|
Đó là nhận xét chung của đại diện nhà tài trợ cho VN, các nhà đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) 2014, một hoạt động thường niên trước thềm hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, hôm qua 2.12.
Ông Khalid Muhmood, đại diện cho nhóm công tác giáo dục đào tạo (của CG) gây bất ngờ khi chiếu lên màn hình lớn hình ảnh nhân viên một cơ sở giáo dục nước ngoài phải ôm 6 bộ hồ sơ lớn lên một cơ quan cấp sở để báo cáo. “Không ở đâu trên thế giới, người ta phải bê ngần này hồ sơ chỉ để báo cáo là tôi đang làm cái việc đã được cấp phép và đang làm tốt”, lời bình luận của ông gây cười râm ran tại hội trường. Theo ông Khalid Muhmood, các quy trình, thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ở VN là “vô cùng phức tạp và phiền hà”. Ví dụ, trước đây, để thành lập một cơ sở giáo dục đào tạo tại VN, nhà đầu tư phải có 2 loại giấy phép: giấy phép đầu tư và giấy phép hoạt động. Nhưng Nghị định 73/NĐ-CP hiện hành lại yêu cầu 3 giấy với các thủ tục pháp lý và hồ sơ cấp phép tương tự nhau. Điều này dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra 3 lần với một cơ sở giáo dục với 3 cơ quan chức năng khác nhau.
|
Ở lĩnh vực bất động sản, ông David Lim, trưởng nhóm công tác về đất đai, cho biết hiện theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện dự án phải có giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, trước khi được cấp giấy này, họ phải có các tài liệu: quyết định chỉ định nhà đầu tư; thiết kế cơ sở, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư... “Thường phải mất 160 ngày để có các tài liệu trên, chưa kể thời gian chuẩn bị trong khi nhà đầu tư thậm chí không biết dự án của mình có được cấp phép hay không”, ông David Lim nói và đề xuất “tất cả những dạng văn bản dưới luật phải được loại bỏ. Chính sách chung phải được thực thi ở cấp cơ sở”.
Ở lĩnh vực chứng khoán, theo ông Dominic Scriven, trưởng nhóm công tác thị trường vốn của CG, 10 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán (TTCK) VN chỉ thu hút được 150 triệu USD vốn ngoại. “TTCK của VN rất có tiềm năng phát triển nhưng những quy định hạn chế về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài quá thấp, khiến thu hút vốn qua TTCK không tương xứng với mức độ thu hút vốn FDI (10 tháng đạt trên 10 tỉ USD). Như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines vừa qua, tỷ lệ bán ra chỉ 2,5%. Chúng tôi nghĩ đó là trò đùa. Để thúc đẩy TTCK, Chính phủ nên định hướng bán cổ phần ở doanh nghiệp (DN) từ 40 - 60%”, ông này nói.
Chia sẻ điều này với các nhà đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết theo khảo sát mới đây của VCCI, chỉ khoảng 9% DN có thể dự đoán được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của T.Ư. Các DN phản ánh, có sự trở lại của tư duy quản lý kiểu cũ tại một số ngành, lĩnh vực. “Tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng với cộng đồng DN đầu năm nay, Thủ tướng nói, ông cảm thấy nóng ruột, nhưng càng đi xuống dưới bộ máy công quyền thì càng nguội đi. Tới nhiều công chức cơ sở thì dường như không có việc gì xảy ra”, ông Lộc nói.
Trả lời của các bộ: vẫn ở thì... tương lai !
Đối thoại với các nhóm tư vấn của CG, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, trả lời các ý kiến một cách rất ngắn gọn, thường là tự ca ngợi những việc mình đã làm được còn những việc để giải quyết vướng mắc, ách tắc của nhà đầu tư luôn ở thì... tương lai. Trả lời ông Khalid Muhmood, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, bộ sẽ hướng dẫn với việc thành lập các cơ sở giáo dục nước ngoài tùy từng hồ sơ sẽ có quy định khác nhau: việc thành lập đại học sẽ do Thủ tướng quyết định, còn cấp thấp hơn sẽ do các giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Giải đáp thắc mắc của ông David Lim, trưởng nhóm về đất đai, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng trả lời ngắn gọn là hiện nay, chính sách của VN là quyền tiếp cận đất đai của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước được đảm bảo bình đẳng, như nhau.
Riêng Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Bằng đã làm hài lòng câu hỏi của ông Dominic Scriven đôi chút khi cho biết: “Hiện nay và sắp tới, các chính sách sẽ được quy định, nới rộng theo đó, quy định rõ những lĩnh vực nào phải hạn chế, những lĩnh vực nào sẽ được nới room (tỷ lệ được sở hữu vốn tại DN của VN) lên 60%”.
Phải quyết liệt hơn để phát triển nhanh và bền vững Tham dự diễn đàn trên (lần thứ 2 trong năm), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi đánh giá cao những đánh giá, góp ý đã nêu (của đại diện các nhà đầu tư)”. Ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư ghi chép kỹ, phân loại các ý kiến đã góp ý để các bộ, ngành, Thủ tướng sẽ trả lời, giải trình đầy đủ hơn. “Chúng tôi sẽ tiếp thu hợp lý để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chính sách, cơ chế để điều hành sát với thực tế, tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của VN”, Thủ tướng nói. Ông cũng cho rằng, thời gian qua, VN đã làm được nhiều việc để cải thiện môi trường đầu tư nhưng kết quả còn chưa đạt mong muốn của Chính phủ và các nhà đầu tư. “Khó khăn, hạn chế còn nhiều và chúng tôi sẽ phải quyết liệt hơn để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng khẳng định. |
Mạnh Quân
>> Diễn đàn Doanh nghiệp VN tại châu Âu
>> Diễn đàn doanh nghiệp VN 2013: Chờ đợi những hành động thực tế
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự diễn đàn Doanh nghiệp VN - Trung Quốc
>> Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dự Diễn đàn doanh nghiệp VN - Hy Lạp
>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dự Diễn đàn doanh nghiệp VN - Argentina
Bình luận (0)