Quốc hội và quyền giám sát của dân

01/11/2014 04:00 GMT+7

Theo một khảo sát năm 2013 của Ngân hàng Thế giới về quản trị đất đai ở VN, một kết luận đáng suy nghĩ được đưa ra khi so sánh các chỉ số của nước ta với các nước khác: nước ta thuộc nhóm đứng đầu về xây dựng pháp luật nhưng lại thuộc nhóm đứng cuối về thực thi pháp luật .

Nghe kết luận này, ai cũng thấy là đúng quá, nhưng cũng chỉ ở mức cảm giác mà không ai dám nói vì thiếu căn cứ. Giờ kết luận đó được đưa ra từ nghiên cứu đánh giá theo 108 chỉ số với các dữ liệu đủ tin cậy và với ý kiến của hàng chục chuyên gia. Như vậy, căn cứ đã đủ.

Đang kỳ họp Quốc hội (QH), kết luận trên về xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta phải được coi như một thông điệp quan trọng cần chuyển tải trước hết tới các đại biểu QH để xem xét. Lúc này cần đặt ra câu hỏi nghiêm túc để tìm câu trả lời nghiêm túc. Theo tư duy logic thì có 3 phương án trả lời.

Phương án thứ nhất, pháp luật được xây dựng và thông qua không phù hợp cuộc sống nên gây ra tình trạng khó thực thi. Phương án thứ hai, pháp luật được xây dựng và thông qua rất phù hợp cuộc sống nhưng hệ thống hành chính yếu kém nên không biết hoặc không muốn thực thi. Phương án thứ ba, có phần ứng với phương án trả lời thứ nhất và có phần ứng với câu trả lời thứ hai, tức là mỗi hệ thống đều có sai và có đúng.

Nếu phương án thứ nhất là đúng thì lỗi thuộc về QH trong vai trò cơ quan lập pháp của nhà nước. Nếu phương án thứ hai là đúng thì lỗi thuộc về Chính phủ và UBND các cấp trong vai trò cơ quan hành pháp của nhà nước. Nếu phương án thứ ba là đúng thì lỗi của cả hai cơ quan này. Để đích thực tìm ra phương án trả lời nào là đúng, chắc cũng cần khá nhiều thời gian, giấy mực, công sức, tư duy… nên tạm gác sang một bên và chờ đợi.

Điều cần đặt ra ngay là QH phải làm gì để khắc phục tình trạng yếu kém trong thực thi pháp luật. Cách đặt vấn đề như vậy là căn cứ vào luật Hoạt động giám sát của QH, trong đó có giám sát việc thực thi pháp luật. Rất tiếc, luật này mới chỉ quy định các quy trình giám sát vĩ mô thông qua chất vấn cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, nghiên cứu văn bản và lập đoàn giám sát chuyên đề… Nếu căn cứ vào luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp, thì nội dung giám sát của HĐND các cấp cũng chỉ mang tính vĩ mô tại địa phương cấp mình. Khi người dân tự mình thấy có oan ức do thực thi pháp luật không đúng thì cũng không biết kêu lên ai. Giám sát là quyền của dân nhưng chưa biết được thực hiện ra sao, chưa kết nối được với quyền giám sát của các cơ quan do mình cử ra.

Trong thời Hồng Đức thịnh trị, đức vua Lê Thánh Tông đã cho đặt trống lớn trước cửa triều đình để người dân nào có oan sai thì tới đánh vào trống để vua biết mà xử lý. Học tập cách này, giờ cũng chẳng cần đến treo trống, chỉ cần QH và HĐND các cấp thành tâm tiếp nhận ý kiến giám sát của dân để đưa tới nơi xử lý và giám sát việc xử lý. Ý kiến giám sát của dân cần được coi là một kênh giám sát vi mô trong thực thi nhiệm vụ giám sát của các cơ quan dân cử. Đó là cách trả lời tốt nhất cho câu hỏi nguyên nhân nào gây ra tình trạng yếu kém trong thực thi pháp luật và cũng là cách củng cố được lòng tin của dân vào nhà nước.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

>> Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ: Chưa có chỗ tái định cư cho dân thì không được giải tỏa
>> Đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng có dám chất vấn Thủ tướng?
>> Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách đánh giá tín nhiệm
>> Toàn văn báo cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp Quốc hội
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: ‘Cứ ăn hết thì lấy gì mà tiêu’
>> Trình Quốc hội chủ trương xây sân bay Long Thành  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.