Cán bộ phường mỗi ngày... 1.000 chữ ký - Kỳ 2: Xã, phường không phải là cái lu chứa

09/12/2014 05:00 GMT+7

Cần quy định để người dân tự chịu trách nhiệm là một trong những giải pháp được ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM, đưa ra khi trả lời Thanh Niên về thực trạng người dân, cán bộ cơ sở đều khổ vì thủ tục hành chính hiện nay.

Cán bộ phường mỗi ngày... 1.000 chữ ký - Kỳ 2: Xã, phường không phải là cái lu chứa
Phường, xã đang phải lo gồng gánh sao y, chứng thực… - Ảnh: Diệp Đức Minh

>> Cán bộ phường mỗi ngày... 1.000 chữ ký

* Ông đánh giá thế nào về thực trạng phường, xã “ngập” trong báo cáo, kế hoạch nên nhiều lúc chậm trễ giải quyết việc của dân?

- Đúng là cấp phường, xã chịu áp lực nhiều quá, báo cáo nhiều quá, thống kê đủ thứ chuyện. Thực ra cấp sở ngành, quận, huyện cũng rất khủng khiếp trong chuyện báo cáo. Tại Sở Nội vụ, trong vòng 10 ngày giám đốc đi công tác, tôi xử lý hàng chục báo cáo, kế hoạch, quyết định, công văn… 

Bộ Chính trị đang có đề án cơ cấu lại bộ máy hành chính. Mục tiêu là phân định rõ nhiệm vụ của mỗi cấp, mỗi ngành, việc của cấp nào thì cấp đó sẽ làm đúng như thế, chứ bây giờ thì ở trên cứ dồn việc xuống. Khi phân định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng thì sẽ không còn chuyện thành phố đẩy việc xuống quận, huyện; quận, huyện đẩy xuống phường, xã; phường, xã đẩy xuống ấp, khu phố.

Cán bộ phường mỗi ngày... 1.000 chữ ký - Kỳ 2: Xã, phường không phải là cái lu chứa
Ông Lê Hoài Trung - Ảnh: Đình Nguyên

Một thực trạng tồn tại lâu nay được ví von là T.Ư như ông trời; TP như mái nhà; quận, huyện như máng xối; và xã, phường như cái lu chứa. Như vậy tội nghiệp cho mấy ông cơ sở. Tôi đi nghiên cứu ở nhiều nước, cấp cơ sở chỉ lo dân sinh, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự…, chứ không phải lo quá nhiều việc như ở mình. Toàn bộ những việc lớn về chiến lược, kinh tế - xã hội… là cấp tỉnh lo hết. Chứ ở mình mà cấp phường, xã cũng phải làm quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tôi, vấn đề cơ bản nhất của cấp cơ sở là anh phải quản lý được dân trên địa bàn. Hỏi đến đâu phải biết cụ thể đến đó. Chứ thực tế bây giờ thì cứ lo chạy theo công việc từ trên dồn xuống do bị giao quá nhiều việc, ngay cả thôn, ấp cũng làm đủ chuyện, cũng bị yêu cầu làm báo cáo, thống kê…, nhưng khi hỏi các thông tin liên quan sát sườn đến đời sống người dân thì lại không nắm cụ thể. Do không nắm nên cứ chờ chỉ đạo, khi có yêu cầu báo cáo thì làm không chính xác.

Chính cách quản lý chồng chéo, thủ tục rườm rà, công việc dồn ép đã tạo nên sức ì ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó, cũng vì sợ trách nhiệm cá nhân khi thực hiện văn bản pháp luật có nội dung còn chưa thống nhất nên cán bộ, công chức có tâm lý phòng thủ, dẫn đến người dân khổ sở vì bị chậm trễ công việc. Việc cán bộ, công chức hành dân, đôi khi cũng có nguyên nhân không phải để tiêu cực, mà vì sợ trách nhiệm, vì nhiều việc cứ chồng lấn lên nhau.

* Vậy thành phố sẽ giải quyết tình trạng này thế nào? Nhất là với việc lạm dụng bản sao phải có chứng thực khiến cấp phường, xã quá tải và người dân đều rất khổ sở?

- UBND TP.HCM đang dự thảo quy định cấm các cơ quan trực thuộc trên toàn địa bàn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính đòi hỏi, yêu cầu sao y, chứng thực. Khi đã cấm rồi thì chắc chắn sẽ giảm áp lực công việc cho phường, xã, và đặc biệt là giảm tốn kém tiền bạc, thời gian đi lại của người dân.

Thành phố cũng đang áp dụng một số giải pháp khác để giảm bớt giấy tờ. Đó là thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nộp hồ sơ hành chính qua mạng và đến nhận kết quả một lần. Sở TT-TT đang triển khai phần mềm dữ liệu từng lĩnh vực, như hộ tịch, nhà đất… Các cơ quan, đơn vị đều được dùng chung dữ liệu này. Ví dụ như hiện nay đi sao y giấy khai sinh có khi mất mấy ngày để lục lại sổ bộ, nhưng đã có phần mềm dữ liệu về hộ tịch rồi thì chỉ cần đọc tên và bấm in bản sao và trả kết quả được liền.

Chúng ta cũng phải từng bước có những quy định phù hợp để người dân có thể tự chịu trách nhiệm về những cam kết của mình trong các việc hành chính. Việc chịu trách nhiệm ở đây hoàn toàn không phải để người dân “gánh” việc thay cán bộ, công chức, mà là vì chính quyền lợi của người dân. Chứ như bây giờ cái gì cũng ra phường, ra quận xin xỏ, đợi chờ thì phát sinh bất cập là đúng rồi.

Trước đây khi còn làm ở Sở Tư pháp, tôi chứng kiến trường hợp một phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài. Về hồ sơ tư pháp, người chồng chỉ có 2 tờ giấy thôi, còn người vợ phải làm một bộ hồ sơ dày cộm. Nước ngoài họ cho phép công dân tuyên thệ trước nhà nước, chịu trách nhiệm trước nhà nước về hành vi, nội dung khai báo của mình và nếu có gian dối thì tòa sẽ xử. Trong khi đó, quy định của mình quá rườm rà.

* Theo ông, cấp cơ sở có cần thiết phải lập các ban chỉ đạo?

- Quan điểm của tôi là không đồng tình với việc cấp cơ sở cũng phải có ban chỉ đạo. Mình theo cơ chế thủ trưởng nhưng bản thân ban chỉ đạo làm mờ trách nhiệm người đứng đầu. Ban chỉ đạo nhất thời là cần thiết, trong phạm vi cần liên kết, phối hợp giữa nhiều ngành, nhiều cấp để giải quyết một vấn đề chung; chứ với những nhiệm vụ thường xuyên thì từng cán bộ, công chức phải lo làm, thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm. 

Đình Phú
(thực hiện)

>> Bãi bỏ 45 thủ tục hành chính về thuế
>> Trách nhiệm cải cách nền hành chính
>> Căn cước và cải cách hành chính
>> Hơn 60% đơn hành chính tố cáo công chức vi phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.