Sẽ rất nhiều người không muốn xếp Thể Công vào nhóm "Những tượng đài đã mất", tất cả đều mong muốn một ngày cái tên Thể Công sẽ được tái sinh.
|
Để viết về Thể Công rất khó, để đi tìm một danh thủ và nói về Thể Công cũng rất khó, bởi đội bóng quân đội này có quá nhiều huyền thoại, những danh thủ lừng lẫy. Để nói về Thể Công, về những chiến tích của Thể Công của một thời oanh liệt, cần đến cả chục cuốn sách; để khắc họa tượng đài Thể Công, cần có một bảo tàng riêng.
Chúng tôi đã tìm gặp thủ môn Trần Văn Khánh để một lần nữa nghe ông nói về Thể Công, để đặt lại câu hỏi rằng "Tại sao Thể Công lại được yêu mến nhiều đến thế". 14 năm đứng trong khung thành của Thể Công (từ 1970 đến 1984), là người "đứng phía sau" và có điều kiện song hành với nhiều thế hệ cầu thủ Thể Công, thủ thành huyền thoại của bóng đá VN lý giải: "Thể Công không hẳn chỉ là một đội bóng, cầu thủ Thể Công không hẳn chỉ là cầu thủ. Đội bóng dù hay, cầu thủ dù giỏi, thì cũng chỉ ở phạm vi bóng đá. Quân đội ta là của nhân dân, cầu thủ Thể Công là những người con của nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, và đá bóng cũng là đang chiến đấu, phải chơi đẹp, chơi cao thượng. Cầu thủ Thể Công phải giữ tác phong, kỷ luật quân đội, phải luôn giữ hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, đây mới chính là lý do làm nên cái tên Thể Công".
Thể Công thành lập tháng 9.1954 theo quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, với những cầu thủ như thủ thành Lê Nhâm, tiền vệ Ngô Xuân Quýnh, trung phong Văn Bưởi - người đã ghi bàn thắng đầu tiên cho Thể Công ở trận đấu chính thức đầu tiên trên sân Hàng Đẫy. Giải bóng đá toàn miền Bắc lần đầu tiên được tổ chức năm 1955, và Thể Công là đội vô địch.
Từ năm 1955 đến 1979, Thể Công nhiều lần liên tục vô địch các giải bóng đá ở miền Bắc, đánh bại cả các đội bóng quốc tế, tên tuổi Thể Công trở nên lừng lẫy và đi vào lòng người.
Sản sinh ra nhiều tài năng
Tháng 11.1967, Trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh cùng HLV Nguyễn Văn Tiền (Mười Tiền) đưa 26 cầu thủ lứa tuổi 19 - 20 sang CHDCND Triều Tiên tập huấn. Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Thế Anh... là những cầu thủ được đào tạo chính quy ngày ấy và sau này họ đều trở thành những tài năng lớn của bóng đá VN. Nổi bật trong số này chính là Thế Anh (Ba Đẻn) con của danh thủ Nguyễn Văn Thìn (Thìn A). Những pha đi bóng lắt léo của cầu thủ chỉ cao tầm 1,60 m nặng 45 kg này trước những “ông Tây” to cao hơn nhiều vẫn còn lưu truyền, in sâu trong ký ức những người hâm mộ cho đến tận bây giờ.
Giai đoạn từ 1970 đến 1983, Thể Công với những cầu thủ nói trên làm nòng cốt liên tục thăng hoa. Từ các giải trong nước đến những giải bóng đá các nước XHCN, những trận cầu với Bát Nhất (Trung Quốc), đối thủ cứ nhìn thấy Trần Văn Khánh đứng trong gôn, Nguyễn Trọng Giáp đá trung vệ, rồi phía trên là những bước chân nhanh thoăn thoắt của Ba Đẻn và em ruột là Cao Cường là cảm thấy... nản.
Với tố chất người lính, có kỷ luật chiến thuật chặt chẽ và tinh thần thi đấu máu lửa, Thể Công đi đến đâu là cổ động viên “nổi sóng” đến đó. Lần đầu vào nam du đấu, Thể Công đã đánh bại cả 2 đội mạnh của TP.HCM là Công nghiệp Thực phẩm và Cảng Sài Gòn. Sau này còn thắng luôn cả Hải quan lẫn Sở Công nghiệp, 4 lần trong thập niên 1980 giành chức vô địch giải 1981 - 1982, 1983, 1987, 1990. Một thế hệ cầu thủ tiếp nối từ Quản Trọng Hùng, Trần Anh Quang, Đoàn Ngọc Tuấn... đến Nguyễn Mạnh Cường, Đặng Văn Dũng, rồi Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam... tiếp bước cha anh làm rạng rỡ truyền thống Thể Công. HLV Vương Tiến Dũng là người dẫn dắt đội đến chức vô địch quốc gia năm 1998.
Nhưng bước vào thập niên 2000, những chuyển đổi của cơ chế khiến đội bóng rơi vào tình cảnh khó khăn. Mùa giải năm 2004, đúng kỷ niệm 50 năm thành lập, Thể Công xuống hạng. Đến mùa giải 2009, Thể Công bị xóa tên. Đội bóng được chuyển giao về cho Thanh Hóa. Những người lính không bao giờ rơi nước mắt, nhưng trong cái ngày mà cái tên "Thể Công" không còn nữa, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi...
Nhiều cựu cầu thủ Thể Công hiện đang công tác tại Trung tâm bóng đá Viettel hy vọng việc hồi sinh lại cái tên Thể Công, tìm lại cái "hồn" của Thể Công của ngày xưa, nhưng không phải là điều đơn giản.
Trần Minh
>> Những tượng đài đã mất: Đường sắt Việt Nam đi vào lịch sử
>> Những tượng đài đã mất: 'Voi vàng miền biển' Cảng Hải Phòng
>> Những tượng đài đã mất: Thăng trầm Hải quan
Bình luận (0)