Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng (20.10.1914 - 20.10.2014): Theo đuổi lý tưởng cao đẹp

17/10/2014 05:00 GMT+7

“Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chính tuổi trẻ đã tạo dựng con đường cho các thế hệ của mình đi vào lịch sử”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng (20.10.1914 - 20.10.2014): Theo đuổi lý tưởng cao đẹp
Anh Nguyễn Đắc Vinh trao đổi với thanh niên về tấm gương anh Lý Tự Trọng tại hội thảo - Ảnh: Phan Hậu

Đó là chia sẻ của PGS-TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tại hội thảo khoa học chủ đề: Tinh thần Lý Tự Trọng và con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới, do T.Ư Đoàn chủ trì tổ chức ngày 16.10 diễn ra trực tuyến ở 3 điểm cầu: Hà Nội, Hà Tĩnh và TP.HCM.

Chân lý trường tồn

PGS-TS Hà Minh Hồng dẫn chứng: Lý Tự Trọng là ngọn lửa soi đường cho thanh niên sau này. Đó là Võ Thị Sáu, tuổi 19 kiên trung không cần bịt mắt để được ngắm nhìn non sông quê hương đất nước trong giờ phút tử hình khiến quân thù khiếp sợ. Đó là Nguyễn Thái Bình dõng dạc đọc diễn văn “Nợ máu” trong lễ tốt nghiệp ngay giữa lòng nước Mỹ kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng, ủng hộ chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi nhân đạo và tàn bạo ở VN. Đó là lớp lớp thế hệ thanh niên VN sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

“Ở thời đại hôm nay, tuyên ngôn của Lý Tự Trọng vẫn chứng minh được giá trị, sức sống trường tồn và đang sản sinh ra những thế hệ thanh niên đam mê khám phá, chinh phục khoa học kỹ thuật, đưa đất nước chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu”, PGS-TS Hà Minh Hồng nói.

Đó cũng là quan điểm của TS Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa giáo dục tổng hợp thanh thiếu nhi T.Ư Đoàn, khi cho rằng thế hệ thanh niên thời Lý Tự Trọng phải tự đi tìm con đường cách mạng, lý tưởng để noi theo. Con đường ấy là độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được Lý Tự Trọng và các thế hệ tiền bối dựng lên cho thanh niên ngày nay đi theo rèn luyện, phấn đấu.

Ông Miều cho rằng, nhìn vào hai sự kiện gần đây là đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng biển VN, để thấy rằng thanh niên VN không quay lưng với lịch sử, thờ ơ trước vận mệnh dân tộc. “Thanh niên luôn nhận diện và quý trọng nhân cách cao đẹp, sẵn sàng đoàn kết để bảo vệ Tổ quốc”, ông Miều nói.

Khích lệ thanh niên làm giàu

Đại diện trí thức trẻ, bạn Phạm Thị Hường (Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) cho rằng thanh niên ngày nay học tập ở anh Lý Tự Trọng về phẩm chất dũng cảm, gan dạ sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, theo đuổi lý tưởng sống cao đẹp. Trọng trách lớn nhất của thanh niên là học tập, nâng cao trình độ, nắm bắt tri thức mới của nhân loại, cùng xây dựng đất nước hùng mạnh là việc làm ý nghĩa nhất.

Chia sẻ suy nghĩ về lý tưởng thanh niên ngày nay, noi gương anh Lý Tự Trọng, Thạch Quý Long (sinh viên Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở phía nam) cho rằng bên cạnh việc xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời đại mới, Đoàn cần tạo diễn đàn cho thanh niên nói lên tiếng nói phản biện, trăn trở về những khó khăn trong đời sống, làm cầu nối giúp thanh niên tiếp cận tri thức mới, định hướng và lan tỏa hành vi đẹp.

Chia sẻ tại hội thảo, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho rằng từ suy nghĩ và nhận thức của thanh niên có thể khẳng định tinh thần Lý Tự Trọng vẫn còn nguyên giá trị, đang là động lực cổ vũ thanh niên VN vững tin theo con đường cách mạng mà thế hệ cha ông đã lựa chọn. “Thế hệ thanh niên VN hôm nay có trách nhiệm nối tiếp truyền thống yêu nước, thắp sáng lý tưởng cách mạng và tích cực góp sức bằng hành động cách mạng cụ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, anh Vinh bày tỏ.

Không thỏa hiệp với tham nhũng

Ở tấm gương Lý Tự Trọng là lòng tự trọng rất cao. Thanh niên ngày nay nên học tập phẩm chất này, phải học cách sống trung thực, không vun vén, tư lợi cho cá nhân, không thỏa hiệp với tham nhũng. Cá nhân mỗi thanh niên tự thân tìm tòi sáng tạo trong học tập, lao động, khiêm tốn học hỏi, tránh xa thói kiêu ngạo, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, tự rèn luyện mình không để bản thân hoang mang, dao động trong mọi tình huống.

Vũ Mão
(Nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn)

Ý kiến

“Mỗi thanh niên dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng cần lựa chọn, xác định và kiên định cho mình lý tưởng sống... Tấm gương của anh Lý Tự Trọng luôn dẫn dắt, thúc giục tuổi trẻ thành phố hình thành những lớp đoàn viên đến với những khóa bồi dưỡng tại ngôi trường mang tên Anh, đó là Trường Đoàn Lý Tự Trọng”.

Ông Nguyễn Văn Đua
(Nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM)

“Đối với tuổi trẻ, việc vun bồi khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng cần được khích lệ, được giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi. Để có được bản lĩnh, tuổi trẻ cần có trình độ, năng lực và điều quan trọng là phải học, phải rèn thông qua hoạt động thực tiễn và có được môi trường để được thử thách, trưởng thành chứ không phải là cách học kiểu nhồi nhét. Vấn đề đặt ra là phải đổi mới cách giáo dục của nhà trường, vừa cung cấp kiến thức dùng được, vừa mở ra chân trời mơ ước, để tuổi trẻ sáng tạo”.

Bà Phạm Phương Thảo
(Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM)

Lê Thanh
 (ghi)

Phan Hậu

>> Kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh Lý Tự Trọng (20.10.1914 - 20.10.2014): Viết tiếp con đường cách mạng
>> Phát động các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng

>> Nhiều hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày sinh Lý Tự Trọng 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.