>> Vietnam Airlines bán vé tết giá đặc biệt
|
Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng tiếp sau việc Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) IPO thành công, kết quả IPO của VNA là một cú hích lớn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Kết quả không ngoài dự kiến
|
Theo kết quả IPO của VNA được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố hôm qua, VNA đã bán hết toàn bộ 49.009.008 cổ phần (CP) chào bán lần đầu cho 1.577 nhà đầu tư (NĐT), trong đó có 2 NĐT nhà tổ chức và 1.575 NĐT cá nhân. Giá đấu thành công bình quân là 22.307 đồng/CP, tổng giá trị CP bán được đạt trên 1.093 tỉ đồng.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA, cho biết thành công của phiên đấu giá đúng theo dự kiến của ban lãnh đạo VNA. “Việc 100% số lượng CP được bán hết cho thấy công chúng đánh giá đúng giá trị cổ phiếu của VNA”, ông Minh nói và chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, kết quả IPO lần này sẽ thu hút sự quan tâm của các NĐT đang quan tâm để trở thành đối tác chiến lược của VNA. Chúng tôi dự kiến trong khoảng chưa đến một năm nữa sẽ niêm yết cổ phiếu VNA lên sàn chứng khoán”.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, nhận xét: Việc IPO của VNA thành công, cùng một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn khác vừa qua, sẽ tạo ra nguồn hàng dồi dào cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các DNNN. “VNA thực hiện IPO thành công trong khoảng thời gian chuẩn bị chỉ 2 năm cho thấy việc cổ phần hóa không quá khó khăn nếu quyết tâm làm, có một phương án, lộ trình hợp lý”, ông Trường nói.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đánh giá cao kết quả IPO của VNA. “Vừa qua, có một số tổng công ty thực hiện IPO chưa tốt, không bán hết CP nhưng với những kết quả IPO gần đây như của Tập đoàn dệt may VN và mới nhất là VNA cho thấy cổ phiếu của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn khá hấp dẫn với thị trường. Nếu biết tổ chức, chuẩn bị tốt như Vinatex, VNA, chắc chắn việc cổ phần hóa vẫn thành công và thúc đẩy quá trình cải cách khối DNNN hiện nay”, Phó thủ tướng nói.
Kế hoạch tiếp theo
Trả lời Thanh Niên về kế hoạch tiếp theo của VNA, ông Phạm Ngọc Minh cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến việc bán CP cho các đối tác chiến lược. VNA dự kiến có thể bán tiếp, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 65% vào thời điểm thích hợp. Hiện có 3 NĐT chiến lược đang quan tâm và chúng tôi tin rằng sẽ lựa chọn được NĐT có năng lực tài chính, công nghệ và giàu kinh nghiệm nhất để tham gia đầu tư, hỗ trợ quản trị, phát triển VNA. Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất đầu năm sau và các công việc khác để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán”.
Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA, cũng cho biết việc thu hút NĐT chiến lược nhằm thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển để VNA lọt vào nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không tiểu vùng CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, VN). “Chúng tôi đã có kế hoạch phát triển, đổi mới đội tàu bay và hoàn thiện mạng đường bay theo hướng đơn giản hóa chủng loại đội tàu bay, sử dụng đội tàu bay thế hệ mới, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường để tăng hiệu quả khai thác và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, VNA dự kiến sẽ phát triển các đường bay khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và mạng đường bay tầm xa xuyên lục địa để tạo thành một mạng lưới xuyên suốt.
Hà Nguyễn
>> Sasco thực hiện IPO thành công
>> Vocarimex thực hiện IPO thành công và thu về hơn 500 tỉ đồng
>> Vinatex IPO với giá 11.000 đồng/CP
Bình luận (0)