Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 3: Giá xăng dầu làm vênh vẹo cơ chế thị trường

20/11/2014 14:13 GMT+7

(TNO) Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Hiện nay nhiều nước châu Âu và trên thế giới đã công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường , chúng ta đang vận động Mỹ và chắc là Mỹ cũng sẽ công nhận.

>> Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 2 : 'Dịu dàng' giá lúa
>> Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 1: Một 'phép lạ


Nhưng việc quản lý giá xăng dầu hiện nay, dù đã được cải tiến, vẫn có rất nhiều vấn đề không minh bạch - Ảnh: Ngọc Thắng

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường có thể có lý do chính trị, nhưng điều này cũng cho thấy không phải hễ gia nhập WTO là mặc nhiên có nền kinh tế thị trường.

WTO không phản đối doanh nghiệp nhà nước, miễn là các doanh nghiệp này bình đẳng trong cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Và khi đàm phán WTO, chúng ta còn đưa ra một danh mục không cam kết mở cửa và một danh mục mở cửa có lộ trình, những bảo lưu này đã được WTO chấp nhận. Đây được coi là nỗ lực nhằm bảo vệ một số ngành kinh tế trong nước không để cho các doanh nghiệp FDI “nuốt chửng”. Đáng chú ý là trong danh mục không cam kết có mặt hàng xăng dầu. Việc không mở cửa thị trường phân phối xăng dầu có thêm một lý do là để đảm bảo an ninh năng lượng.

Cùng với việc “cấm cửa” thị trường phân phối xăng dầu đối với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước cũng bị loại khỏi lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, ít nhất cho đến ngày 15.12.2009, khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực. Tuy xóa bỏ độc quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng những quy định về điều kiện kinh doanh ngặt nghèo của Nghị định 84 (mới nhất là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, về căn bản điều kiện kinh doanh cũng không thay đổi) khiến cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước khó mà chen chân vào. Hiện nay, đã có 19 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhà nước, trong đó Petrolimex chiếm gần 50% thị phần, tuy có một vài đầu mối là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng thị phần không đáng kể. Tóm lại, độc quyền nhóm của doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh xăng dầu về căn bản vẫn không thay đổi.

Muốn xóa độc quyền xuất nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh thực tế hiện nay, khi khu vực tư nhân của Việt Nam chưa đủ mạnh, chỉ có thể mở cửa cho các doanh nghiệp FDI tham gia. Lý do bảo đảm an ninh năng lượng ngày càng không có sức thuyết phục. Viện dẫn lý do này chẳng qua là để tiếp tục duy trì “lợi ích nhóm” trong kinh doanh xăng dầu mà thôi.

Các vị lãnh đạo có trách nhiệm cũng như các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thường xuyên nhắc lại điệp khúc giá xăng dầu sẽ vận hành “theo cơ chế thị trường”. Làm sao có thể “theo cơ chế thị trường” được khi độc quyền nhóm không được xóa bỏ trong thực tế và khi Nhà nước vẫn phải quyết định tăng hay giảm giá. Điều kiện tiên quyết để có thể đưa giá “theo cơ chế thị trường” là tự do kinh doanh. Không có tự do kinh doanh thì không thể có “giá thị trường”.

 
Sự không minh bạch do độc quyền và tình trạng lạm thu đã khiến cho giá xăng dầu biến dạng làm vênh vẹo cơ chế thị trường. Bản thân nó đã đành là không đẹp, nó còn làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên của một loạt giá cả các loại hàng hóa khác
Khi vẫn còn độc quyền kinh doanh thì đương nhiên Nhà nước phải quản lý giá, nếu không thì không ai bảo vệ được người tiêu dùng.

Nhưng việc quản lý giá xăng dầu hiện nay, dù đã được cải tiến, vẫn có rất nhiều vấn đề không minh bạch. Ngay cả cái quy trình làm ra cái gọi là “giá cơ sở” cũng không minh bạch. “Giá cơ sở” là giá do liên bộ Công thương - Tài chính ban hành, nhưng thực chất là do Bộ Công thương đưa ra, trong khi Bộ Công thương là cơ quan chủ quản, là “chủ sở hữu” của doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Petrolimex. Từ đâu để có cơ sở để tính giá? Không lấy thông tin từ Petrolimex và các doanh nghiệp xăng dầu lớn khác thì lấy từ đâu ra? Nó có khách quan không? Chắc chắn là không.

Theo bảng giá mới nhất được công bố (7.11.2014) thì giá cơ sở 1 lít xăng 92 là 21.361 đồng, trong đó giá CIF 12.696 đồng, 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 2.279 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1.494 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.942 đồng, thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng, “chi phí định mức” 1.050 đồng, “lãi định mức” 300 đồng và trích quỹ bình ổn giá 600 đồng. Chưa nói tiền thuế cao một cách vô lý sẽ đề cập sau, tất cả các yếu tố cấu thành giá cơ sở đều không minh bạch hoặc không hợp lý.

