|
Tại Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư diễn ra trong hai ngày 16 - 17.10 ở Hà Nội, số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy mỗi năm trên thế giới có khoảng 12,7 triệu người mắc mới và trên 7,6 triệu người chết vì bệnh ung thư. Riêng ở VN mỗi năm có 150.000 người mắc mới và trên 75.000 người chết. Nghĩa là cứ một ngày trôi qua thì chúng ta mất đi hơn 208 người, mỗi giờ trôi qua chúng ta mất gần 9 người vì căn bệnh ác tính này.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho biết nhiều loại ung thư đã tăng 2 - 4 lần so với 10 năm trước. Điều đáng nói là có đến khoảng 50% người mắc bệnh ở VN không điều trị kịp thời, trong đó phần nhiều do hoàn cảnh khó khăn.
Mới lập gia đình đã ung thư
|
Bác sĩ (BS) Lê Thanh Đức, Trưởng khoa nội 5 của Bệnh viện (BV) K T.Ư (Hà Nội), đánh giá: “Trước đây, một số bệnh ung thư ít gặp ở người trẻ như ung thư vú thì nay đã gặp nhiều hơn. Khái niệm trẻ hóa với loại ung thư ở người lớn là các trường hợp mắc trước 35 tuổi, nếu mắc ung thư trước 30 được coi là rất trẻ”.
Tại Khoa nội 5 đang điều trị một số ca ung thư vú ở phụ nữ trẻ. Bệnh nhân Phan Thị H., 32 tuổi, làm nghề may ở TX.Sơn Tây, Hà Nội, cho biết đầu năm 2014, giai đoạn đang cho con bú thì chị phát hiện có khối u bên ngực trái. Chị đi khám tại BV K T.Ư và được chẩn đoán là ung thư vú. Khối u lúc này đã phát triển to, kích thước 5 x 7 cm. Trong gia đình chị H. có ông nội từng mắc và chết do ung thư. Còn bệnh nhân Nguyễn Thu A. (35 tuổi, ở Hải Phòng) kể: “3 tháng trước khi nhập viện tôi phát hiện ở ngực phải có khối u bé bằng hạt đỗ. Đi khám tại BV địa phương, BS hút dịch xét nghiệm, sau đó kết luận lành tính và cho uống thuốc điều trị, theo dõi sau 3 tháng khám lại. Nhưng chỉ 2 tháng sau khi khám đã xuất hiện khối u thứ hai cạnh khối u trước, kích thước to hơn nên lập tức lên BV K khám”. Các xét nghiệm chẩn đoán tại BV K đã xác định chị A. mắc ung thư vú. “Gia đình, người thân không có ai mắc ung thư, nhưng có lẽ do tôi làm ruộng, nhiều năm tham gia phun thuốc trừ sâu nên bị ung thư do nhiễm hóa chất lâu ngày”, chị A. lo lắng.
BS Đức cho rằng khoảng 10 - 15 năm trước, mỗi năm chỉ gặp 2 - 3 ca ung thư vú ở lứa tuổi 30 - 35, nhưng thời gian gần đây tăng lên khoảng 20 ca/năm, có những trường hợp trước 25 tuổi. “Chúng tôi đã gặp bệnh nhân nữ ung thư vú mới 22 tuổi, vừa lập gia đình. Trước khi được phát hiện, bệnh nhân có điều kiện sống, làm việc bình thường. Ung thư vú ở người trẻ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống do phải trì hoãn sinh nở, ảnh hưởng sức lao động, do đó họ cũng bị tác động tâm lý nặng nề hơn”, BS Đức nói.
Tại BV K T.Ư, ung thư cổ tử cung cũng đã gặp ở phụ nữ trẻ hơn. Nếu trước đây thường gặp sau 45 tuổi thì nay đã gặp ở những người ở tuổi 40, thậm chí có trường hợp trước 30 tuổi. Ung thư lưỡi là thể ít gặp và bệnh nhân thường trung tuổi, nhưng những năm gần đây đã gặp nhiều ở người trẻ tuổi và số ca mắc cũng gia tăng. Đáng lưu ý, nếu trước đây ung thư lưỡi thấy có liên quan yếu tố nguy cơ cao như ăn trầu lâu năm, thì trên các bệnh nhân trẻ gần đây không thấy yếu tố này.
Tại TP.HCM, nghiên cứu của BV Ung bướu TP trong 5 năm trở lại đây cũng cho thấy ở nhóm tuổi 25 - 34 ung thư tuyến giáp là một trong những loại gặp nhiều ở cả hai giới. Cũng trong nhóm tuổi này, ung thư đại trực tràng, ung thư gan bắt đầu xuất hiện ở nam; ung thư vú là bệnh gặp nhiều nhất ở nữ. Từ 35 tuổi, ung thư vú tăng nhanh ở nữ và đạt mức cao nhất ở nhóm 55 - 59 tuổi, sau đó giảm dần; ung thư cổ tử cung cũng tăng nhanh từ tuổi 35 trở đi và đạt mức cao nhất từ 60 - 64 tuổi, sau đó giảm dần. Còn đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan (ở cả hai giới) thì thường tăng nhanh từ tuổi 40 về sau.
Vú, phổi, gan, dạ dày... đều không thoát
Nghiên cứu của BV Ung bướu TP.HCM cho thấy, 5 bệnh ung thư gặp hàng đầu ở nữ là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp; còn 5 bệnh ung thư gặp nhiều ở nam là phổi, gan, đại trực tràng, dạ dày và vòm hầu.
