Myanmar siết chặt an ninh trước thềm Thượng đỉnh EAS, ASEAN

11/11/2014 11:30 GMT+7

(TNO) An ninh khắp Myanmar được siết chặt, trong khi cảnh sát “rải thảm” dọc xa lộ dẫn vào thủ đô Naypyitaw, và kiểm tra giấy tờ của từng hành khách đi xe buýt.

 

Bến xe Aung Mingalar ở ngoại ô cố đô Yangon nhộn nhịp suốt ngày. -Ảnh: Thục Minh

Sân bay quốc tế Yangon, điểm quá cảnh của tôi từ Singapore đến thủ đô mới Naypyitaw của Myanmar, những ngày này có một cửa nhập cảnh ưu tiên cho khách ngoại giao và khách dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 25, diễn ra từ ngày 9-13.2014.

Một nhân viên điều phối khách xếp hàng chờ làm thủ tục nhập cảnh hỏi tôi thuộc diện nào trong nhóm ưu tiên. Tôi trả lời “nhà báo”, và ông đề nghị cho xem thẻ phóng viên. Cô nhân viên làm thủ tục nhập cảnh thì đề nghị ghi thêm tên tờ báo tôi đang làm việc vào tờ khai nhập cảnh.

Đây là lần thứ 3 tôi đến Yangon để đưa tin các hội nghị ASEAN. Lần đầu vào tháng 5.2014 cho Thượng đỉnh thứ 24 của nguyên thủ 10 quốc gia trong khối; lần thứ hai vào tháng 8.2014 cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của khối và với ngoại trưởng 17 quốc gia đối tác khắp thế giới.

 Sơ đồ ghế ngồi với tên và số chứng mính thư của hành khách trên chuyến xe buýt Yangon – Naypyitaw khởi hành 10 giờ sáng 10.11.2014 của hãng Elite. -Ảnh: Thục Minh

Nhưng lần này, dĩ nhiên, là sự kiện quan trọng nhất trong năm, nên sự chặt chẽ của họ không làm tôi bất ngờ hay khó chịu. “Quan trọng” bởi sự có mặt của cả nguyên thủ 8 cường quốc thế giới trong khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á (EAS), gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Và Tổng thống Mỹ Barack Obama, đương nhiên, là nhân vật quan trọng nhất. Bảo vệ an toàn cho ông là nhiệm vụ mệt mỏi nhất cho bất kì nước chủ nhà hội nghị nào.

Tuy nhiên, điều bất ngờ hơn là ở cái nhà khách bé xíu, kinh doanh kiểu hộ gia đình trong trung tâm Yangon, nơi tôi thường lưu trú trong lúc quá cảnh, đã photo hộ chiếu của tôi với cả một số trang có đóng dấu xuất nhập cảnh. Những lần trước, chỗ này không có máy photo, họ chỉ ghi lại vài thông tin trên hộ chiếu mà thôi.

Kiểm soát từng hành khách xe buýt

Trong phòng chờ của hãng xe buýt Elite Express tại bến xe Aung Mingalar ở ngoại ô cố đô Yangon, một nhân viên của hãng đi vòng quanh với chiếc bìa cứng có tờ giấy vẽ sơ đồ ghế ngồi trên chiếc xe buýt sắp chạy và ghi tên, số chứng minh thư/hộ chiếu của từng hành khách vào mỗi “chiếc ghế”. Tôi là người nước ngoài duy nhất trên chuyến xe này.

 

Đồn cảnh sát dã chiến tại trên xa lộ dẫn vào trung tâm thủ đô Naypyitaw. -Ảnh: Thục Minh

Tôi đã đi xe buýt của hãng Elite đến 4 lần, cũng từ Yangon đến Naypyitaw hoặc ngược lại. Nhưng các lần trước, hành khách (không cần biết tên tuổi) lên xe chỉ việc đưa vé xe để nhân viên điểm danh theo số ghế.

Con đường quốc lộ nối cố đô Yangon và thủ đô Naypyitaw rộng rãi và không có ổ gà ổ vịt nào. Xe buýt chạy băng băng với tốc độ không vượt quá 100km/h. Đi hết đoạn đường hơn 400km này mất khoảng 5-6 giờ, kể cả thời gian dừng ăn điểm tâm.

Xe chạy được hơn nửa đường và gần đến khu ăn uống tập trung thì bị “cảnh sát xa lộ” (Highway Police) chặn lại. Một cảnh sát lên xe, ngó quanh quất, rồi đi xuống. Xe chạy tiếp một đoạn thì đến quán ăn.

Kể từ sau quán ăn đó, “Highway Police” cầm bộ đàm đứng rải rác khắp đường. Cứ thấy một cảnh sát, cô gái người địa phương ngồi cạnh lại khều tôi, chỉ chỉ. Cô này có vẻ không để ý đến sự kiện lớn của đất nước, nên tỏ ra bất ngờ khi thấy sự xuất hiện quá nhiều của cảnh sát trên xa lộ, khi mà chẳng có tai nạn nào xảy ra.

