Vì sao thanh niên Hồng Kông nổi giận?

14/11/2014 17:03 GMT+7

(TNO) Đêm nay 14.11, 7.000 cảnh sát Hồng Kông sẵn sàng dẹp người biểu tình sau 48 ngày xuống đường, theo tối hậu thư của chính quyền. Tuy nhiên, đám đông vẫn tuyên bố cố thủ. Giới quan sát cho rằng, trong sự phản kháng về chính trị còn có những nỗi lo khác mà người trẻ Hồng Kông đang đau đáu khiến cuộc biều tình khó đi đến hồi kết.

 

Cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông kéo dài 48 ngày - Ảnh: Reuters

“Trung Quốc đang đánh mất cả một thế hệ trẻ ở nơi này”, The Telegraph hôm thứ Ba dẫn lời bà Anson Chan, cựu Chánh văn phòng đặc khu Hồng Kông.

Bà nói thêm rằng “Phong trào Dù”, vốn tập trung kêu gọi chính quyền cho phép bầu cử phổ thông đầu phiếu thật sự tại Hồng Kông, còn là sự bày tỏ tức giận của người trẻ tuổi tại đây đối với những thay đổi của thành phố này kể từ khi được trả về Trung Quốc năm 1997.

Bản sắc Hồng Kông

Hồng Kông không giống như mọi thành phố khác của Trung Quốc. Theo bài viết đăng trên website của Viện nghiên cứu quốc tế Úc, trong nhiều thập kỷ, một xã hội dân sự sôi nổi, nền kinh tế tự do và pháp quyền đã trở thành “tính cách” của thành phố này.

The New York Times cho rằng “không có gì bí mật về chuyện chính quyền trung ương Trung Quốc không hài lòng nhiều đặc điểm trong cung cách sống của người Hồng Kông, bao gồm tư pháp độc lập – thậm chí có cả thẩm phán người nước ngoài”. Người Hồng Kông, trong khi đó, lại ý thức mạnh mẽ phải bảo vệ những đặc trưng của thành phố mình trong lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng về văn hóa lẫn kinh tế.

Cư dân Hồng Kông khác với Bắc Kinh. Họ nói tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ phổ biến tại miền nam Trung Quốc. Kể từ thời điểm Hồng Kông được trao trả năm 1997, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách tăng cường tiếng Quan thoại (ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc) trong các trường học tại Hồng Kông, theo Qz.com.

 Các sinh viên có nhiều lý do để lo lắng cho tương lai của thành phố này - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

Tháng 2.2014, cơ quan Giáo dục Hồng Kông khiến công chúng tức giận bởi tuyên bố: “Tiếng Quảng Đông không phải một ngôn ngữ chính thức”. Cơ quan này sau đó đã phải rút bài viết có dòng tuyên bố trên khỏi website của mình, theo South China Morning Post (SCMP).

Năm 2012, Trung Quốc định đưa chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào trường học tại Hồng Kông. Nhóm Học dân Tư triều của Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã thành công trong việc ngăn cản kế hoạch này.

Mặc kệ “sự không ưa” của người Hồng Kông, các cư dân đại lục vẫn đến thành phố này ngày một đông. Trong bài báo đăng trên The Diplomat ngày 1.11, tác giả Ying Pei cho rằng “mối liên kết ngày một chặt chẽ với đại lục mang đến áp lực cho Hồng Kông: những du khách thô lỗ kéo đến đầy thành phố, phụ nữ mang thai phủ kín các bệnh viện với mong muốn con cái của họ sẽ trở thành công dân tại đây…”.

“Một thế hệ nghèo”

Trong bài viết đăng trên The New Yorks Times nhân dịp tròn một tháng kể từ khi chiến dịch bất tuân dân sự của người Hồng Kông nổ ra – thủ lĩnh biểu tình 18 tuổi Hoàng Chi Phong đã nói rằng thế hệ của cậu có nguy cơ trở thành thế hệ đầu tiên nghèo hơn cha mẹ mình.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Hồng Kông năm 2013 đạt 274 tỉ USD, GDP đầu người đạt 38.492 USD, đứng thứ 24 thế giới. Tuy nhiên, vùng đất này cũng là nơi có khoảng cách giàu nghèo bậc nhất.

 

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm cùng nguy cơ những giá trị bản sắc bị mất đi, những người trẻ của Hồng Kông có nhiều lý do để tức giận - Ảnh: Nguyễn Thành Trung

National Interest dẫn chỉ số Gini – chỉ số đánh giá sự phân chia thu nhập của cư dân trong một vùng – của Hồng Kông tệ thứ 12 trên thế giới, đứng cùng top với Haiti, Sierra Leone, Cộng hòa Trung Phi, Honduras và Guatemala. Cũng theo tạp chí này, dù tỉ lệ thất nghiệp ghi nhận được ở Hồng Kông chỉ là 3% nhưng có đến 20% cư dân sống trong nghèo khổ.

Giá nhà ở Hồng Kông – vốn đã cao nhất thế giới – vẫn tiếp tục tăng trong tháng 10.2014, theo Financial Times.

Tại Hồng Kông, các nhà tài phiệt kiểm soát phần lớn bất động sản, các nhà bán lẻ và hầu như tất cả xe buýt, dịch vụ công cộng, theo Wall Street Journal. Rất nhiều tài phiệt tại đây đang hưởng lợi từ sự phát triển của Trung Quốc, họ bị chỉ trích là ngày càng giàu hơn trong khi các cư dân của Hồng Kông bị bỏ lại phía sau.

Những nhóm lợi ích kinh tế cũng nắm nhiều ghế trong hội đồng 1.200 người bầu nên đặc khu trưởng Hồng Kông hiện nay. Từ khi phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra, hầu hết các tỷ phú đã giữ im lặng.

Năm 1997, khi được trao trả, Hồng Kông đóng góp 16% GDP cho Trung Quốc, tỷ lệ đó vào bây giờ chỉ còn 3%, theo The Economist. Không những vậy, một nửa hàng hàng hóa xuất khẩu của Hồng Kông có điểm đến là Trung Quốc; cư dân đại lục cũng đóng góp 10% vào GDP thành phố này thông qua các hoạt động du lịch, mua sắm của họ…

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở cửa hệ thống tài chính và ra sức quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, vị thế “đặc biệt” của Hồng Kông cũng giảm dần trong khi sự phụ thuộc vào đại lục lại gia tăng.

Viễn cảnh kinh tế ảm đạm cùng nguy cơ những giá trị bản sắc bị mất đi, những người trẻ của Hồng Kông có nhiều lý do để tức giận.

Vinh Mẫn

>> Người biểu tình Hồng Kông quyết không giải tán
>> Hồng Kông điều động 7.000 cảnh sát dẹp biểu tình
>> Người biểu tình Hồng Kông bị bắt nếu không giải tán
>> Sinh viên Hồng Kông tìm đường đến Bắc Kinh
>> Hồng Kông - 30 ngày nghẹt thở 'bất tuân dân sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.