>> Nhiều cán bộ cố tình bám lấy nhà công vụ
>> Cưỡng chế thu hồi nếu không trả nhà công vụ
|
Theo ĐB Tiến, tính tới cuối tháng 9.2014, tổng diện tích nhà ở công vụ là 1.603.498 m2. Trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục ngàn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.
ĐB Tiến đánh giá những năm qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã rất gương mẫu, tự nguyện trả lại biệt thự công, nhà công vụ ngay sau khi thôi chức vụ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, không ít cán bộ lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa tự cho mình quyền sử dụng vĩnh viễn và quên trả lại nhà công vụ mà cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ.
|
Mặt khác, ông Tiến đánh giá, nhà công vụ, biệt thự công thường ở những vị trí đắc địa trên những mảnh đất vàng bạc, mỗi mét vuông trị giá hàng trăm triệu đồng. Song nhiều tòa nhà bị cơi nới, chia nhỏ, phá vỡ đi không gian, biến biệt thự công thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Có biệt thự công nằm trong vùng lõi của di sản văn hóa thế giới, chủ sử dụng đã mất từ nhiều năm nay song cho đến nay vẫn sử dụng sai mục đích.
“Điều này đã khiến chính sách nhà công vụ có những bất bình đẳng giữa các cán bộ quản lý trong hệ thống chính trị”, ông Tiến phát biểu.
Vì vậy, ĐB Tiến đề nghị cần xử lý hành vi “chiếm” nhà công vụ, đưa vào bộ luật Hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ. Cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai thông tin, xử lý hành chính, xử lý hình sự với người chiếm đoạt tài sản công trong đó có nhà công vụ.
“Chúng ta lên án và xử lý nghiêm khắc những cán bộ nhận lót tay vài trăm ngàn, vài triệu đồng nhưng từ trước đến nay ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỉ đồng”, ĐB Tiến phát biểu.
“Cán bộ quản lý là tài sản quốc gia. Nhưng nhà công vụ cũng là tài sản quốc gia. Không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác”, ĐB Tiến nói.
Theo ĐB Tiến, Chính phủ cần có giải pháp sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất cho biệt thự công, hàng chục ngàn nhà công vụ có thể thu hồi để cho thuê, bán, cho vào ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, ĐB này đề nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách xây nhà công vụ cho giáo viên, y bác sĩ, lực lượng vũ trang hoặc những người được điều chuyển hay tự nguyện tới công tác ở vùng sâu xa, biên giới hải đảo, đặc biệt khó khăn.
Cắt giảm công trình "hoành tráng" Cũng trong thảo luận của mình, ĐB Lê Như Tiến dẫn công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế về chỉ số tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam xếp thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó, “cho thấy mức độ tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam còn rất nghiêm trọng”, ĐB đánh giá. Phân tích nguyên nhân, ĐB Tiến cho rằng tham nhũng trong khu vực công, nhiều công trình dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là bệnh “hoành tráng”. Theo ĐB Tiến, nhiều công trình tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng công năng và hiệu quả sử dụng khiêm tốn, thậm chí có những công trình vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang, chỉ có một số người là chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý công trình là được hưởng lợi. “Dự án, công trình càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân họ càng nhiều”, ĐB Tiến nói. Vì vậy, ĐB Tiến đề nghị Chính phủ cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng ngàn công trình quá hoành tráng, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy, sẽ có thêm hàng chục ngàn tỉ đồng là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển và cải cách tiền lương theo lộ trình. |
Nguyên Mi
>> Tránh lệ thuộc vào vốn ODA
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Nợ công tiến sát giới hạn cho phép
>> Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân từ trần
>> Chi hơn 5.500 tỉ đồng xây Nhà Quốc hội
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành
Bình luận (0)