Trong số 15.232 trường hợp ung thư ở nam giới được khảo sát cho thấy 5 loại ung thư gặp nhiều đã chiếm hơn 57% tổng các loại ung thư; còn trong số 17.894 trường hợp ung thư ở nữ thì 5 loại ung thư gặp nhiều chiếm gần 62%.
Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, tính chung cả nước hiện nay, ung thư gặp nhiều ở nữ vẫn là vú và cổ tử cung; còn ở nam chiếm hàng đầu vẫn là gan và phổi. BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, thì cho rằng tại VN ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai trong số các loại ung thư về phụ khoa, mỗi năm có khoảng 5.100 ca mắc mới với 2.400 phụ nữ tử vong...
“Ung thư vú đã gặp nhiều hơn ở phụ nữ trẻ, mặc dù bệnh nhân ở tuổi trung niên vẫn chiếm đa số. Bên cạnh các yếu tố như sinh nở sớm hoặc quá muộn, có kinh sớm, không cho con bú, thì xu hướng ăn nhiều chất béo, tình trạng béo phì cũng liên quan đến ung thư vú”, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN, nói.
Theo các BS, nhiều trường hợp ung thư diễn biến thầm lặng, khó phát hiện như ung thư gan, phổi... Vì vậy, việc khám, tầm soát bệnh định kỳ sẽ giúp phát hiện rất nhiều trường hợp bệnh. “Nếu nói về tầm soát ung thư nói chung, thì mốc lứa tuổi cần chú ý tầm soát là từ 40 tuổi trở đi. Ngoài 50 tuổi, với phái nam thì lưu ý về tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, với những người mà trong gia đình có bố, mẹ, hoặc anh, chị, em mắc ung thư thì nên tầm soát từ khi 30 - 35 tuổi. Với ung thư vú, dễ tầm soát qua khám và siêu âm hay chụp nhũ ảnh. Chị em mỗi lần tắm, hay chăm sóc bầu ngực qua sờ nắn cũng có thể phát hiện khối u bất thường ở vú, khi đó cần đi khám ngay”, BS Phạm Xuân Dũng khuyên.
Trước xu hướng các bệnh nhân mắc ung thư vú đang ở lứa tuổi trẻ hơn, khuyến cáo khám sàng lọc cũng được thay đổi. Trước đây, các BS khuyến cáo phụ nữ từ 30 tuổi nên thường xuyên tự khám để phát hiện sớm ung thư vú, nhưng hiện nay khuyến cáo này đã hướng đến phụ nữ trẻ hơn 5 năm, tức từ sau 25 tuổi nên quan tâm khám, sàng lọc ung thư vú.
Còn với ung thư thường gặp khác là cổ tử cung, theo BS Lê Quang Thanh, việc xét nghiệm tầm soát bệnh không phức tạp. Sàng lọc thường quy lâu nay là dùng xét nghiệm PAP, dùng một que gòn phết lên cổ tử cung lấy dịch rồi phết lên lam kính để tìm bệnh. Bên cạnh đó còn có thêm xét nghiệm HPV DNA, khi thấy bất thường sẽ tiếp tục soi cổ tử cung.
BS Dũng khuyến cáo, khi có một trong số các triệu chứng báo động sau đây cần đến BV có chuyên khoa ung thư để được tư vấn và thăm khám: có sự thay đổi thói quen của ruột và bọng đái; có một chỗ bị lở loét mà không lành; chảy máu hoặc tiết dịch (ứa nước, ứa chất nhờn hoặc máu) bất thường; phát hiện một chỗ dày lên hoặc một cục u ở vú hoặc ở nơi nào đó trong cơ thể; đột nhiên ăn uống không tiêu hoặc nuốt khó; ho dai dẳng hoặc khàn tiếng kéo dài; tại cổ tử cung có những biểu hiện như chồi, sùi, loét, dễ chảy máu, tiết dịch hôi...
Khói thuốc lá liên quan 15 loại ung thư Theo BS Phạm Xuân Dũng, nhiều người hay nghĩ bệnh ung thư là do gien, do số phận hoặc do không may mắn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho thấy, nguy cơ mắc bệnh ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, thói quen sống... Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cần tránh hút thuốc lá, bữa ăn cân bằng, ít thịt đỏ, ăn ít mỡ động vật, dùng nhiều trái cây và rau tươi, tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý, tránh béo phì, giảm thức uống có cồn, tránh để nhiễm trùng (như vi rút viêm gan B, vi rút HPV...). Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng cũng nhấn mạnh ung thư phổi có xu hướng tăng do liên quan đến thói quen hút thuốc lá. “Khói thuốc lá là nguy hiểm nhất trong các tác nhân gây ung thư, bởi nó liên quan đến 15 loại ung thư thường gặp”, ông nói. BS Lê Quang Thanh, việc lây nhiễm vi rút có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung (vi rút HPV) là do tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm, và có nhiều bạn tình (nam giới cũng có thể bị nhiễm vi rút này). Ngoài đường tình dục thì vi rút HPV còn lây qua các đường khác như qua dụng cụ trong điều trị, đồ lót, em bé hít phải dịch tiết có HPV từ mẹ khi sinh... |
Thanh Tùng - Liên Châu
>> Nhiều phụ nữ trẻ 'mù mờ' về ung thư phụ khoa
>> Tại sao ung thư nhiều đến vậy?
>> Ngừa ung thư ở nam giới
>> Những loại ung thư thường gặp
Bình luận (0)