|
Pham hiện ở trong khu cách ly ngay tại bệnh viện nơi cô làm việc và cũng là nơi cô bị lây nhiễm Ebola, theo tờ New York Times (Mỹ).
Cô thảo luận kế hoạch điều trị cho mình với các bác sĩ và giữ liên lạc với bạn bè, người thân qua tin nhắn và email, New York Times dẫn lời một người bạn của Pham cho hay.
“Cô ấy tự tin và chỉ đang nghỉ ngơi. Cô ấy không để cho truyền thông và tất cả mọi thứ làm mình rối. Cô ấy đang dành chút thời gian cho riêng mình, để có thể đọc sách và nghỉ ngơi”, Jennifer Joseph, người vừa là bạn vừa là đồng nghiệp của Pham, cho biết.
Bà Josheph cũng miêu tả Pham là một y tá chu đáo và kỹ lưỡng, luôn kiểm tra hai lần công việc của mình và dường như không bao giờ để phạm sai lầm.
Điều này càng làm tăng bí ẩn về việc tại sao một y tá được mặc đồ phòng hộ với găng tay, mặt nạ và những dụng cụ bảo vệ khác lại có thể bị nhiễm từ một bệnh nhân Ebola, New York Times bình luận.
Pham là bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên ngay trên đất Mỹ và vụ việc phát sinh do một “lỗ hổng về quy trình” chưa xác định được trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan khi bệnh nhân Ebola này quay trở lại bệnh viện lần thứ 2, theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Ông Duncan đến từ Liberia - một quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành - sang Dallas vào hôm 20.9 để thăm gia đình và mắc bệnh vài ngày sau đó. Ông được đưa đến bệnh viện cách ly kể từ ngày 28.9 và tử vong vào hôm 8.10.
Tuy nhiên, Giám đốc CDC Tom Frieden vào ngày 13.10 khẳng định ông không hề có ý đổ lỗi cho y tá bị lây nhiễm.
“Đây là một người rất dũng cảm đã tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm khi làm những việc tốt đẹp cho xã hội và giờ cô ấy bị bệnh”, ông Frieden nói.
Các quan chức y tế địa phương cho biết Pham bị sốt nhẹ vào tối hôm 10.10 (giờ địa phương) và đã tự lái xe đi cấp cứu tại bệnh viện mình đang làm việc. Cô được cách ly 90 phút sau đó.
Bà Lisa Albert, một phát ngôn viên của Trường đại học Thiên chúa giáo Texas, cho hay Nina Pham, 26 tuổi, tốt nghiệp cử nhân chương trình điều dưỡng tại trường năm 2010.
Chương trình đào tạo kéo dài 4 năm này được tổ chức nhằm huấn luyện cho các y tá làm việc như “cầu nối giữa bác sĩ, bệnh nhân và các thành viên khác của đội ngũ y tế”, theo thông báo trên trang web của trường.
Làm việc với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không nằm trong chương trình học chính của trường hay các khóa học tiêu chuẩn mà trường đưa ra cho học sinh, Trường đại học Thiên chúa giáo Texas cho biết.
|
Gần như không có thông tin gì về công việc của Pham trước khi Duncan nhập viện, cũng như nữ y tá gốc Việt chịu trách nhiệm gì trong việc chăm sóc cho bệnh nhân Ebola này, theo NBC News.
Pham sống chung với một chú chó nhỏ trong một khu chung cư ở miền bắc Dallas.
Vào hôm 12.10, tờ Dallas Morning News dẫn lời bạn bè Pham miêu tả cô là một y tá nhiệt tình và rất quan tâm đến người khác.
NBC cho biết tình trạng sức khỏe của Pham vẫn ổn định vào hôm 12.10. Con chó sống chung với cô cũng đang được chăm sóc đặc biệt, các quan chức y tế Mỹ cho biết hôm 13.10.
Hoàng Uy
>> Người gốc Việt nhiễm Ebola ở Mỹ
>> Nhà khoa học Thái Lan khẳng định tìm ra kháng thể chống Ebola
>> Tổng thống Mỹ ra lệnh điều tra về hai ca nhiễm Ebola
>> Mỹ có thêm ca thứ hai nhiễm Ebola
>> Chạy đua tìm vắc xin ngừa Ebola
Bình luận (0)