro không cầm được nước mắt. Chàng tình nguyện viên trẻ của Tổ chức JICA Nhật Bản tham gia dự án trùng tu nhà cổ Hội An từ nhiều năm. Từng gặp anh cùng nhóm bạn trẻ Hội An thiết kế chương trình “Let’s act for Hoi An environment” (Hành động vì môi trường Hội An) hồi tháng 6.2005, trong ký ức chúng tôi Ando là mẫu người hoạt bát. Giờ thì Ando đã rời phố Hội, chắc hẳn mang theo nhiều kỷ niệm đẹp về tình người xứ Quảng...
Ando cũng giống như nhiều du khách Nhật khác khi đến viếng mộ đã xúc động trước cảnh tiền nhân được bảo bọc trong vòng tay người bản xứ. Ba mộ cổ xây hồi thế kỷ 17 còn tương đối nguyên vẹn. Ở P.Cẩm Châu, nơi yên nghỉ của Tani Yajirobei và Banjiro được lập trong các năm 1647, 1665; mộ Gu Sikukun ở P.Tân An lập năm 1689. Đến năm 1928, Giáo sư Kurita Katsumi đề xuất tu sửa và cộng đồng người Nhật sống tại Đông Dương nhất trí đề nghị một người tên là Nakayama phụ trách giám sát. Trong các năm 1997, 2000, 2003, những phần mộ này tiếp tục được TP.Hội An tu sửa.
Bức ảnh lễ cầu siêu của đoàn đại biểu Phật giáo Nhật Bản hồi năm 1991 được lưu giữ như một tư liệu quý tại Hội An. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An, cho biết một trong những “kỷ vật” của lần cầu siêu duy nhất ấy là trụ gỗ có khắc chữ Nhật, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Hội An. Từ năm 1985, đơn vị của ông Trung đã khởi động nghiên cứu về thương mại ở Hội An, tiếp cận thông tin của thương nhân Nhật. Quá trình khảo sát gặp nhiều thuận lợi không chỉ do hồ sơ di tích đầy đủ, phía Nhật Bản tôn tạo hàng chục năm trước mà hiện trạng mộ phần được giữ nguyên vẹn nhờ tấm lòng thơm thảo của cư dân vùng ven Hội An thầm lặng chăm sóc...
Chứng tích giao thương
Chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng rời bến cảng Hội An vào năm 1637 đưa Nhật kiều hồi hương theo sau lệnh của Mạc phủ, nhưng vẫn có một người Nhật nặng tình đã ở lại và đúng 10 năm sau vĩnh viễn yên nghỉ giữa đồng lúa xanh ngắt. Cứ đến mùa cúng cơm mới, nông dân làng Trường Lệ đều đặn thành kính dâng cúng 2 chén cơm trước mộ Yajirobei...
Hậu thế hình dung về một cuộc tình rất đẹp từ các tấm bia khắc 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp đặt gần ngôi mộ Tani Yajirobei, thương nhân quê ở Hirado gần Nagasaki. Bia viết: “Do Nhật hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại, ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Mộ ông hướng về phía đông bắc, quê hương ông. Di tích này là bằng chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa thương nhân Nhật với cư dân Hội An vào giai đoạn thương cảng Hội An phát triển sầm uất đầu thế kỷ 17”.
Những chiếc châu ấn thuyền Nhật Bản đã đưa thương nhân thuộc dòng họ nổi tiếng như Simunokura, Chaya, Sueyoshi, Funamoto, Kiya, Suetsugu, Nishi, Araki, Hirano, Hashimato... đến Hội An kinh doanh, lưu trú. Dần dà, họ gắn kết hôn nhân với người Việt hoặc Hoa, được triều đình cho lập hẳn phố riêng để buôn bán. Viện Nghiên cứu quốc tế - Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã thống kê được 71 chiếc thuyền đóng ấn son của Mạc phủ cập bến Hội An, kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong đặt quan hệ với Tokugawa - Nhật Bản (năm 1601) cho đến lúc Mạc phủ Tokugawa ra lệnh bế môn tỏa cảng (năm 1635). Trên một chiếc thuyền nào đó, Tani Yajirobei, Banjiro và Gu Sikukun cũng dừng chân ở Hội An, rồi mãi mãi nằm lại như một định mệnh.
Nhiều lần đưa các đoàn Nhật đi viếng mộ, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cảm nhận được sự nồng ấm từ phía bạn. “Họ ca tụng một đất nước đã đối xử với người Nhật ân cần. Ngày trước xây mộ, ngày nay đều đặn hương khói. Chính hành động ấy của người dân Hội An đã tạo niềm tin yêu, cảm mến nơi các bạn Nhật và càng củng cố thêm mối bang giao”, ông Giảng nói. Cuối tháng 10.2014 này, khi lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần đầu tiên tổ chức bên ngoài TP.Hội An, ông Giảng hy vọng 50 sứ giả văn hóa của phố cổ sẽ mang đến TP.Sakai nguyên vẹn niềm tin yêu ấy.
Không chỉ riêng người Nhật nằm lại xứ người, cũng đã có một cô gái Việt gửi thân xác ở đất nước Phù Tang. Chuyện tình của bà đã hóa thân vào lễ hội dân gian và làm nguồn cảm hứng để TP.Hội An cân nhắc đặt tên cho một tuyến đường khắc sâu mối bang giao Việt - Nhật.
Đạo lý của người Việt Nhắc đến mộ thương nhân Nhật ở Hội An, du khách nhớ ngay đến những nông dân chất phác đã mấy mươi năm chăm sóc. Đó là gia đình các ông Nguyễn Văn Nước, Trần Văn Hà, Đinh Văn Chất… Họ xem những thương nhân Nhật như người thân trong dòng tộc, và chuyện hương khói là điều nên làm đúng với đạo lý của người Việt. Địa chỉ 3 mộ cổ được thiết kế trong chương trình tham quan ở Hội An, nên những hộ nông dân này cũng quen dần với việc tiếp khách phương xa. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Tạp chí Mỹ ca ngợi món cao lầu Hội An
>> Hội An xếp thứ 4 trong các thành phố kênh đào nổi tiếng thế giới
>> Ngày văn hóa Nhật Bản tại Hội An
Bình luận (0)