Về giá nhập khẩu, một mặt hàng chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước mua vào theo giá thị trường trên thế giới và do nhà nước định giá bán ra trong nước với kim ngạch mỗi năm lên tới 8 - 9 tỉ USD, nhưng giá nhập khẩu không hề có cơ chế kiểm soát. Ai cũng biết giá thị trường thế giới được công bố và giá mua thực tế không giống nhau, mua ít hay mua nhiều, mua theo chuyến hay mua thường xuyên, cùng một loại xăng dầu nhưng hàm lượng lưu huỳnh cao hay thấp, mua trả tiền trước hay mua trả tiền sau… đều có giá khác nhau. Petrolimex và các doanh nghiệp nhà nước khác mua theo phương thức nào và mua theo giá nào? Chất lượng thực tế có bảo đảm với tiêu chuẩn về khí thải của Việt Nam và có đúng với chất lượng và giá ghi trên hóa đơn hay không? Cơ chế nào để buộc các doanh nghiệp nhà nước phải mua được xăng dầu giá rẻ nhất? Không có sự kiểm soát nào cả, không có cơ chế bắt buộc nào cả. Vào năm 2007, chúng tôi đã có loạt bài đề cập đến sự lừa dối trong việc lưu hành xăng dầu không bảo đảm chất lượng và kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy có động thái làm rõ (Loạt bài "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước). Cho nên giá nhập khẩu cho đến nay không thể nói là minh bạch.

Về “chi phí định mức”, là chi phí gì? Có hợp lý hay không? Cái gọi là “định mức” đó so với chi phí thực tế đã diễn ra là cao hay thấp? Không ai biết được.

Về “lãi định mức”, cơ chế thị trường gì mà lạ lùng vậy? Đã kinh doanh thì khi có lời, khi phải lỗ, nó tùy thuộc vào năng lực hoạt động của doanh nghiệp, lời hay lỗ có lúc nhiều có lúc ít, sao Nhà nước lại cho sẵn doanh nghiệp một khoản lãi cố định, còn lỗ thì đẩy cho người tiêu dùng? Còn tiền trích quỹ bình ổn cũng thật là vô lý, đây là khoản tiền mà người tiêu dùng tự bình ổn giá cho mình, nó giống như lấy tiền túi bên trái ra cất một thời gian rồi cho vào túi bên phải, nhưng lại được đưa vòng đến một nơi khác, dù nơi đó có sử dụng đúng mục đích đi chăng nữa thì người tiêu dùng cũng chẳng được thêm chút lợi lộc nào.

Về thuế, tổng số tiền 4 sắc thuế của 1 lít xăng kê ra ở trên cộng lại lên tới 6.715 đồng, bằng 53% giá CIF và chiếm hơn 31% giá cơ sở, là mức thuế nặng một cách phi lý. Đặc biệt phi lý là việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu cũng giống như áp dụng đối với rượu bia, thuốc lá. Sự phi lý này báo chí đã nói nhiều. Lãnh đạo Bộ Tài chính giải thích rằng xăng dầu là mặt hàng không tái tạo và không khuyến khích sử dụng, rằng nhiều nước cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Các vị lãnh đạo của chúng ta quên rằng, mỗi nước có đặc điểm riêng của mình, chế độ ta không giống Bắc Triều Tiên cũng không giống Mỹ, không phải cái gì các nước khác làm cũng có thể đem vào nước ta áp dụng. Khác với các nước phát triển, tỷ trọng người dân phải sử dụng xăng dầu ở nước ta là cao nhất, là phổ biến nhất, vì hầu hết các công dân của chúng ta đều đi xe máy, hầu hết nông dân ta phải dùng xăng dầu để cày bừa thu hoạch, ngư dân ta phải dùng xăng dầu để đánh cá…, sao lại bảo xăng dầu là mặt hàng không khuyến khích? Các vị cũng không phân biệt được “tiết kiệm xăng dầu” và “không khuyến khích sử dụng xăng dầu” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Tóm lại, sự không minh bạch do độc quyền và tình trạng lạm thu đã khiến cho giá xăng dầu biến dạng làm vênh vẹo cơ chế thị trường. Bản thân nó đã đành là không đẹp, nó còn làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên của một loạt giá cả các loại hàng hóa khác… (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước - Kỳ 1
>> "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước - Kỳ 2
>> "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước - Kỳ 3
>> "Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước - Kỳ 4

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.