Mercedes, BMW, Audi nói gì về đề xuất tính thuế nhập khẩu xe mới ?

02/06/2015 22:58 GMT+7

Đề xuất cách tính thuế mới với xe nhập khẩu (CBU) của Bộ Tài chính đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Vậy “người trong cuộc” nói gì về đề xuất này?

Đề xuất cách tính thuế mới với xe nhập khẩu (CBU) của Bộ Tài chính đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Vậy “người trong cuộc” nói gì về đề xuất này?

>> Sức ép để giảm giá xe hơi
>> Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Giá ô tô nhập khẩu sẽ tăng
>> Đề xuất thay đổi cách tính thuế: Người tiêu dùng vẫn thiệt thòi nhất?

Khi được hỏi về đề xuất tính thuế mới đối với xe nhập khẩu của Bộ Tài chính, 3 ông lớn xe sang, cũng là những thương hiệu chịu ảnh hưởng nhiều với cách tính thuế mới đều cho rằng sẵn sàng tuân thủ và thực hiện nếu quy định này được thông qua. Tuy nhiên, cả BMW, Audi và Mercedes đều hy vọng “trật tự” sẽ không thay đổi. Phản ứng của 3 thương hiệu xe sang Đức tại Việt Nam không nằm ngoài dự đoán bởi nếu đề xuất được thông qua thì họ vẫn buộc phải chạy theo cách tính thuế mới và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận chung cũng như doanh số bán hàng.


BMW tỏ ý phản đối rõ ràng nhất với cách đề xuất tính thuế mới với xe nhập khẩu của Bộ Tài chính

Phía BMW cho biết đã cùng với các nhà nhập khẩu (VIVA) họp bàn và thống nhất đề nghị phương án giữ nguyên cách tính thuế hiện tại. VIVA cho rằng việc giữ nguyên cách tính thuế sẽ giúp ổn định thị trường, doanh số gia tăng giúp tăng lượng thuế doanh nghiệp nộp vào ngân sách. Đồng thời, nó sẽ tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài tránh được những hình ảnh xấu về hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Trái ngược với BMW, Audi tỏ ra khá “ỡm ờ” khi chia sẻ quan điểm về đề xuất tính thuế mới. Hãng xe sang Đức cho rằng cách tính thuế hiện tại áp dụng cho xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) là khá công bằng. Audi lo ngại về vấn đề nhà nước có thể tăng các loại thuế không nằm trong quy định của Hiệp định thương mại tự do tại khu vực ASEAN nhằm bù đắp cho lượng thu thiếu hụt từ nguồn thuế nhập khẩu giảm. Thương hiệu xe Đức cho rằng cần phải đảm bảo tính công bằng, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp CKD và CBU tại Việt Nam và tuân thủ theo WTO nếu đề xuất trên có hiệu lực.


Audi không có quan điểm rõ ràng về đề xuất này nhưng hy vọng sự công bằng, không phân biệt xe nhập hay lắp ráp trong nước

Là hãng xe duy nhất trong 3 thương hiệu xe sang Đức có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, Mercedes-Benz tỏ ra khá bình tĩnh về đề xuất tính thuế mới với xe nhập khẩu. Hãng này cho rằng cách tính thuế mới nếu được áp dụng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty nhưng sẽ nghiêm chỉnh chấp hành nếu nó được thông qua.

Với câu hỏi về chiến lược kinh doanh sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe về 0% từ khu vực ASEAN, BMW cho biết chưa có kế hoạch nhập khẩu xe từ khu vực này để hưởng lợi từ ưu đãi thuế. Trong khi đó, Audi tỏ ra khá bi quan khi cho rằng Hiệp định thương mại tự do ASEAN rất hấp dẫn nhưng việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn khi xét kỹ về xuất xứ cùng các hàng rào phi thuế quan khác có thể được dựng lên. Hiện tại, Audi cũng có nhà máy lắp ráp xe tại Indonesia nhưng bỏ ngỏ khả năng xuất sang thị trường Việt Nam sau năm 2018. Có lẽ, Audi này cũng như BMW đang trông chờ vào một chính sách ổn định, lâu dài hơn đối với xe nhập trước khi thay đổi nguồn cung.

Về phần Mercedes-Benz, khi được hỏi liệu có khả năng mở rộng thêm dòng sản phẩm lắp ráp trong nước nhằm tận dụng lợi thế “sân nhà” hay không? Hãng xe Đức cho biết điều này còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như Mercedes-Benz cũng chưa có quyết định cụ thể về kế hoạch sản xuất sau năm 2018. Dường như các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất lắp ráp xe hơi tại Việt Nam đang “nín thở” chờ thời điểm 2018 trước khi có quyết định mang tính lâu dài.


Mercedes-Benz bày tỏ quan điểm sẵn sàng ủng hộ nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua

Trong trường hợp cách tính thuế mới với xe nhập khẩu của Bộ Tài chính được chấp thuận, thị trường xe hơi Việt Nam sẽ ít nhiều biến động. Trong khi các dòng xe CKD gần như “ngoài vùng phủ sóng” thì các doanh nghiệp CBU sẽ phải đau đầu với bài toán giá xe và doanh số. Nếu tăng giá, doanh số sẽ giảm, nếu giữ nguyên, doanh nghiệp sẽ chịu “thiệt” hoặc quay sang cắt giảm trang bị kèm theo xe. Khi được hỏi về vấn đề này, BMW khẳng định giá xe sẽ không thay đổi còn Mercedes-Benz từ chối cung cấp thông tin.

Có thể nói việc tính thuế mới đối với xe nhập khẩu làm tăng tính công bằng giữa xe CKD và CBU nhưng sẽ có nhiều câu hỏi lớn được đặt ra xoay quanh vấn đề này như: Tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất cách tính thuế mới trong thời điểm này? Liệu có phải do sức ép từ khối doanh nghiệp lắp ráp trong nước, VAMA? Dù câu trả lời là gì, thị trường, người tiêu dùng và chất lượng xe nhập vẫn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu đề xuất trên được thông qua.

Phong Trần - Thái Nguyễn

>> Thị trường xe sang Việt: Tăng trưởng nhưng đầy thách thức
>> Giá ô tô khó giảm đột ngột
>> Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiếp tục xin ưu đãi
>> Giá ô tô sẽ giảm đáng kể vào năm 2018
>> Toyota VN vẫn sản xuất ô tô nhưng mập mờ kế hoạch phát triển
>> Chuẩn an toàn cho xe hơi quá 'bèo' !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.