(TNO) Các trận đấu tại V-League có thể bị giảm chất lượng chuyên môn và tính hấp dẫn, không phải vì các đội bóng không cố gắng thi đấu mà vì yếu tố khách quan: mặt sân nhiều sân vận động quá tệ.
>> Mặt sân Lạch Tray như bãi lầy
>> BTC sân Lạch Tray bán vé nhỏ giọt, giới phe vé được dịp tăng giá
>> Yêu cầu bàn giao ngay sân Lạch Tray
>> Sáng ký bàn giao sân Lạch Tray, chiều nghỉ hưu
>> Hạ Bình Dương tại Lạch Tray, Hải Phòng đoạt Cúp vô địch Quốc gia 2014
>> Sân Lạch Tray 'sốt vé' trước trận tiếp HAGL
|
Vì lịch sự, HLV Guillaume Graechen của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không chỉ trích nặng nề mặt sân Lạch Tray nhưng ông cũng nhẹ nhàng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng cỏ sẽ ảnh hưởng đến trận đấu giữa Hải Phòng và HAGL.
Mà chẳng riêng gì đội khách, đến chủ sân Lạch Tray cũng còn “ớn” sân nhà nữa là. Hãy nghe chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng bình luận: “Trận gặp Thanh Hóa vòng 2, cầu thủ Hải Phòng phải chạy “rẽ đất” theo đúng nghĩa đen của từ này. phải thi đấu dưới trời mưa, cứ mỗi bước chạy là đất và nước lại thi nhau bắn tung tóe. Ở khu vực trước cầu môn thì như một bãi lầy. Tôi chỉ mong trận với HAGL, thời tiết tốt chứ nếu mưa thì cực khổ vô cùng”.
Ông Hùng nói tiếp: “Chúng tôi mới được Sở VH-TT-DL Hải Phòng bàn giao sân Lạch Tray. Được biết, hình như mỗi năm TP.Hải Phòng cũng cấp tiền tỉ để Sở duy tu nhưng chúng tôi thấy chất lượng mặt sân mấy năm nay có được cải thiện là bao. Mặt sân Hải Phòng phải nói là quá xấu, không chỉ vì điều kiện khí hậu ngoài Bắc quá khắc nghiệt, trời lạnh và có sương muối rất độc làm chết cỏ mà còn vì mới đây, Sở VH-TT-DL Hải Phòng dùng sân tổ chức giải bắn cung Đại hội TDTT toàn quốc.
Chúng tôi làm văn bản trình lên Sở là sắp đá V-League, mặt sân cần phải được bảo vệ. Nhưng hơn nửa tháng ròng rã, các VĐV bắn cung thi đấu, cỏ bị giày xéo liên tục và còn không được tưới nước. Mặt sân nào chịu được. Thậm chí, tôi còn không dám cho đội tập trên sân Lạch Tray mà “dạt” vào tận Thanh Hóa”.
HLV một đội bóng ở V-League cũng than thở: “Chúng tôi rất sợ phải đến thi đấu ở những sân gồ ghề. Nó sẽ khiến hầu hết các đường bóng sệt trơ nên rất lập bập và đặc biệt nguy hiểm vì là một trong những nguyên nhân dẫn đến chấn thương”.
|
HLV đội tuyển Việt Nam Miura cũng phải thừa nhận: “Sau những vòng đầu tiên tôi thấy nhiều sai lầm xuất phát từ chất lượng thấp của mặt sân. Thực sự V-League vẫn còn nhiều sân đấu với chất lượng chưa hề được đảm bảo”.
Tài chính eo hẹp đã khiến nhiều CLB không đủ lực và điều kiện để đảm bảo được một mặt sân… đảm bảo như ý nguyện của HLV Miura. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoản kinh phí dùng để bảo dưỡng một sân vận động luôn ở con số tiền tỉ.
Ví dụ như sân Mỹ Đình, theo tiết lộ của ông Nguyễn Anh Quân - Trưởng phòng quản lý sân vận động, Khu liên hợp thể thao Quốc gia: “Chúng tôi nhập giống cỏ Bermuda từ Thái Lan, rất phù hợp với khí hậu thời tiết Việt Nam. Chi phí để có một mặt sân tốt, dao động từ 5 tỉ đến 7 tỉ đồng.
Còn bà Trần Thị Bích Liên - Trưởng phòng quản lý sân vận động Khu liên hợp thể thao Quốc gia cho hay: “Để sân luôn đạt chất lượng cao, sau mỗi sự kiện lớn phải thực hiện ngay công tác phục hồi mặt sân, phải đảm bảo độ phẳng, độ xanh và tốc độ mọc của cỏ. Chúng tôi còn phải sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu nhập khẩu nữa”.
5 tỉ-7 tỉ đồng cho một mặt cỏ tốt cộng với 2,5 tỉ-3 tỉ đồng mỗi năm để duy tu bảo dưỡng. Con số đó chiếm khoảng 10% kinh phí duy trì mỗi năm của một đội bóng. Nhưng không đội nào đầu tư nhiều tiền như thế cả. Hơn thế nữa trên thực tế, hầu hết các đội bóng đều không có sân riêng. HAGL là một ngoại lệ hiếm hoi nên họ chăm sóc sân rất kỹ càng.
Ông Trần Văn Minh - Phó Giám đốc điều hành CLB HAGL chia sẻ: “Tôi quan niệm sân bóng như là sân khấu của cầu thủ, vì thế mặt cỏ phải thật tốt, mặt cỏ phải tốt mới có đội bóng tốt được”.
Vậy là để có được một mặt sân tốt và duy trì nó tốt cho mọi trận đấu, người ta phải tốn nhiều công, nhiều của và phải thật tâm huyết nữa. Xét trên bình diện chung của V-League, không có mấy đội làm được như vậy.
Lan Phương - Tân Minh
Bình luận (0)