 

Cảnh sát kiểm tra giấy tờ của từng hành khách đi xe buýt vào thủ đô Naypyitaw. -Ảnh: Thục Minh

Đi thêm gần 1 giờ nữa, xe phải dừng lại. Bên lề đường là một đồn cảnh sát vừa dựng tạm. Hai viên cảnh sát trong sắc phục hầm hố bước lên xe, nhìn lướt qua tờ giấy vẽ sơ đồ ghế ngồi có tên các hành khách. Sau đó, họ đi kiểm tra thẻ chứng của từng khách một. Xong việc, họ ký vào tờ giấy và bước xuống. Xe chạy tiếp.

Khi xe chạy đến gần cổng thu phí vào khu vực trung tâm hành chính của thủ đô, bà giáo sư Đại học Nông nghiệp Yezin ngồi ghế trước tôi, sau khi trao đổi với nhà xe, thì “đau buồn báo tin” tôi sẽ phải xuống xe sớm, rồi bắt taxi hay xe ôm đi đến khách sạn. Xe buýt không được phép chạy ngang Hotel Zone (khu vực tập trung toàn bộ khách sạn của thủ đô và tiếp giáp với trung tâm hội nghị, khu vực tọa lạc các cơ quan nhà nước) như mọi khi, trong những ngày này.

Ba giờ chiều 10.11, trời nắng như thiêu. Tôi, một chàng trai trẻ, một quý ông và một quý bà có vẻ là “người nhà nước” phải bước xuống xe. Hai ông bà kia lần lượt bắt xe ôm đi trước. Còn lại tôi với chàng trai.

Phóng viên Thanh Niên đi xe ôm để vào khu vực khách sạn của thủ đô Naypyitaw - Ảnh: nhân viên khách sạn Emerald Palace 

Thật may mắn khi anh ta cũng là nhà báo. Tên anh ta là Khine Lin Kyaw, biên tập mảng tin kinh doanh của tập đoàn báo chí tư nhân Eleven Media Group nổi tiếng. Cũng như phần đông phóng viên Myanmar, Khine Lin Kyaw rất giỏi tiếng Anh. Cậu ta gọi xe ôm giúp tôi và chỉ đường cho người lái xe địa phương đen nhẻm.

Tôi ở khách sạn Sky Palace được Bộ ngoại giao Myanmar phân công chỉ đón khách báo chí nước ngoài trong những ngày diễn ra hội nghị. Khách sạn này nằm ngay mặt tiền đại lộ Yarza Thingaha xuyên thủ đô. Thế nhưng anh xe ôm - có lẽ nghe tiếng được tiếng mất cái tên khách sạn bằng tiếng Anh - lại hăm hở chở tôi vào khách sạn Emerald Palace nằm trên con đường nhánh và chỉ dành cho các đoàn khách nước ngoài dự hội nghị, theo phân công của Bộ. Người của khách sạn Emerald Palace lại phải tiếp tục chỉ cách cho anh xe ôm đến Sky Palace.

Trong khi vé xe buýt Yangon-Naypyitaw của hãng Elite sang nhất nước giá chỉ 7.000 kyat (7 USD), thì cuốc xe ôm chừng 4-5 cây số làm tôi mất thêm 3.000 kyat! Ở thủ đô Naypyitaw, taxi rất hiếm hoi và giá cả thì... trên trời. Một cuốc taxi ngắn nhất cũng có giá 8 USD.

An ninh dày đặc

Dù chỉ là chỗ ở của phóng viên, xe và người vào khách sạn Sky Palace cũng phải qua thiết bị rà chất nổ và máy soi chiếu an ninh như ở sân bay. -Ảnh: Thục Minh 

Dọc đại lộ Yarza Thingaha, xe cảnh sát và nhân viên công lực dày đặc, nhất là những điểm gần các khách sạn, ngay cả khi chỉ mới có các quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao họp trù bị.

Những nguyên thủ các nước lớn dự kiến chỉ bắt đầu đến Naypyitaw vào ngày 12.11, trong khi ông Obama phải đến đêm 12.11 mới có mặt để chuẩn bị cho EAS và Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ trong ngày cuối của hội nghị.

Và kể cả ở khách sạn Sky Palace vốn chỉ dành cho phóng viên, xe ra vào cổng khách sạn đều phải được rà mìn. Trong khi đó, cửa chính tiền sảnh khách sạn cũng đặt máy soi chiếu an ninh như qua cửa sân bay.

An ninh ở thủ đô Naypyitaw đang ở mức cao nhất. Và dĩ nhiên, người ngay thẳng như tôi thì chỉ có thể thấy... yên tâm!

Thục Minh
(từ Naypyitaw, Myanmar)

>> Myanmar nỗ lực duy trì đà cải cách
>> Việt Nam - Myanmar tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực
>> Biển Đông sôi sục tại Myanmar
>> Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Myanmar
>> Thái Lan sẽ đóng cửa trại tị nạn Myanmar

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.