>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 21: Mộ Bà Vua trong rừng cấm
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 20: Truyền thuyết Thiên Thai tự
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 19: Bí ẩn núi Tam Tòa
|
Tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi Cây Xay, tách biệt với khu dân cư, dù đường lên là dốc núi cao nhưng vẫn có rất nhiều người tìm đến chùa vãn cảnh, lễ Phật. Người dân trong vùng kể rằng, từ đời xa xưa, có nhà phong thủy đến Hy Tường, trông thấy núi Cây Xay thì nói rằng đấy là núi Đầu Rồng và chùa Thắng Quang tọa lạc trên lưỡi rồng, cạnh một hồ nước có tên là Long Thiệt (hồ Lưỡi Rồng). Nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi tên núi Cây Xay, vì ở đó mọc toàn cây xay và chùa Thắng Quang cũng được gọi là chùa Cây Xay.
Theo thượng tọa Thích Hạnh Thiện (77 tuổi), trụ trì chùa Thắng Quang từ năm 1976 - 2013, chùa được thành lập năm 1692 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Thời đó, người dân thường lên núi Cây Xay đốn củi, lấy nước... Bỗng một ngày có hai mẹ con cọp trắng xuất hiện, ở trong một hang đá sát hồ Long Thiệt. Từ đó, người dân trong vùng không ai dám đến hồ lấy nước, dù hạn hán khủng khiếp. Một đêm, có nhà sư chẳng biết từ đâu tới, đi thẳng lên núi, dân làng gọi lại cũng mặc kệ. Sau đêm đó trở đi, người làng thấy ở hồ Long Thiệt có ánh đèn, vài ngày sau lại thấy nhà sư phát dọn quanh hồ. Nhiều người kéo nhau lên núi xem thực hư thì nhà sư cho biết đã thu phục được hai con cọp, chúng không còn hại người và khuyên dân làng cứ lên núi bình thường.
Cảm cái ơn đó, dân làng Hy Tường xin cất chùa gần hồ cho nhà sư ở lại tu hành, khai hóa Phật pháp, giúp dân làng thu phục thú dữ. Nhà sư đồng ý nhưng chỉ khuyên mọi người xây một cái am nhỏ để không tốn tiền của, công sức. Dân làng rủ nhau vào núi đốn gỗ, cắt tranh dựng am. Khi dựng xong, các bô lão trong làng xin nhà sư cho biết pháp hiệu và đặt tên am, thì sư thản nhiên bảo: “Đây là linh địa, tôi không có duyên với núi này. Cũng vì nghiệt súc tới đây tác oai tác quái mà phải theo chúng tới đây. Chờ đến bao giờ hóa độ chúng xong thì tôi lập tức trở về núi cũ. Sau này sẽ có một vị Thiện trí thức đến khai sơn thì nơi này sẽ trở thành bảo sở. Vì vậy không cần thiết phải biết tên tuổi của tôi mà mọi người nên lo tu hành để gieo nhân lành”.
Khoảng 25 sau, năm 1717, khi dân làng rủ nhau lên núi thăm nhà sư thì thấy hai con cọp đã chết từ bao giờ, nhà sư cũng đi đâu mất. Dân Hy Tường bèn xây một ngôi tháp vọng bên hữu am để hằng ngày thắp hương tưởng niệm nhà sư. Họ cũng lấp kín miệng hang để bảo toàn thi thể hai con cọp. “Sau này, khi trùng tu lại chùa, người ta phá hang lấy hai bộ xương cọp đặt vào hai chiếc hộp gỗ đem vào một khám thờ, gọi là am Bạch Hổ. Thời gian rất lâu sau đó, hai bộ xương cốt này đã bị hỏng dần và bây giờ thì không còn nữa”, thượng tọa Thích Hạnh Thiện cho biết.
Chối mệnh vua để trùng tu chùa
Thượng tọa Thích Hạnh Thiện kể tiếp, hai tháng sau khi nhà sư ra đi một cách bí ẩn, hòa thượng Minh Giác Kỳ Phương, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà ở An Nhơn trên đường vân du nghe chuyện lạ ở núi Cây Xay nên đến xem. Dân làng Hy Tường đón hòa thượng Minh Giác lên núi, kể lại chuyện cũ và thỉnh cầu hòa thượng đứng ra khai sơn chùa. Hòa thượng nhận lời và tổ chức lễ khai sơn, đặt tên chùa là Thắng Quang.
Theo nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, kể từ hòa thượng Minh Giác đến nay, chùa Thắng Quang đã trải qua 14 đời trụ trì. Trong đó, trụ trì có công trùng kiến là hòa thượng Bảo Tạng (1822 - 1842), trụ trì có công quảng tác Phật sự là hòa thượng Hoằng Hóa (1876 - 1913) và trụ trì có công trùng tu là hòa thượng Khánh Quý (1923 - 1943). Chùa được vua Bảo Đại ban “Sắc tứ Thắng Quang tự” vào năm 1940.
Trụ trì đời thứ 5, hòa thượng Bảo Tạng, có tục danh là Ngô Văn Thụy (người thôn An Hội, xã Hoài Sơn, H.Hoài Nhơn). Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Phước Lâm (Đà Nẵng). Năm 32 tuổi, trong lần về thăm quê ngang qua chùa Thắng Quang, nhìn cảnh chùa hoang tàn sau cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, lại được dân làng Hy Tường tha thiết mời, hòa thượng phát tâm trùng kiến chùa. Sau khi về chùa Phước Lâm xin phép thầy, hòa thượng Bảo Tạng trở lại chùa Thắng Quang vận động trùng tu. Tháng 8.1830, Bộ Lễ triều Nguyễn tuân chỉ dụ vua Minh Mạng cử hòa thượng Bảo Tạng làm trụ trì chùa Phước Lâm thay trụ trì trước đã già yếu. Tuy nhiên, hòa thượng Bảo Tạng khẩn khoản xin triều đình cho phép mình được về trùng tu chùa Thắng Quang. Ý nguyện của hòa thượng được triều đình phê chuẩn. Chùa Thắng Quang được xây dựng chánh điện, nhà đông, nhà tây... trong suốt thời gian từ 1836 -1841.
Chuông cổ có giá trị Theo nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch thì: “Báu vật quý nhất chùa Thắng Quang là quả chuông cổ rất đẹp, cao 1 m, đường kính 0,65 m, nặng hơn 200 kg. Trên thân chuông, một mặt khắc bốn hàng chữ Hán có nghĩa: Yết Ma, pháp danh Đạt Huệ, pháp tự Thiền Định (trụ trì) chùa Kim Quang tại thành Nam Vang (thủ đô nước Cao Miên) kính cẩn cúng chuông này cho chùa Thắng Quang. Mặt đối diện khắc năm hàng chữ Hán được dịch nghĩa: Chùa Kim Quang hiệp cùng tín đồ cư sĩ bổn đạo tại châu thành Nam Vang phụng cúng chuông lớn. Ngày tốt tháng mùa Thu năm Quý Mão (1843). |
Hoàng Trọng
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 18: Chùa Hang và những truyền thuyết tâm linh
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 17: Hổ trắng và đôi rắn khổng lồ ở thành Thọ An
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 16: Chuyện kỳ lạ ở chùa Thình Thình
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 15: Kho báu bị yểm bùa ở Lý Sơn
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 14: Giếng trời ở chùa Hang Lý Sơn
Bình luận (0)