Việc tổ chức đào tạo chuyên biệt và cấp GPLX số tự động có nhiều cái lợi nhưng cũng không ít những rủi ro tiềm tàng đối với giao thông tại Việt Nam.
>> Có cần ‘đẻ’ thêm GPLX số tự động?
>> Có GPLX số tự động, đừng mơ ‘sờ’ xe số sàn
>> Reuters: 8/10 người Việt không có ô tô vẫn đi học bằng lái
Lấy GPLX số tự động nhưng chạy xe số sàn
Ai cũng biết rằng xe số tự động và xe số sàn khác nhau khá nhiều về nguyên lý hoạt động dẫn tới kỹ năng lái xe cũng khác nhau. Nếu ví xe số sàn là một chiếc xe hai bánh côn tay thì xe số tự động tương tự như một chiếc xe tay ga. Chính vì vậy, việc làm quen với xe số sàn cần nhiều thời gian tập luyện, rèn kỹ năng sử dụng hơn là xe số tự động.
Và hiển nhiên, người lái xe số sàn hay xe máy côn tay hoàn toàn có khả năng lái xe số tự động, xe ga dễ dàng. Tuy nhiên, người lái xe ga sẽ không thể dễ dàng lái xe côn tay, tương tự như người chỉ đi xe số tự động sẽ như người mới học lái khi ngồi sau vô lăng xe số sàn. Chính vì vậy, việc cấp thêm bằng lái xe số tự động có thể dẫn đến một số rắc rối trong khâu kiểm soát sau đào tạo vì không ai có thể đảm bảo học viên học lái xe số tự động không bao giờ ngồi sau vô lăng xe số sàn.
|
Khác với các nước Nhật, Đức hay Anh, Pháp việc sở hữu ô tô tại Việt Nam không được tính theo “đầu người” bởi loại xe này vẫn còn xa xỉ với người Việt. Chính vì vậy việc mượn, thuê ô tô thường xuyên xảy ra giữa các mối quan hệ thân thiết hay khi cần đưa cả gia đình đi chơi xa. Do đó, một người có bằng lái thường chạy khá nhiều loại xe vì không sở hữu một chiếc xe bốn bánh cố định. Con số 8/10 học viên học lái xe chưa có ô tô đã nói lên thực trạng này. Tất nhiên, sẽ có luật cấm lái xe số tự động chạy xe số sàn nhưng chừng đó không đủ để răn đe một số trường hợp “cá biệt” vì chuyện “vượt rào” trong giao thông tại Việt Nam không phải là hiếm.
Đào tạo thêm xe số tự động nhưng không cấp GPLX riêng
Nói về chủ trương mới của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), nhiều người đồng tình với việc tập trung đào tạo thêm xe số tự động cho học viên nhưng cho rằng cấp thêm bằng lái riêng là không cần thiết. Cần phải nói thêm, hầu hết các vụ tai nạn xe điên là do tài xế không thuần thục kỹ năng lái xe số tự động. Một phần nguyên nhân cũng đến từ nhiều trung tâm đào tạo khi không đưa xe số tự động vào chương trình thực hành. Chính Bộ trưởng ĐInh La Thăng cũng từng thừa nhận bất cập này khiến học viên khá, giỏi trong trường đào tạo nhưng lại bỡ ngỡ khi lái xe số tự động sau khi có GPLX.
Trước đây, thông tư 46/2012/TT-BGTVT đã từng bổ sung thêm quy định các trung tâm đào tạo phải có thêm xe số tự động cho học viên thực hành ít nhất 10 tiếng. Tuy nhiên, việc không đưa vào bài kiểm tra sát hạch khiến nhiều trung tâm đào tạo coi nhẹ quy định này hoặc thực hiện cho có. Nhiều học viên muốn học lái xe số tự động phải học thêm ở bên ngoài. Đây là thực trạng chung của các trung tâm đào tạo lái xe tại Việt Nam khiến chất lượng đầu ra của học viên chưa thực sự tốt, nhất là đối với xe số tự động.
|
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng việc tăng giờ “làm quen” với xe số tự động từ 10 giờ hiện nay lên 20-30 giờ sẽ hợp lý hơn so với đào tạo cấp riêng GPLX. Dù người học lái xe số sàn có thể dễ dàng cầm lái xe số tự động nhưng để lái loại xe này đúng cách, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu vẫn cần phải có khoảng thời gian nhất định rèn thói quen đúng dưới sự quan sát, hướng dẫn của những người có kinh nghiệm. Điều này sẽ tránh được tình trạng lái xe sai tư thế, thao tác không chuẩn dẫn đến nhầm lẫn khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Nhiều vụ tai nạn thương tâm do tài xế đạp nhầm chân phanh thành chân ga gần đây là một ví dụ.
Phong Trần
Ảnh: Thái Nguyễn
>> Giá ô tô sẽ giảm đáng kể vào năm 2018
>> Những lưu ý cho người mới lái ô tô
>> Ô tô Việt vẫn ‘duyệt binh’ tại chỗ sau gần 3 năm
>> Chuẩn an toàn cho xe hơi quá 'bèo' !
>> Người Việt thích dùng xe sang phản ánh đẳng cấp
Bình luận (0)